Đông y phòng chữa rối loạn kinh nguyệt

08-11-2011 08:18 | Y học cổ truyền
google news

Theo Ðông y, nguyên nhân chủ yếu gây ra rối loạn kinh nguyệt là chức năng tiêu hóa bị trục trặc, cản trở sự hấp thu dinh dưỡng,

Theo Ðông y, nguyên nhân chủ yếu gây ra rối loạn kinh nguyệt là chức năng tiêu hóa bị trục trặc, cản trở sự hấp thu dinh dưỡng, khiến cơ thể phát dục không đầy đủ, chức năng sinh sản chậm hoàn thiện. Các chấn động về tinh thần, tình cảm cũng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Từ 14 tuổi, đông y cho rằng phụ nữ thiên quí đã đầy đủ nên cơ thể lớn nhanh - tính tình thay đổi, có kinh. 49 tuổi thiên quí bắt đầu cạn dần, tính tình cũng lại thay đổi, sức khỏe thay đổi và  hết kinh.

Ngày nay, do nhiều tác động của đời sống kinh tế xã hội, hành kinh có thể xuất hiện từ tuổi 12 - 13 và kéo dài đến độ tuổi  54 - 55. Kinh mỗi tháng thấy một lần nên gọi là kinh nguyệt. Bình thường kinh nguyệt trong 3 ngày thì sạch. Nếu quá 10 ngày gọi là kinh nguyệt kéo dài - gây mất máu nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe. Các kỳ kinh thường kéo dài từ 28 - 30 ngày.

Nếu chu kỳ kinh chênh nhau trên 5 - 10 ngày gọi là không đều hay rối loạn kinh nguyệt.

Rối loạn chu kỳ kinh cần tìm nguyên nhân để chữa trị.

Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt

Do căng thẳng trong cuộc sống

Điều khiển hoạt động của cơ thể có hai hệ thống và hai hệ thống này liên quan chặt chẽ với nhau. Khi căng thẳng, thần kinh tiết chất kích thích, buồng trứng bị rối loạn. Do vậy hoạt động của buồng trứng cũng bị rối loạn, dẫn đến kinh nguyệt không đều.

Tạng người

Béo quá hay gầy quá cũng làm thay đổi hoạt động của buồng trứng, gây rối loạn chu kỳ kinh. Người bị nhiễm trùng hay nhiễm độc đặc biệt là nhiễm trùng đường sinh dục (tử cung, buồng trứng).

Tạng thận

Chức năng tạng thận là tàng tinh sinh tinh.

Thiên quí đầy đủ, kinh nguyệt đều. Thiên quí thiếu, thận hoạt động yếu thì kinh nguyệt rối loạn. 

 Cây ích mẫu.

Phòng và chữa rối loạn kinh nguyệt

Cách phòng và chữa bệnh của đông y là:

Một là: không lao động quá nặng, quá mệt, kéo dài. Không chơi bời quá mức sẽ hao tinh. Tinh hao kinh nguyệt rối loạn.

Hai là: trong quan hệ cuộc sống cần biết đủ (chi túc), có lòng vị tha để hòa đồng, giải tỏa uất ức buồn phiền cùng người thân, kinh nguyệt sẽ đều.

Ba là: ăn uống đủ ngũ vị: cay, chua, mặn, đắng, ngọt. Không quá nhiều vị nào trong bữa ăn hàng ngày. Trên mâm cơm đủ ngũ sắc là màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu đen và màu trắng. Đủ ngũ vị và ngũ sắc khí huyết sẽ đầy đủ và lưu thông, kinh nguyệt sẽ đều.

Để chữa bệnh, thầy thuốc cần khám để tìm nguyên nhân – thuốc chữa tùy địa phương, tùy kinh nghiệm mỗi thầy thuốc – nhưng đều tuân theo các quy luật chung là:

Nếu khí huyết kém dùng bài: xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược, đảng sâm.

Nếu có yếu tố buồn phiền uất ức, dùng các vị: sài hồ, bạch thược, đan bì, hoàng cầm, đương quy, tô ngạch, hương phụ chế.

Nếu đau bụng khi hành kinh dùng các vị tăng lưu thông khí huyết như: đan sâm, hồng hoa, ích mẫu, ngải cứu.

Nếu kinh ra nhiều kéo dài 6, 7 ngày, dùng các vị bổ máu và cầm máu như: đương quy, ngải diệp xao đen, hòe hoa, cỏ nhọ nồi, azao…

Nếu kinh nguyệt ra quá ít có thể tăng bổ thận và bổ huyết dùng các vị như: thục địa, hoài sơn, sơn thù, đan bì, hoàng kỳ, ích mẫu, ngải diệp, xuyên khung.

Nếu chậm kinh, kinh quá 5 - 10 ngày không ra, (nhưng không phải do có thai) thì dùng thêm các vị ích mẫu, hồng hoa, đào nhân, đan sâm…

Nếu kinh nguyệt không đều có thể dùng bài xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược, hương phụ, ích mẫu, ngải cứu.

Nếu có khí hư ra nhiều, mùi hôi; khí hư màu vàng hay đen, cần dùng thêm thuốc ngâm rửa dùng bài: hoàng bá, phèn phi, lá móng, tô mộc, linh lang - đun ngâm rửa 7 đến 10 ngày liền.

Tóm lại, phòng chữa bệnh không quá khó. Cần người bệnh có hiểu biết để phối hợp với thầy thuốc.

GS.TS. Dương Trọng Hiếu


Ý kiến của bạn