Cách đây tròn 75 năm (22/8/1946) Hội Đông y Việt Nam được thành lập. Đến nay Hội ngày càng lớn mạnh, đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhân dịp này mời bạn cùng gặp gỡ TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh – Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam chia sẻ xung quanh vấn đề này
Đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong KCB bằng YHCT
Phóng viên: Thành quả nổi bật của 75 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Đông y Việt Nam là gì, thưa PGS.?
TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh: Trong 75 năm qua dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngành Y tế, với nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, hội viên, Hội Đông y Việt Nam (HĐYVN) đã xây dựng được một mạng lưới tổ chức hội rộng lớn với gần 70.000 hội viên, tổ chức thành 4 cấp: Cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành; cấp quận, huyện và cấp xã, phường. Có thể nói ở đâu có người dân sinh sống ở đó có thầy thuốc Đông y chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Với mạng lưới rộng lớn như vậy đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân bằng phương pháp y học cổ truyền. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 có 40% người dân ở tuyến cơ sở xã, phường được khám chữa bệnh bằng phương pháp đông y, cấp huyện là 25%, cấp tỉnh là 20% và cấp Trung ương là 10 – 15%. Đây là một thành quả vô cùng to lớn.
Thành quả tiếp theo là công tác đào tạo cán bộ, Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, các khoa Đông y tại các trường đại học, các cơ sở đào tạo cán bộ đông y tạo thành mạng lưới đào tạo cán bộ cho chuyên ngành Y học cổ truyền. Hàng năm, đào tạo được hàng ngàn bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền.
Từ khi thành lập năm 1946, Hội Đông y Việt Nam chỉ có 300 hội viên, đến nay Hội đã có 70.000 hội viên. Đặc biệt nhiều thầy thuốc Đông y là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; hàng ngàn thầy thuốc Đông y là thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, bác sĩ chuyên khoa cấp 2. Với số lượng hội viên tăng như vậy, với việc đào tạo bài bản, lực lượng các thầy thuốc Đông y đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền.
Thành quả tiếp theo là phát triển dược liệu. Hiện nay tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, tất cả các vùng, miền đều có hoạt động phát triển dược liệu. Hàng trăm công ty dược y học cổ truyền với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng đã đóng góp một phần rất lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân.
Các nhà máy sản xuất và chế biến thuốc bằng phương pháp Y học cổ truyền phục vụ công tác khám chữa bệnh trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần không nhỏ vào công tác chủ động thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc về Y học cổ truyền, 54 dân tộc đều có người làm công tác Y học cổ truyền. Hội Đông y Việt Nam đã sưu tầm nhiều kinh nghiệm hay, bài thuốc quí chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho gia đình của đồng bảo thiểu số, cũng như của mọi người dân tại tất cả các vùng, miền của đất nước rồi nhân rộng và phát triển thành các sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng với qui mô lớn hơn. Công tác bảo tồn và phát triển Y học cổ truyền được đảm bảo thường xuyên và quan tâm phát triển. Các tài liệu về Đông y cổ được Hội Đông y Việt Nam dịch thuật, tu thư, phục vụ bạn đọc và nghiên cứu Đông y tốt hơn.
Có thể nói với mạng lưới đông y rộng khắp, với sự đoàn kết của các hội viên, 75 năm qua Hội Đông y Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, kết hợp với Y học hiện đại thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân do Đảng và Nhà nước giao phó cho ngành Y tế.
Nghiên cứu các sản phẩm thuốc đông y phục vụ công tác phòng chống dịch
Phóng viên: Định hướng phát triển của Hội trong tương lai là gì để góp phần xây dựng nền Y học cổ truyền Việt Nam hiện đại, bản sắc, dân tộc và đại chúng, đóng góp vào sự phát triển chung của nền Y học nước nhà?
TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh: Ngành Đông y Việt Nam dựa vào các nhu cầu của người dân để phục vụ như người dân muốn có cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe tốt, nhất là những người có các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái thái đường; nhu cầu về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính…
Về thẩm mỹ chăm sóc da bằng y học cổ truyền, nâng cao chất lượng cuộc sống, dinh dưỡng, trường thọ… Dựa vào nhu cầu của người dân ngành Đông y xây dựng kế hoạch để phục vụ, đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả. Đó là nhu cầu rất chính đáng của người dân trong thời kỳ công nghiệp 4.0, số hóa toàn xã hội. Đông y thay đổi cách thức để phục vụ tốt hơn.
Trong hoàn cảnh cả thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 như hiện nay Đông y cũng tham gia phòng chống dịch, nghiên cứu các sản phẩm thuốc đông y phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân có sức khỏe tốt để không mắc bệnh COVID-19, nếu mắc thì bệnh nhanh khỏi hơn, nếu bệnh nặng thì giảm thiểu thiệt hại, giảm tỉ lệ tử vong… Đây cũng là nhiệm vụ của ngành Đông y trong thời gian tới, góp sức cùng cả nước chống lại đại dịch COVID-19.
* Hội Đông y Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng:
- 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1990 và 2007.
- 17 Huân chương lao động hạng Nhất.
- 34 Huân chương lao động hạng Nhì.
- 29 Huân chương lao động hạng Ba.
- 26 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
- 718 bằng khen của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
* Đến năm 2020, Hội được Nhà nước phong tặng các danh hiệu: 13 Thầy thuốc nhân dân, 1 Nhà giáo nhân dân và 60 Thầy thuốc ưu tú.
* 728 Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.
* 25 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Đảm bảo cập nhật kiến thức hiện đại của Y học hiện đại, khoa học chữa bệnh của thế giới.
Với kinh nghiệm 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngành Đông y sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng ngành Y tế làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng phương pháp Y học cổ truyền.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS.!
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bên trong Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Việt Đức tại Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.