Đông y hỗ trợ trị viêm não Nhật Bản

27-05-2012 22:18 | Y học cổ truyền
google news

Viêm não Nhật Bản B là một bệnh truyền nhiễm do virut hay xuất hiện về mùa hè (trong tháng 5, 6 dương lịch ở miền Bắc, ở miền Nam xuất hiện quanh năm), là một bệnh cấp, phát bệnh và chuyển biến rất nhanh chóng cần điều trị kịp thời để tránh tử vong và di chứng.

(SKDS) - Viêm não Nhật Bản B là một bệnh truyền nhiễm do virut hay xuất hiện về mùa hè (trong tháng 5, 6 dương lịch ở miền Bắc, ở miền Nam xuất hiện quanh năm), là một bệnh cấp, phát bệnh và chuyển biến rất nhanh chóng cần điều trị kịp thời để tránh tử vong và di chứng.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh trong ôn bệnh của y học cổ truyền (còn gọi là thử ôn, thử kinh, thử quyết) do thử ôn xâm nhập từ biểu vào lý, đốt ở phần khí và doanh huyết; nhiệt cực sinh phong, tân dịch giảm sinh đàm nếu xuất hiện các chứng sốt cao co giật, mê sảng, đàm làm tắc các khiếu gây hôn mê, chứng nội bế ngoại thoát (truỵ tim mạch ngoại biên).

Bệnh biến chuyển theo các giai đoạn: vệ (khởi phát), khí (toàn phát chưa có biến chứng), doanh huyết (toàn phát có biến chứng mất nước, nhiễm độc thần kinh, rối loạn thành mạch) và thương âm, thấp trở ở kinh lạc (hồi phục và di chứng).

 Mai rùa cho vị thuốc quy bản.

Thể vệ, khí:

(giai đoạn khởi phát và toàn phát chưa có biến chứng).

Triệu chứng: sốt, hơi sợ lạnh, có mồ hôi hoặc ít mồ hôi, đau đầu, phiền táo lơ mơ, gáy hơi cứng, tinh thần tỉnh táo, có thể co giật, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng.

Bài 1: hạt muồng sống 16g, thạch cao 40g, chi tử 10g, cát căn 10g, ngân hoa 16g, cỏ nhọ nồi 10g, cam thảo nam 10g, sinh địa 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2 - Ngân kiều thang gia giảm: kim ngân hoa 16g, thạch cao 40g, liên kiều 12g, bạc hà 8g, lô căn 16g, hoàng cầm 12g. Nếu thấp ôn nặng: rêu lưỡi dày trắng, buồn nôn có thể thêm: hoắc hương 12g, bội lan 8g, hậu phác 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể doanh huyết: (Giai đoạn toàn phát có biến chứng mất nước điện giải, nhiễm độc thần kinh, rối loạn thành mạch).

Triệu chứng: sốt cao, nhức đầu, cổ gáy cứng, miệng khát, co giật, hôn mê, chất lưỡi đỏ, nhịp thở thất thường, mạch sác đại.

Bài 1: thạch cao 40g, cam thảo đất 16g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, kim ngân 16g, hoàng đằng 12g.

- Nếu táo bón thêm chút chít 20g.

Bài 2: thạch cao 40g, kim ngân 16g, tri mẫu 16g, hoàng liên 12g, cam thảo 4g, sinh địa 16g, liên kiều 12g, huyền sâm 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu co giật nhiều thêm: thạch quyết minh 40g, địa long 16g, câu đằng 20g.

- Nếu hôn mê, đờm nhiều thêm trúc lịch 30g.

Giai đoạn phục hồi và di chứng

Một số bệnh nhân sau khi sốt lui, hồi phục dần dần; một số bệnh nhân do hiện tượng sốt kéo dài lâu ngày gây tân dịch mất (âm hư); một số bệnh nhân có di chứng thần kinh, tinh thần.

 Cây và quả dành dành cho vị thuốc chi tử.

Thể âm hư do sốt kéo dài gây tổn thương tân dịch:

Triệu chứng: sáng nhiệt độ bình thường, chiều hơi sốt, miệng khô, chất lưỡi đỏ, phiền táo, mạch tế sác.

Bài thuốc: sinh địa 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, a giao 10g, sa sâm 12g, kỷ tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu phiền táo nhiều, thêm trúc lịch 30g.

- Nếu âm hư nhiều, tay chân co giật, run, chất lưỡi đỏ khô thêm: quy bản 12g, miết giáp 12g, mẫu lệ 12g.

Thể di chứng: Do bệnh tà làm tổn thương đến tạng phủ, khí huyết, kinh mạch phải sử dụng kết hợp các phương pháp xoa bóp, châm cứu và thuốc để chữa.

Di chứng thần kinh ngoại biên: chân tay co quắp, run tay chân... do ứ trở ở kinh lạc, cân mạch không được nuôi dưỡng, dùng các vị thuốc sau: mộc qua 8g, bạch thược 12g, đan sâm 8g, địa long 6g, tần giao 8g, sinh địa 12g, đương quy 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Di chứng tinh thần: tinh thần đần độn, không nói, triều nhiệt, lưỡi đỏ không có rêu, mạch tế sác: quy bản 12g, sa sâm 8g, sinh địa 12g, thạch quyết minh 12g, mẫu lệ 16g, thạch xương bồ 6g, mạch môn 12g, địa long 8g.

Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 1 giờ.

Lương y Vũ Quốc Trung


Ý kiến của bạn