Đông y điều trị sỏi tiết niệu

SKĐS - Sỏi đường tiết niệu là một bệnh phổ biến ở nước ta, gặp nhiều ở nam và lứa tuổi thường mắc phải là từ 35 – 55 tuổi.

Sỏi đường tiết niệu là một bệnh phổ biến ở nước ta, gặp nhiều ở nam và lứa tuổi thường mắc phải là từ 35 – 55 tuổi. Các điều kiện thuận lợi cho việc hình thành sỏi tiết niệu là uống ít nước, ứ trệ nước tiểu, nhiễm khuẩn tiết niệu, thay đổi độ pH nước tiểu.

Tùy vào vị trí người ta chia ra: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.

Các triệu chứng nhận biết

Đau: Đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu, cũng có khi đau xuyên cả ra hông, lưng.

Đái buốt, đái rắt, đái máu.

Sốt: Khi có nhiễm trùng.

Theo Đông y, bệnh sỏi tiết niệu được xếp vào phạm vi lâm chứng. Nguyên nhân gây bệnh thường do ăn nhiều thức ăn cay nóng, uống nhiều rượu, sinh thấp nhiệt dồn xuống bàng quang làm cho khí hóa trở trệ, không thông. Bệnh lâu ngày làm hao tổn chính khí, tổn thương tỳ thận, ảnh hưởng tới tác dụng khí hóa của bàng quang làm cho tạp chất của nước tiểu kết lại mà thành sỏi. Đông y có nhiều bài thuốc có tác dụng điều trị sỏi đường tiết niệu tùy vào từng thể bệnh. Tuy nhiên khi điều trị cần chú ý kích thước viên sỏi, nếu sỏi nhỏ dưới 10mm còn có thể uống thuốc cho tống ra, nếu sỏi quá lớn phải phối hợp phương pháp khác để lấy sỏi ra.

Thể nhiệt lâm

Triệu chứng: Đái nhiều lần, cảm giác đái nóng, đau buốt, nhỏ giọt, nước tiểu vàng, đỏ, đục, bụng dưới đau cứng hoặc đau chướng, hoặc sốt miệng đắng, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ rêu vàng nhớt, mạch sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, bài thạch thông lâm.

Bài 1: Bát chính tán gia giảm.

Mộc thông 12g, biển súc 12g, cù mạch 12g, hoạt thạch 16g, chi tử 12g, kim tiền thảo 30g, kê nội kim 10g, tiên hạc thảo 15g, xa tiền tử 15g, đại hoàng 6g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Đông y điều trị sỏi tiết niệuKim tiền thảo.

Bài 2: Giáng Thạch Thang.

Cam thảo tiêu 3g, đông quỳ tử 10g, giáng hương 3g, hải kim sa 10g, hoạt thạch 10g, kê nội kim 10g, kim tiền thảo 30g, thạch vi 10g, xuyên ngưu đằng 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Tam kim thang.

Hải kim sa 30g, kê nội kim 10g, kim tiền thảo 30g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Kim tiền thảo 30g, tỳ giải 16g, xa tiền tử 16g, uất kim 12g, trạch tả 12g, ngưu tất 12g, kê nội kim 12g. Sắc uống ngày một thang.

Thể thạch lâm

Triệu chứng: Đái khó đau như bị tắc, nước tiểu vàng, đỏ, đục, có cặn sỏi hoặc đang đái bị tắc lại, ống đái đau buốt như bị đâm không chịu nổi, hoặc đau quặn lưng bụng dưới, nước tiểu có máu, mạch huyền hoặc sác.

Đông y điều trị sỏi tiết niệuBông mã đề.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, bài sỏi, thông lâm.

Bài 1: Thạch vĩ tán gia giảm.

Thạch vĩ, đông quỳ tử, phục linh, xa tiền tử, cù mạch, kim tiền thảo đều 12g; hoạt thạch 16g; cam thảo. Sắc uống trong ngày.

Bài 2: Trục Thạch Thang.

Bạch thược 12g, cam thảo 4g, hải kim sa đằng 18g, kê nội kim 10g, kim tiền thảo 30g, Mộc hương 6g, Sinh địa 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Quỷ tử tán.

Đông quỳ tử 300g, bạch linh 100g, hoạt thạch 100g, mang tiêu 50g, sinh cam thảo 25g, nhục quế 25g, hải kim sa 75g, kim tiền thảo 300g, kê nội kim 100g. Tán mịn mỗi lần dùng 8g, ngày 2 lần.

Ngoài ra trong dân gian có nhiều bài thuốc nam để điều trị sỏi thận:
Kim tiền thảo dùng cả dây lá tươi, hoặc giã nhỏ hòa với nước lọc lấy nước uống trong ngày, hoặc dùng 100 dây tươi sắc với 2 lít nước còn 1 lít chia làm 3 lần uống trong ngày, uống cho đến khi khỏi.

Đông y điều trị sỏi tiết niệuKê nội kim

Râu ngô, bông mã đề, cỏ nhọ nồi, rễ cỏ tranh đều 40g sắc uống.
Quế chi 6g, vỏ núc nác 16g, bông mã đề 20g, xương bồ 8g, trạch tả 12g, tỳ giải 30g, cam thảo đất 16g, quả dành dành 20g, Sắc uống.


TS.BSCKII.Dương Trọng Nghĩa
Ý kiến của bạn