“Doping não” với thể thao nghiệp dư

25-05-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều VĐV điền kinh sử dụng những loại thuốc đặc biệt để kích thích não. Nhiều chất trong loại “doping não” này không nằm trong danh mục cấm.

Thay vì tìm kiếm các biện pháp để thúc đẩy cơ thể và tăng cường thể lực, đã có nhiều VĐV điền kinh sử dụng những loại thuốc đặc biệt để kích thích não. Đây cũng là xu hướng thường thấy ở những VĐV nghiệp dư do nhiều chất trong loại “doping não” này không nằm trong danh mục cấm.

Thuốc sử dụng trong thể thao được đặc biệt lưu ý

Thuốc sử dụng trong thể thao được đặc biệt lưu ý

Theo nhiều nhà khoa học, “doping não” được sử dụng phổ biến và rộng rãi bởi nhiều chất không nằm trong danh mục cấm. Nghiên cứu này mới được công bố trên tờ Plos One. Trong khi những nghiên cứu trước đây luôn chỉ ra rằng, ở các VĐV nghiệp dư, việc sử dụng chất kích thích thúc đẩy thi đấu là rất nhiều. Công trình nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đức được tiến hành ở gần 3.000 VĐV điền kinh 3 môn phối hợp tại quốc gia này. Mục tiêu của họ là nhằm tìm hiểu và phân tích một cách rộng hơn về sự khác nhau giữa doping cơ thể và doping nhận thức. Theo các nhà nghiên cứu, rất nhiều loại chất kích thích được gọi là “thuốc thông minh” đang được sử dụng rộng rãi nhằm nâng cao những chức năng trí óc. Tại Anh, các sinh viên thường dùng các loại thuốc thông minh này để điều trị chứng rối loạn tăng động, giúp họ tập trung và không cảm thấy mệt mỏi. Trước đây, nếu như chỉ có 1/10 sinh viên Anh dùng thuốc kích thích trí óc thì con số này đã tăng tới 50% chỉ trong 6 năm.

Thuốc KÍCH THÍCH NÃO LÀ GÌ?

Những loại thuốc được gọi là “thông minh” có thể cải thiện chức năng tâm lý vốn đã xuất hiện nhiều trong những năm gần đây. Một số loại thuốc được chế tạo nhằm giúp bệnh nhân tăng sự tập trung, chú ý, cải thiện trí nhớ và nhận thức.

Methylphenidate: Được biết đến nhiều dưới hai cái tên Ritalin và Concerta. Đây là một loại thuốc kích thích tinh thần được sử dụng nhằm điều trị rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD). Số người sử dụng thuốc này tăng đến 50% trong 6 năm từ năm 2007.

Modafinil: Loại thuốc này được sử dụng để điều trị chứng buồn ngủ. Thuốc giúp bệnh nhân tỉnh táo và cải thiện khả năng nhận biết và khả năng tập trung.

Quay trở lại với thể thao. Các nhà khoa học lo ngại việc sử dụng thuốc thông minh có thể xuất hiện ở nhiều môn thể thao khác nếu như các VĐV muốn đạt thành tích cao trong thi đấu. Ở đây, trong nghiên cứu của mình, họ chỉ tiến hành với các VĐV điền kinh 3 môn phối hợp nghiệp dư. Số người được thăm dò phải cho biết họ từng sử dụng chất kích thích cơ thể hay não trong vòng 12 tháng qua hay không. Trong số này, có 13% cho biết họ đã sử dụng các chất kích thích như EPO, Steroids hay những loại hormon tăng trưởng. Còn khi nói đến chất kích thích não, 15,1% cho biết họ sử dụng những sản phẩm có chứa amphetamines hay các loại thuốc như modafinil hoặc methylphenidate. Điều đáng nói là nhiều VĐV nam thừa nhận họ sử dụng cả hai loại doping cơ thể và doping não.

Theo những con số của Ủy ban chống doping thế giới (WADA), khoảng 1 - 2% số các VĐV thi đấu chuyên nghiệp có dương tính với chất kích thích, mặc dù con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Lấy ví dụ như ở môn bóng chày, có tới 8% số cầu thủ chuyên nghiệp được chẩn đoán bị rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) và cần phải dùng thuốc. Nhiều người chỉ trích thì cho rằng điều này chẳng khác gì sử dụng “doping não” để thi đấu bởi vì uống thuốc có thể giúp các cầu thủ bóng chày cải thiện sự tập trung. Tuy vậy, ở các giải điền kinh nghiệp dư lại khác. “Chúng tôi không quá ngạc nhiên về mức độ sử dụng doping nhận thức của các VĐV”, giáo sư Perikles Simon của Trường đại học Mainz, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu nói. “Tôi nghĩ đây là con số thực tế và nó khá chính xác với những tỷ lệ được phát hiện trong các trường đại học của Mỹ hay Anh”.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng muốn tìm hiểu xem có sự giống nhau nào không giữa những VĐV sử dụng cả hai loại doping. Họ cho rằng, vẫn có một loại chất sử dụng có thể được xem là hợp pháp như những loại thực phẩm đa chức năng. Dĩ nhiên thì những VĐV một khi đã sử dụng chất kích thích thì ngoài việc chấp nhận những nguy cơ phản ứng phụ từ thuốc, họ còn phải đối mặt với viễn cảnh sớm kết thúc sự nghiệp nếu bị cấm thi đấu. Nói như giáo sư Simon thì họ đã tìm thấy mối liên hệ giữa những người sử dụng “doping não” hợp pháp và những người sử dụng vì mục đích gian lận. Số người này sẵn sàng chấp nhận rủi ro để hy vọng đạt được mục tiêu của mình. Các tác giả của công trình nghiên cứu cũng cho rằng, việc sử dụng “doping não” có thể sẽ tác động đến thái độ của một số những VĐV nghiệp dư. Họ biết rõ doping cơ thể là bị cấm và các cuộc kiểm tra diễn ra thường xuyên ở những nội dung 3 môn phối hợp, thậm chí là nghiệp dư. Ngược lại, việc sử dụng các loại chất kích thích não không có quy định xử phạt nên nguy cơ lạm dụng thuốc là không thể tránh khỏi. Thêm nữa, việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn tăng động, giảm chú ý cũng không mang tiếng xấu như sử dụng steroids.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu của họ vẫn chưa tìm ra được nhiều câu trả lời về “doping não” bởi ở góc độ trí óc, họ không biết rõ về những loại chất này. Liệu việc sử dụng có làm thay đổi tâm lý và hành vi của VĐV hay không? “Điều chúng tôi chưa biết là nếu anh được xem là bệnh nhân, sử dụng thuốc sẽ giúp anh trở nên tập trung hơn. Nhưng nếu anh đã tập trung rồi, liệu sử dụng thuốc có tác động gì không? Đó là một câu hỏi lớn”, giáo sư Simon nói tiếp. Một điều chắc chắn là, bất chấp tác động của thuốc, việc lạm dụng chất kích thích về lâu dài có thể sẽ để lại phản ứng xấu.

Mạnh Hào


Ý kiến của bạn