Đau khớp khuỷu tay thường gặp ở những người thường xuyên vận động tay như: thợ nề, mộc, thợ hàn, thợ rèn và các vận động viên bóng bàn, quần vợt, bóng chuyền…
Khi bị đau khớp khuỷu tay, người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở phía ngoài khớp khuỷu tay, cầm nắm khó khăn; khi quay cánh tay, co duỗi khớp cổ tay thấy đau lan truyền xuống dưới; phía bên ngoài khớp khuỷu tay, xương cổ tay có những điểm đau, có thể có sưng. Trường hợp bệnh nặng sẽ sưng đau, khớp co duỗi khó.
Theo y học cổ truyền, đau khuỷu tay thuộc nguyên nhân chấn thương làm cho khí huyết bị tắc không lưu thông được gây nên những điểm đau, lúc đầu đau dữ dội, sau lâu dần điểm đau này ấn vào cảm giác dễ chịu, đau âm ỉ dai dẳng kéo dài, thuộc nhóm bệnh do bất nội ngoại nhân gây nên.
Phương pháp dùng thuốc: thường dùng bài Quyên tý thang gia giảm (có tác dụng giảm đau khớp chi trên): khương hoạt 9g, khương hoàng 10g, đương quy 12g, hoàng kỳ 6g, xích thược 10g, phòng phong 6g, cam thảo 3g. Sắc uống ngày 2 lần lúc thuốc còn ấm.
Phương pháp không dùng thuốc:
Châm cứu: huyệt sử dụng: a thị huyệt (điểm đau tại khớp khuỷu), Khúc trì (huyệt ở đầu ngoài nếp gấp khuỷu tay khi cẳng tay và cánh tay co 1 góc 900), Thủ tam lý (đường thẳng từ khủy tay đo xuống cổ tay (chỗ lõm khi dang ngón cái khoảng 4cm). Nếu điểm đau cự án thì dùng châm (đưa kim vào huyệt): vê kim mạnh, thời gian ngắn từ 5 - 10 phút hoặc nếu điểm đau thiện án thì dùng cứu (dùng sức nóng tác dụng vào huyệt): cứu ấm vùng đau khoảng từ 15 - 20 phút hoặc có thể phối hợp châm và cứu nếu tái phát nhiều lần.
Xoa bóp - bấm huyệt, tập luyện: thực hiện xoa bóp bấm huyệt trước để khí huyết lưu thông, giảm đau, giãn cơ, sau đó thực hiện vận động khớp (thực hiện động tác gấp, duỗi, sấp, ngửa khuỷu tay) để tăng biên độ vận động khớp trong trường hợp bị khớp bị giới hạn vận động. sau đó xoa bóp nhẹ nhàng lại để kết thúc.
Vận động khớp khuỷu tay: 1 bàn tay của thầy thuốc giữ bàn tay của người bệnh sao cho ngón cái bàn tay thầy thuốc để ở lưng bàn tay người bệnh và ngón 2 và 3 thầy thuốc kẹp ngón cái người bệnh ở giữa tay kia thầy thuốc giữ phía dưới khuỷu tay người bệnh cố định khuỷu tay và di chuyển cẳng tay theo hướng quay vòng khuỷu, gập, duỗi, sấp ngửa cẳng tay.
Trong xoa bóp cần chú ý khi có điểm đau cự án thì dùng pháp tả: xoa bóp nhanh mạnh, thời gian ngắn 5 - 10 phút; nếu gặp điểm đau thiện án thì xoa bóp nhẹ nhàng và thời gian xoa bóp bấm huyệt hơi lâu từ 15 - 20 phút.
Nếu có hiện tượng teo cơ ở khủy tay thì khi điều trị phải dùng thuốc bổ tỳ vì tỳ chủ cơ nhục. Nếu có hiện tượng co cứng cơ khớp ở khuỷu tay thì phải dùng thuốc bổ can vì can chủ cân cơ.
Trước khi điều trị bằng Đông y, bệnh nhân cần thực hiện các cận lâm sàng cần thiết (siêu âm cơ, X-quang, CT, MRI…) để xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương, từ đó đưa ra chẩn đoán, đánh giá mức độ để có hướng điều trị thích hợp.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