Bệnh thu táo là bệnh cảm phải khí táo của mùa thu. Táo khí có 2 tính chất: một là thiên về nhiệt, hai là thiên về hàn. Thiên về hàn là lương táo, còn thiên về nhiệt là ôn táo. Bệnh này thuộc tân cảm ôn bệnh; mới đầu bệnh ở phổi, thuộc vệ phận. Nếu không chữa khỏi thì truyền vào khí phận, rồi vào dinh phận, huyết phận.
Cát cánh.
Chứng lương táo mới đầu thì đau đầu, nóng lạnh, không mồ hôi, ngạt mũi tương tự như cảm phong hàn, chỉ khác là môi khô, họng ráo, đau ngực, khí nghịch đau nhói 2 bên sườn, da dẻ khô đau, rêu lưỡi mỏng trắng khô, tân khí khô ráo. Khí lương táo hóa nhiệt thì xu hướng phát triển của nó giống như ôn táo.
Chứng ôn táo ban đầu thấy đau mình, đau đầu, nóng, ho khan, không có đờm hoặc đờm lỏng mà dính, khí nghịch sinh suyễn, cổ khô, họng đau, mũi khô môi ráo, ngực đầy, sườn đau, tâm phiền, miệng khát, rêu lưỡi mỏng trắng mà ráo, rìa lưỡi và chót lưỡi đỏ. Đó là hỏa nhiệt đốt hại phế kim.
Bệnh thu táo hay làm khô khan tân dịch, khi nó truyền tới dương minh thì khô ruột, táo bón; truyền tới hạ tiêu làm hại phần âm của thận. Chữa táo phải dùng thuốc nhu nhuận.
Chứng trạng và cách chữa bệnh ở vệ phận
Nếu mới đầu, nhức đầu, sợ lạnh không mồ hôi, ngạt mũi, khô cổ, ho có đờm loãng, tân khí khô ráo do táo khí gây bệnh. Dùng bài Hạnh tô tán: hạnh nhân 12g, tía tô 10g, bán hạ 10g, trần bì 8g, tiền hồ 8g, cam thảo 4g, cát cánh 8g, chỉ xác 6g, phục linh 10g, gừng sống 3 lát, táo tàu 3 quả. Sắc uống ấm ngày một thang.
Trong phương dùng lá tía tô, tiền hồ để tán phong đạt biểu; cam thảo, cát cánh, chỉ xác, hạnh nhân trừ đàm, chỉ khái; trần bì, bán hạ, phục linh hóa đờm, trục ẩm; gừng, táo điều hòa dinh vệ.
Nếu cảm phải táo khí, đau đầu, phát sốt, ho, ít đờm, miệng mũi khô, khát, rêu trắng, chất lưỡi đỏ. Đây là biểu hiện các chứng của ôn táo. Mạch bên phải sác, đại, là phế kinh táo nhiệt nhiều lắm. Dùng bài Tang hạnh thang: tang diệp (lá dâu) 4g, hạnh nhân 6g, sa sâm 8g, bối mẫu 4g, đậu xị 4g, chi bì 4g, lê bì 4g. Phương này có tính tân lương thanh nhuận. Dùng tang diệp, bối mẫu, đậu xị để tuyên phế thấu tà; sa sâm, chi bì, lê bì để dưỡng tân thanh nhiệt, đề phòng trường hợp hóa hỏa quấy bên trong mà sinh biến chứng khác.
Chứng trạng và cách chữa bệnh ở khí phận
Nếu táo khí hóa hỏa, thanh khiếu không lợi, tai lùng bùng, mắt đỏ, chân răng sưng, họng đau, phép trị thanh tiết hỏa nhiệt. Dùng bài Kiều hà thang: bạc hà 6g, liên kiều 6g, sinh cam thảo 4g, hắc chi tử 6g, cát cánh 8g, vỏ đậu xanh 8g, nước 2 bát sắc còn 1 bát, uống hết 1 lần. Ngày uống 2 thang. Trong bài có bạc hà cay, mát, thanh đầu mắt. Liên kiều, hắc chi, vỏ đậu xanh để thanh táo hỏa. Cam thảo, cát cánh lợi hầu họng.
Nếu táo làm tổn thương âm phận của phế và vị, sinh ho khan không dứt, miệng lưỡi khô, nên dùng Sa sâm mạch đông thang hợp với Ngũ trấp ẩm để tu dưỡng âm dịch, thanh tiết táo nhiệt.
