Hà Nội

Đông y điều trị bệnh rối loạn tiền đình

SKĐS - Rối loạn tiền đình là bệnh thường gặp ở tuổi trung niên. Hiện y học hiện đại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu , còn phương pháp y học cổ truyền cho thấy kết quả khả quan.

Luận về chứng rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình, còn gọi là bệnh Ménière’s hay hội chứng Ménière, là một bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi trung niên, bệnh khởi phát sau khi lao động mệt, bực bội lo nghĩ nhiều hoặc ăn nhiều chất béo mỡ.

Trước khi lên cơn thường có các triệu chứng như ve kêu trong tai, đau âm ỉ sau tai, quanh tai nóng bừng. Lúc lên cơn, đau đầu, sợ ánh sáng, choáng váng như say sóng, ù tai, nặng tai, giảm thính lực, buồn nôn, nôn, sắc mặt tái nhợt, chảy nhiều mồ hôi, chức năng tiền đình suy giảm...

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của rối loạn tiền đình cho đến nay vẫn chưa rõ. Nhiều tác giả cho rằng một phản ứng dị ứng do sự rối loạn chuyển hóa nước và muối hoặc do sự co thắt mạch máu tai trong dẫn đến hệ dịch lâm ba tai trong tăng tiết quá nhiều hoặc trở ngại hấp thu gây nên mê đạo màng tích thủy, cơ quan tai trong thiếu oxy gây nên bệnh. Hiện nay YHHĐ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy điều trị bằng phương pháp YHCT đã thu được kết quả tương đối tốt.

RLTĐ

Theo YHCT, bệnh rối loạn tiền đình thuộc phạm vi chứng huyễn vựng. Huyễn vựng là chứng bệnh làm cho đầu váng, mắt hoa, trời đất quay cuồng như ngồi trên chiếc xuồng, đứng dậy thì muốn té (huyễn là hoa mắt, vựng là có cảm giác chòng chành như ngồi thuyền, quay chuyển không yên, gọi chung là chóng mặt).

Các y gia xưa nay đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về nguyên nhân gây bệnh. Có người cho là do can phong nội động, tức “Các chứng Phong làm cho quay cuồng, choáng váng đều thuộc vào Can”. Có người cho là do đàm ẩm, tức là “Không có đàm thì không có choáng váng (huyễn)”. Có người cho là do khí hư, tức là “Trung khí hãm xuống dưới, thanh dương không thăng”. Có người cho là do huyết hư, tức là “Tâm và Tỳ đều bị thương”, huyết không nuôi dưỡng được não. Có người cho là “không có hư thì không có huyễn” nên lấy phép chữa hư làm chủ. Có người cho là do “Thận thủy bất túc, mệnh môn hỏa suy”.

Đó là những luận thuật của tiền nhân, nhưng đối với kinh nghiệm lâm sàng ngày nay, thường thấy do “hư” là chiếm đa số. Có khi do Thận thủy bất túc, thủy không hàm dưỡng được mộc. Can dương thiên về kháng, lên trên làm nhiễu loạn thanh khí mà sinh ra bệnh. Hoặc do Tâm và Tỳ bị hư tổn, khí huyết bất túc mà phát bệnh. Có khi do Tỳ vị hư nhược, không còn vận hóa được tinh vi, tích ẩm thành đàm, đàm trọc trở trệ, hoặc đàm hỏa thăng lên trên làm che mờ khí thanh dương ở thượng khiếu mà thành bệnh. Nói tóm lại chứng này do hư là nhiều, do thực thì ít gặp hơn.

Điều trị theo y học cổ truyền

Sau đây là một số bài thuốc điều trị bằng y học cổ truyền tùy theo từng thể bệnh:

Huyễn vựng do hư chứng

- Chứng trạng: đầu và mắt choáng váng, bệnh xảy ra chậm nhưng kéo dài liên miên, tâm hồi hộp, tinh thần mệt mỏi, tứ chi lạnh, mất ngủ, trí nhớ kém, mắt không nhìn rõ rệt, buồn nôn, mạch thường tế nhược, vô lực, rêu lưỡi trắng.

- Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí, bổ thận dưỡng tâm.

- Phương huyệt: châm các huyệt Bách hội, Phong trì, Quan nguyên, Tỳ du, Túc tam lý, Tam âm giao, Nội quan kết hợp cứu. Nếu đàm nhiều, châm thêm Phong long, nếu thận dương hư châm thêm Khí hải, Thận du, Thái khê.

- Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị

Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Đan bì 12g, Bạch linh 12g, Trạch tả 12g, Kỷ tử 10g, Cúc hoa 10g, Bạch thược 12g, Hà thủ ô 10g, Thạch quyết minh 10g, Mẫu lệ 12g.

kỷ tử

Vị thuốc kỷ tử trong bài thuốc Kỷ cúc địa hoàng thang

Huyễn vựng do thực chứng

- Chứng trạng: chứng huyễn vựng đến khá nhanh và nặng, có khi xảy ra từng cơn, ngực bụng bị đầy và bứt rứt, buồn nôn, đầu mắt choáng váng đến nỗi không ngồi lên được. Tâm phiền, miệng đắng, mất ngủ nhiều mộng mị, đau buốt thắt lưng, mặt đỏ, mạch huyền hoạt hoặc huyền sác, lưỡi đỏ, rêu vàng.

- Pháp điều trị: bình can tức phong, tiềm dương, điều đàm, giáng hỏa.

- Phương huyệt : châm các huyệt Bách hội, Phong trì, Nội quan, Can du, Thái xung, Túc tam lý, Tam âm giao, Phong long.

- Bài thuốc:

Nếu là do can nhiệt thịnh thì dùng bài Thiên ma Câu đằng ẩm gia giảm:

Thiên ma 8g, Câu đằng 12g, Thạch quyết minh 12g, Ngưu tất 12g, Đỗ trọng 12g, Tang ký sinh 12g, Hoàng cầm 12g, Chi tử 10g, Đan bì 12g, Long đởm thảo 10g, Long cốt 08g, Mẫu lệ 10g.

Nếu là do đàm trọc ứ trệ thì dùng bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang:

Bán hạ 10g, trần bì 10g, Bạch linh 12g, Cam thảo 6g, Bạch truật 12g, Trạch tả 12g, Thiên ma 10g, Chỉ thực 10g, Sinh khương 3 lát.

cu-cay-ban-ha

Vị thuốc bán hạ trong bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang

Chế độ sinh hoạt ăn uống:

Chú ý giữ tinh thần thanh thản, không lo nghĩ, không buồn phiền, không tức giận, không sợ hãi.

Chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi điều độ, không lao động và học tập quá sức.

Chế độ ăn thanh đạm, ăn nhiều chất rau xanh, trái cây, các loại đậu, không ăn nhiều các chất béo, cay nóng (ớt tiêu, mỡ động vật, thức ăn xào rán...), các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá) vì các loại này dễ sinh đàm nhiệt.

Một số bài thuốc thức ăn dùng có lợi trong điều trị bệnh:

- Trà Trần bì: Trần bì 10g, trà 5g hãm uống thay nước hàng ngày.

- Nước sắc râu ngô: Râu ngô 30g, cho nước 300ml sắc còn 150ml, uống lúc đói (trị đàm ẩm)

- Nấm mộc nhĩ trắng 15g (mộc nhĩ ngâm nước một đêm cho nở), thịt lợn nạc 50g, Táo đỏ 10 quả gia nước hầm chín, ăn hàng ngày (trị chứng hư huyễn).


TS. BS. Trần Thái Hà
Ý kiến của bạn