Đông y phòng chống COVID-19

SKĐS - Phòng chống dịch bệnh là việc mà chúng ta đã làm được suốt hơn 1 năm qua. Tuy nhiên sẽ là một thách thức rất lớn nếu chúng ta chủ quan hay ý thức cộng đồng không tốt khi virus biến thể với tốc độ lây lan khủng khiếp.

Trong Đông y không có bệnh danh “COVID-19”, nhưng dựa trên các biểu hiện lâm sàng và quá trình diễn biến của bệnh hầu hết các chuyên gia, đặc biệt là ở Trung Quốc, đều cho rằng COVID-19 thuộc phạm trù “ôn dịch” trong Đông y.

Theo Đông y, nguyên nhân gây dịch COVID-19 vẫn không nằm ngoài hai vấn đề là tà khí (mầm bệnh) và chính khí (sức đề kháng và miễn dịch). Sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể suy giảm có ảnh hưởng quyết định đến sự phát sinh và phát triển của dịch bệnh trong khi chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin cũng còn nhiều bất cập, nhất là khi virus biến đổi.

Quan điểm chung là dù trị liệu theo Đông y hay Tây y hoặc phối hợp đều phải xác định chẩn đoán theo y học hiện đại. Trên cơ sở đó, khi vận dụng các biện pháp của Đông y cần chẩn đoán và phân loại thể bệnh sau khi tiến hành tứ chẩn rồi phân chia theo từng thể bệnh.

Đông y phòng chống COVID-19Đông y có nhiều bài thuốc hay giúp phòng bệnh hiệu quả.

Thể nhẹ có 2 thể

Hàn thấp uất phế với triệu chứng sốt, mệt mỏi, toàn thân đau nhức, ho, khạc đờm, tức ngực khó thở, ăn uống kém, buồn nôn, nôn, đại tiện nhiều lần trong ngày, chất lưỡi bệu có vết hằn răng, sắc nhạt hoặc hồng, rêu lưỡi dày nhớt hoặc trắng nhớt, mạch hoạt hoặc nhu.

Thấp nhiệt uất phế với triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt, hơi sợ lạnh, mệt mỏi, toàn thân mỏi nặng, đau nhức cơ, ho khan đờm ít, đau rát cổ họng, miệng khô nhưng không khát, hoặc tức ngực, bụng có khối cứng, không mồ hôi, buồn nôn, ăn uống kém, đại tiện phân nát, lưỡi hồng, rêu rắng dày nhớt hoặc vàng mỏng, mạch hoạt hoặc nhu.

Thể thông thường có 2 thể

Thấp độc uất phế với triệu chứng phát sốt, ho ít đờm hoặc đờm vàng, tức ngực khó thở, bụng chướng, đại tiện táo, chất lưỡi ấm đỏ, lưỡi bệu, rêu vàng nhớt hoặc vàng táo, mạch hoạt sác hoặc huyền hoạt.

Hàn thấp trở phế với triệu chứng sốt nhẹ, không sốt cao hoặc chưa phát sốt, ho khan, ít đờm, mệt mỏi, tức ngực, bụng có khối cứng, buồn nôn, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhạt hoặc hồng, rêu trắng hoặc trắng nhớt, mạch nhu.

Thể nặng có 2 thể

Dịch độc bế phế với triệu chứng phát sốt, mặt đỏ, đờm vàng ít hoặc trong đờm có máu, khó thở, mệt mỏi, miệng khô đắng dính, buồn nôn, đại tiện táo, tiểu rắt tiểu buốt, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Khí dinh lưỡng phản với triệu chứng sốt cao phiền khát, khó thở, mê sảng, hoặc nhìn vật mờ mắt, hoặc phát ban, hoặc nôn ra máu, chảy máu, hoặc co rúm tứ chi, lưỡi đỏ thẫm, rêu ít hoặc không có rêu, mạch trầm tế sác hoặc phù đại sác.

Thể trầm trọng (thể nội bế ngoại thoát) với triệu chứng hô hấp khó khăn, suy hô hấp, cần thông khí cơ học, tiền mê sảng, bức bối, vã mồ hôi, lạnh tứ chi, chất lưỡi ám tím, rêu dày nhớt hoặc dày táo, mạch phù đại vô lực.

Đông y phòng chống COVID-19Sử dụng các loại thảo mộc để tăng cường khả năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.

Ngoài ra, giai đoạn quan sát diễn biến bệnh (chưa được chẩn đoán xác định) cũng có thể can thiệp bằng Đông y với 2 bệnh cảnh: mệt mỏi kèm theo bụng dạ khó chịu và mệt mỏi kèm theo sốt.

Với giai đoạn hồi phục có thể chia thành hai thể

Phế tỳ khí hư với triệu chứng thở nông, mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn, bụng chướng, đại tiện phân nát, lưỡi bệu, chất lưỡi nhợt, rêu trắng nhớt.

Khí âm lưỡng hư với triệu chứng mệt mỏi, thở nông, môi khô miệng khát, tâm phiền, mồ hôi nhiều, ăn uống kém, sốt nhẹ hoặc không sốt, ho khan ít đờm, lưỡi khô, mạch tế hoặc hư vô lực.

Việc chữa trị, các nhà Trung y đã xác định 3 nguyên tắc cơ bản trong trị liệu COVID-19

Biện bệnh vi chủ, biện chứng kết hợp, chuyên bệnh chuyên phương, lấy việc xua đuổi tà khí làm trọng điểm, đồng thời căn cứ vào đặc điểm phát bệnh của dịch độc mà vận dụng “chuyên bệnh chuyên phương” một cách hiệu quả.

Xem trọng chính khí (sức đề kháng và miễn dịch) của cơ thể, chú ý biến đổi bệnh lý của tạng phủ, căn cứ vào bệnh tình mà phân loại để điều trị.

Kết hợp Đông Tây y, phát huy ưu thế tương hỗ một cách hài hòa và hợp lý. Dựa trên các nguyên tắc này, tùy theo giai đoạn, mức độ và tính chất của bệnh các nhà Trung y đã lựa chọn, xây dựng và ứng dụng các vị thuốc, bài thuốc có hiệu quả rất đáng khích lệ trong thực tiễn dựa trên cơ sở “biện chứng luận trị” và “biện bệnh luận trị”. Đồng thời họ còn chú trọng vận dụng các biện pháp khác mang tính chất tổng hợp ngâm chân, xông hơi, túi hương Đông dược, trà thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... nhằm mục đích dự phòng và hỗ trợ điều trị với việc điều tiết công năng các tạng phủ, tăng cường khả năng miễn dịch, từ đó nâng cao sức đề kháng đối với dịch bệnh


ThS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn