Đông y hỗ trợ phòng, trị loãng xương

SKĐS - Loãng xương là tình trạng giảm mật độ chất khoáng của xương, chủ yếu là canxi. Loãng xương có thể gây biến chứng nặng nề như gãy xương...

1. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến loãng xương

- Loãng xương liên quan đến sự tăng trưởng của tuổi tác, lão hóa. Nữ giới nhiều gấp 2 lần nam giới.

- Yếu tố di truyền, tiền sử gia đình, thể trạng (thấp bé nhẹ cân, khung xương nhỏ).

- Lối sống tĩnh tại ít vận động; thói quen xấu hút thuốc, uống rượu.

- Chế độ dinh dưỡng không đủ thiếu canxi, vitamin D...

- Yếu tố bệnh lý: Giảm nội tiết sinh dục (cắt buồng trứng ở nữ, tinh hoàn ở nam); cường cận giáp, cường tuyến giáp, cường vỏ thượng thận, tiểu đường; suy thận mạn, chạy thận nhân tạo kéo dài;

Mắc các bệnh xương khớp mạn tính như: Viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp; bệnh đường tiêu hóa kém hấp thu; bất động lâu ngày do liệt...

photo-1634909472445

Mất chất xương dẫn đến loãng xương.

2. Phòng ngừa loãng xương như thế nào?

Độ chắc của xương phụ thuộc vào mật độ các chất khoáng có trong xương. Từ tuổi 40 trở đi, mật độ xương sẽ giảm dần do sự mất chất xương. Tốc độ mất chất xương tăng nhanh dẫn đến loãng xương.

Phòng ngừa loãng xương phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tập luyện, dinh dưỡng... Trong đó yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất. Các thành phần dinh dưỡng cho xương là: Protein, canxi, phospho, vitamin D, vitamin C, vitamin K và các khoáng chất mangan, thiếc, kẽm.

Để đảm bảo nhu cầu canxi cho cơ thể cần 1.200mg/ngày, chúng ta nên sử dụng nguồn canxi từ thức ăn hoặc bổ sung dưới dạng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Tập thể dục đều đặn và phù hợp...

3. Đông y hỗ trợ điều trị loãng xương

Y học cổ truyền không có bệnh danh loãng xương, nhưng đối chiếu với các chứng trạng lâm sàng thì tình trạng bệnh lý này thuộc phạm vi chứng "cốt nuy" có liên quan tới ba tạng phủ là thận, tỳ và can. 

Trong đó tạng thận có vai trò đặc biệt quan trọng chia thành 3 thể: Thận âm hư, tỳ thận dương hư và can thận âm hư. Tùy từng thể bệnh mà dùng 1 trong số bài thuốc sau.

- Loãng xương với thể bệnh thận âm hư

Chứng trạng: Lưng đau gối mỏi, hay buồn nhức các đầu ngón tay và chân, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực chộn rộn không yên, môi khô miệng khát, thích ăn đồ mát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ...

Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị:

Bài 1: Đậu đen 500g, sơn thù 10g, bạch linh 10g, đương quy 10g, tang thầm 10g, thục địa 10g, bổ cốt chỉ 10g, thỏ ty tử 10g, hạn liên thảo 10g, ngũ vị tử 10g, kỷ tử 10g, địa cốt bì 10g, vừng đen 10g, muối ăn 100g.

Cách dùng: Đậu đen rửa sạch ngâm nước ấm trong 30 phút; các vị thuốc khác đem sắc kỹ 4 lần, mỗi lần chừng 30 phút, rồi hợp 4 nước lại với nhau; tiếp đó bỏ đậu đen và muối vào sắc kỹ cùng dịch thuốc bằng lửa nhỏ cho đến khi cạn kiệt rồi lấy đậu đen ra phơi hoặc sấy thật khô, đựng vào lọ kín dùng dần; mỗi ngày ăn với lượng tùy thích, chừng 30g là được.

Công dụng: Bổ thận dưỡng can, cường gân tráng cốt.

+ Bài 2: Tang thầm tươi (quả dâu chín) 2.500g, thục địa 50g, hoài sơn 50g, hoàng tinh 50g, thiên hoa phấn 100g.

Cách dùng: Tang thầm rửa sạch, ép lấy nước cốt; các vị thuốc khác đem sắc kỹ lấy 500ml dịch chiết rồi hòa với nước dâu, tiếp tục cô nhỏ lửa cho đến khi thành cao đặc là được, đựng trong bình thủy tinh kín miệng để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh.

Công dụng: Bổ can thận, dưỡng khí huyết, làm mạnh gân cốt.

photo-1634909476138

Đậu đen sắc kỹ với nước thuốc bổ thận dưỡng can phòng chống loãng xương.

- Loãng xương với thể bệnh can thận âm hư

Chứng trạng: Thể trạng gầy yếu, hay hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm sút, tai ù tai điếc, lưng đau gối mỏi, móng tay và móng chân khô giòn, dễ bị chuột rút, tâm trạng phiền muộn, trong lòng hay bức bối không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, có thể có gãy xương, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện sen đỏ...

Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị:

+ Bài 1: Tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 80g.

Cách dùng: Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, thêm một chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Tư âm, bổ can thận.

+ Bài 2: Bột bạch linh, bột mỳ, bột xương dê, bột mẫu lệ và đường trắng, lượng bằng nhau.

Cách dùng: Trộn đều các loại bột với nhau, cho lượng nước vừa đủ, nhào thật kỹ, chế thêm mỡ và muối rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, dùng làm đồ ăn điểm tâm hàng ngày.

Công dụng: Bổ tỳ thận, làm mạnh gân cốt.

+ Bài 3: Quy bản 100g, vỏ trứng gà 100g, đường trắng 50g.

Cách dùng: quy bản và vỏ trứng rửa sạch, để ráo nước rồi sao giòn và nghiền thành bột, cho thêm đường trắng trộn đều, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5g.

Công dụng: Bố thận, kiện tỳ, làm mạnh gân xương.

- Loãng xương với thể tỳ thận dương hư

Chứng trạng: Toàn trạng mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau gối mỏi, ăn kém, chậm tiêu bụng chướng, đại tiện lỏng hoặc nát, có thể có phù nhẹ hai chân, nam giới liệt dương, di tinh, nữ giới kinh nguyệt không đều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt.

Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị:

+ Bài 1: Chim sẻ 5 con, kỷ tử 20g, đại táo 15g, gạo tẻ 60g.

Cách dùng: Chim sẻ làm thịt, bỏ lông, chân và phủ tạng rồi đem hầm với kỷ tử và gạo tẻ thành cháo, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: Bổ thận, ôn dương, ích tinh, làm mạnh gân xương

+ Bài 2: Cá ngựa (hải mã) 50g, tinh hoàn và dương vật bò 500g, đan sâm 500g. hoàng kỳ 250g, a giao 250g, hạch đào nhân 250g, đường phèn 250g.

Cách dùng: Tinh hoàn và dương vật bò rửa sạch, thái miếng; cá ngựa sao khô tán thành bột mịn; a giao tẩm rượu sao phồng; hoàng kỳ và đan sâm sắc kỹ lấy nước cốt rồi cho bột cá ngựa, hạch đào nhân, a giao, đường phèn, tinh hoàn và dương vật bò vào cô nhỏ lửa thành cao đặc. Đựng vào lọ thủy tinh kín miệng để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh.

Công dụng: Bổ thận, tráng dương, ích tinh, cường gân, tráng cốt.

+ Bài 3: Xương sống chó 200g, đẳng sâm 10g, thỏ ty tử 10g, thục địa 10g, gia vị vừa đủ.

Cách dùng: Xương chó rửa sạch, chặt nhỏ ; các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng; Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.

Công dụng: Bổ thận ôn dương, ích khí dưỡng huyết, cường gân tráng cốt.

+ Bài 4: Tôm nõn 50g, trứng gà 1 quả, rau hẹ 200g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ.

Cách dùng: Tôm rửa sạch, rau hẹ cắt đoạn, phi thơm hành mỡ rồi cho rau hẹ và tôm vào xào to lửa, khi gần chín đập trứng vào đảo đều một lát là được, dùng làm thức ăn hàng ngày.

Công dụng: Bổ thận, ôn dương và làm mạnh gân cốt.

Mời bạn xem thêm video:

Xe khách có người mắc COVID-19 chạy chui 1.600km từ Bình Dương ra Hà Nội.

ThS. Hoàng Khánh Toàn
Nguyên Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện TW QĐ 108
Ý kiến của bạn