Hen phế quản là tình trạng phản ứng cao độ ở phế quản trước nhiều kích thích khác nhau, biểu hiện đặc trưng là cơn khó thở với tiếng rít cò cử do co thắt cơ trơn phế quản, phù nề niêm mạc và tăng tiết dịch nhày phế quản.
Hen dị ứng do kích thích của các tác nhân bên ngoài môi trường như bụi phấn hoa, lông súc vật và thực phẩm… Bệnh thường gặp ở trẻ em và có tính gia đình rõ rệt.
Hen không do dị ứng: Bệnh thường do các vi khuẩn, virut gây nên viêm đường hô hấp mạn tính.
Hen do thuốc: thường gặp nhất là aspirin.
Hen do nghề nghiệp: Người bệnh hít phải những loại bụi, các chất khí hoặc tiếp xúc các hoá chất kích thích gây co thắt phế quản và tăng tiết nhầy phế quản.
Bạch quả. |
Theo y học cổ truyền, hen phế quản thuộc phạm trù “háo suyễn” “đàm ẩm”. Nguyên nhân gây bệnh do ngoại cảm phải ngoại tà bên ngoài, ăn uống tình chí thất thường, làm việc quá sức. Về tạng phủ, do sự thay đổi hoạt động của tạng phế và thận, vì thế tuyên giáng và thận nạp khí, bệnh có liên quan mật thiết với đàm. Đàm là sản vật bệnh lý do tỳ hư không vận hoá thuỷ thấp, thận dương hư không ôn tỳ dương vận hoá thuỷ cốc và không khí hoá được nước, phế khí hư không hoá giáng thông điều thuỷ đạo. Trên lâm sàng thấy các hiện tượng đàm nhiều, khó thở ngực đầy tức. Đông y có nhiều bài thuốc điều trị theo từng thể bệnh:
Thể hen hàn
Triệu chứng: Thở gấp, trong hầu có tiếng hen rít, ngực bí, đờm trong loãng, miệng không khát, thích uống nóng, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch phù hoạt.
Dùng bài thuốc: Xạ can 10g, tế tân 8g, ma hoàng 12g, ngũ vị tử 6g, bán hạ 6g, tử uyển 8g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát, khoản đông hoa 10g.
Thể hen nhiệt
Triệu chứng: Hen suyễn gấp, trong hầu có tiếng khò khè, đàm đặc ho khó ra, trong ngực bí, thở mạnh, miệng khát thích uống lạnh, miệng đắng, mặt đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác. Dùng bài thuốc: bạch quả 10 quả (liên vỏ cùng đập), cam thảo 6g, hạnh nhân 8g, tô tử 12g, hoàng cầm 8g, bán hạ 6g, tang bạch bì 10g, khoản đông hoa 10g.
Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang.
Lương y Vũ Quốc Trung