Càng học, càng đọc, càng thấy lý luận y học cổ truyền (đông y) thật kỳ diệu và uyên thâm. Lý luận của y học cổ truyền không chỉ vận dụng vào y học (khám, chữa bệnh) mà suy rộng ra có thể vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống con người, xã hội.
Lấy học thuyết tạng tượng của y học cổ truyền là một ví dụ: “Tạng” theo nghĩa gốc tạng, là chứa đựng bên trong, ở đây chỉ các cơ quan nội tạng trong cơ thể. “Tượng” lý giải theo nghĩa là biểu tượng, hình tượng hay những trạng thái biểu hiện ra bên ngoài. Thông qua các biểu hiện và trạng thái bên ngoài, cái mà người ta có thể cảm nhận, quan sát được (tượng), mà nắm bắt, hiểu được cái bên trong tàng ẩn không quan sát, nhận biết được (tạng). Phương pháp tư duy này của y học cổ truyền rất logic, uyên thâm, phù hợp với quy luật của nhận thức và được vận dụng một cách diệu kỳ không chỉ trong chẩn đoán, điều trị bệnh mà cả trong cuộc sống nói chung.
Sở dĩ quan sát, nhận biết cái bên ngoài (tượng) để hiểu được và nắm bắt được cái bên trong (tạng), người xưa đã sớm phát hiện quy luật “hữu ư chung tất hình ư ngoại” (có ở bên trong ắt phải hiện ra bên ngoài) và trên cơ sở quan sát, nhận biết những biểu hiện, biến đổi bên ngoài để hiểu được nội dung bên trong. Ví dụ: thấy da dẻ mát lạnh hay nóng sốt biết là cơ thể đang bị cảm mạo do phong hàn hay phong nhiệt, sẽ xuất hiện các chứng tắc mũi, chảy nước mũi, ho….qua đó người ta biết được giữa da, lông, lỗ mũi và phế (phổi) có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Y học cổ truyền chỉ ra rằng: không có cái gì giấu kín ở trong mà không hề biểu hiện ra bên ngoài, từ sinh lý đến tâm lý. Bởi thực tế cho thấy “cái kim trong bọc, lâu ngày cũng lòi ra” hay “nhìn mặt mà bắt hình dong….”
Từ những lý luận kỳ diệu, uyên thâm của y học cổ truyền vận dụng trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật có kết quả….tôi suy ngẫm và thấy các học thuyết, lý luận của y học cổ truyền không chỉ vận dụng trong việc chẩn đoán, điều trị phòng ngừa bệnh tật mà rộng hơn nó còn có ý nghĩa sâu xa đối với đời sống con người và xã hội. Ví dụ: nhìn diện mạo, phong thái, cách ăn nói, của một con người, ta có thể đoán biết được người thiện, kẻ ác, người chính, kẻ tà… như người xưa thường nói: “nhìn mặt mà bắt hình dong”, hay “khôn ngoan hiện ra mặt”.
Vậy hãy sống cởi mở và chân thành với mọi người, đừng giấu kín suy nghĩ của mình hoặc hành động sai trái của mình, vì cổ nhân đã dạy: “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
“Hư thực” là một cặp phạm trù trong bát cương của y học cổ truyền. Hư là chỉ chính khí của cơ thể bất túc, sức đề kháng suy yếu. Thực là chỉ chính khí của cơ thể hữu dư, sức đề kháng của cơ thể mạnh mẽ. Nếu chính khí đầy đủ, mạnh mẽ thì tà khí không thể xâm nhập, gây bệnh cho con người. Suy rộng ra trong cuộc sống nếu cái thiện mạnh sẽ át được cái ác, cái tốt đẩy lùi cái xấu… vì vậy mỗi con người phải rèn luyện để cái thiện, cái tốt trong mình đầy đủ sẽ không sợ cái ác, cái xấu lấn áp như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Trong thực tế cuộc sống nhận biết được đâu là hư, đâu là thực không phải dễ dàng, nên mới có hiện tượng “chân hư giả thực” hay “chân thực giả hư” là những khái niệm rất sâu xa của y học cổ truyền.
Khám bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Ninh Bình
“Chân hư giả thực” là để chỉ chính khí bị hư nhược, nhưng lại biểu hiện giả như thực chứng, dễ làm người thầy thuốc bị nhầm lẫn. Ngược lại “chân thực giả hư” chỉ bệnh thực tà kết tụ, nhưng lại biểu hiện giả giống như hư chứng.
Để điều trị được bệnh, đòi hỏi người thầy thuốc phải phân biệt được đâu là “chân” (bản chất), đâu là “giả” (hiện tượng) nếu không sẽ bị nhầm lẫn giữa chân và giả. Suy rộng ra trong cuộc sống thực tế cũng vậy không được nhầm lẫn giữa bản chất (chân) và hiện tượng (giả) như người xưa từng cảnh báo: “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”.
“Phù chính khu tà” là khái niệm rất độc đáo của y học cổ truyền. "Phù chính" là phù trợ, giúp đỡ chính khí, tăng cường chính khí để tiêu trừ bệnh tà. "Khu tà" là khu trừ bệnh tà, cũng là nhằm phù trợ cho chính khí. Suy rộng ra trong cuộc sống muốn cho mọi việc tốt đẹp hoàn mỹ, phải luôn luôn ủng hộ những điều tốt đẹp, hoàn mỹ đồng thời phải chung tay tiêu trừ những điều xấu.
Trong thực tế cuộc sống rất phong phú và đa dạng, nếu biết nắm bắt và vận dụng các học thuyết và lý luận của y học cổ truyền sẽ thấy được những điều kỳ diệu và uyên thâm của nó. Đó là bài học lớn mà tôi rút ra được và chiêm nghiệm trong cuộc sống cũng như cuộc đời hành nghề của mình.
Lấy học thuyết tạng tượng là một ví dụ: cái gì có bên trong rồi cũng phải thể hiện (lộ) ra bên ngoài. Vậy sao lại giấu kín những ý nghĩa hành động của mình để làm gì? Hãy sống cởi mở và chân thành với mọi người. Bởi vì không thể nào giấu được.
Cũng như vậy, nếu suy ngẫm sâu xa, các học thuyết về âm dương, ngũ hành, con người là tiểu vũ trụ của y học cổ truyền không chỉ là các học thuyết, lý luận thuần túy về y học mà mang ý nghĩa sâu xa và rất rộng.
Hoài Vũ