Bài thuốc: Sa sâm 12g, ngọc trúc 8g, sinh cam thảo 4g, tang diệp 6g, mạch môn đông 12g, sinh biển đậu 6g, hoa phấn 6g. Sắc uống ngày hai lần. Ngũ trấp ẩm: nước cốt quả lê, nước cốt củ năn, nước cốt rễ lau tươi, nước cốt mạch môn, nước mía ép. 5 vị nước cốt này vị ngọt tính mát có thể nhuận táo sinh tân, hợp với Sa sâm mạch đông thang rất thích hợp đối với bệnh táo.
Nếu táo nhiệt kết tụ tại dương minh, bón uất, trướng bụng, mê mẩn nói xàm, rêu lưỡi đen khô dùng bài Điều trị thừa khí thang gia vị: Đại hoàng (tẩm rượu) 12g, mang tiêu 8g, chích thảo 4g. Gia: hà thủ ô 10g, trạch hộc 8g, sinh địa 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Điều vị thừa khí thang có tác dụng công hạ táo nhiệt, 3 vị gia thêm để cứu âm dịch.
Chứng trạng, cách chữa bệnh ở dinh phận, huyết phận
- Táo chứng đốt cháy hao khô khí huyết, dùng bài Ngọc nữ tiễn gia giảm: Sinh thạch cao 120g, tri mẫu 16g, huyền sâm 16g, sinh địa 24g, mạch môn 24g. Nước 8 bát sắc còn 3 bát chia uống 2 lần trong ngày. Lại sắc nước thứ 2 cho uống như lần trước.
Thạch cao, tri mẫu thanh nhiệt khí phận; huyền sâm, sinh địa lương huyết thanh nhiệt; mạch môn sinh tân chỉ khát, cùng đạt hiệu quả thanh cả khí, huyết.
Nếu bệnh mới đầu họng ngứa, ho khan, sau ho nhiều mà đờm có lẫn máu, ngực sườn đau nhói, đại tiện phân lỏng, bụng nóng dữ dùng A giao hoàng cầm thang: A giao 12g, hoàng cầm 12g, tang bì tươi 8g, hạnh nhân ngọt 8g, sinh bạch thược 4g, sinh cam thảo 3g, mã đề tươi 20g, ngọn mía 20g. Dùng 40g gạo nếp, nước 4 bát, đun sôi một lúc, lọc lấy nước để sắc thuốc. Sắc còn 1 bát rưỡi chia 2 lần uống nguội trong ngày.
Bệnh này phổi khô, ruột héo cho nên dùng hạnh nhân ngọt, tang bì mía ngọt, để nhuận phế sinh tân; hoàng cầm thanh nhiệt ở phế và đại tràng, a giao dưỡng huyết và chỉ huyết; bạch thược, cam thảo chua ngọt hóa âm; mã đề dẫn nhiệt đi xuống.
Nếu táo bệnh dây dưa lâu ngày làm tổn hại can âm, thận âm, ho khan hoặc không ho, nặng thì co cứng, giá lạnh dùng Nhị giáp phục mạch thang gia quy bản: Chích cam thảo 24g, can địa hoàng 24g, sinh bạch thược 24g, mạch môn (bỏ lõi) 20g, a giao 12g, ma nhân 12g, sinh mẫu lệ 20g, sinh miết giáp 32g, quy bản sống 40g. Nước 8 bát sắc còn 3 bát chia 2 lần uống trong ngày. Bệnh nặng thì cam thảo gia lên 40g, địa hoàng, bạch thược lên 32g, mạch môn lên 28g. Ngày uống 3 lần, tối 1 lần.
Trong phương có địa hoàng, a giao, mạch môn, bạch thược là vị thuốc sinh tân dưỡng huyết; chích cam thảo, ma nhân phù chính, nhuận táo để khôi phục âm dịch.
Tóm lại, mùa thu bị cảm ôn bệnh gọi là thu táo, có 2 tính chất ôn và lương khác nhau. Lương táo thì gần giống như phong hàn. Ôn táo thì gần giống như phong ôn, nhưng chỗ khác nhau của bệnh này có đặc điểm tân khí can táo. Chứng lương táo mới đầu nên tân khai khổ nhuận; chứng ôn táo mới đầu phải tân lương cam nhuận. Nhưng lương táo đã hóa nhiệt rồi thì xu hướng phát triển bệnh như ôn táo. Táo nhiệt làm hại âm, đại tiện thường táo bón; cần phân biệt nặng nhẹ mà chữa.
Lương y Minh Chánh