Đông y chữa và phòng thoái hóa đốt sống cổ

06-02-2015 09:55 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Y học cổ truyền quan niệm rằng, bệnh thoái hóa đốt sống cổ do tình trạng phong hàn thấp bên ngoài xâm nhập vào làm cho khí huyết trong kinh lạc cơ thể bị bế tắc gây nên.

Y học cổ truyền quan niệm rằng, bệnh thoái hóa đốt sống cổ do tình trạng phong hàn thấp bên ngoài xâm nhập vào làm cho khí huyết trong kinh lạc cơ thể bị bế tắc gây nên. Y học cổ truyền chia ra nhiều thể bệnh và cũng có cách chữa khác nhau, sau đây là một số phương pháp chữa bệnh:

Một số bài thuốc

Bài 1: Cát căn 15g, quế chi, bạch thược, đương quy, xuyên khung, thương truật, mộc qua (mỗi vị 9g), 6g cam thảo, 3g tam thất, 3 lát gừng tươi, và 3 quả đại táo. Sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần, uống trong ngày, mỗi liệu trình uống 10 ngày. Bài thuốc này hợp với thể bệnh phong hàn có các triệu chứng gồm: đầu, gáy, vai và phần lưng bên trên đau, gáy cứng, có nhiều điểm đau ở cổ, có cảm giác như nhịp đập ở cổ, cử động khó khăn, tay chân tê, đau, mỏi, chi trên có cảm giác nặng, không có sức, thích ấm, sợ lạnh, lưỡi trắng nhạt...

Cát căn.

Bài 2: Ngưu tất, thục địa, đan sâm mỗi vị 12g, đương quy, bạch thược, tỏa dương, tri mẫu, hoàng bá, quy bản, thố ty tử, kê huyết đằng mỗi vị 9g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trong ngày. 10 ngày 1 liệu trình. Bài thuốc này hợp với thể can thận âm hư có những triệu chứng: gáy, vai, vai - lưng đau, có khi đau lan lên đầu, tay chân tê, mất cảm giác, thắt lưng đau, đầu gối mỏi, chóng mặt,

Bài 3: Quế chi, cát căn (mỗi vị 9g), xích thược, bạch thược (mỗi vị 12g), hoàng kỳ 18g, kê huyết đằng 15g, sinh khương 6g, và 4 trái đại táo. Sắc uống ngày một thang chia làm 3 lần, uống trong ngày. Dùng 10 ngày 1 liệu trình. Bài thuốc này hợp với thể khí huyết đều hư, huyết ứ  có các biểu hiện: đầu, gáy, vai, vai-lưng bị đau, tê, đau ê ẩm, đau vùng nhất định, ban ngày đau ít, ban đêm đau nhiều hơn, ấn vào thấy đau, chân tay tê mỏi, co rút (ban đêm bị nhiều hơn ban ngày), miệng khô,...

Bạch thược

Phương pháp bấm huyệt

Các huyệt được chọn gồm:

Huyệt á thị (thống điểm):  Huyệt này có thể trùng với một số huyệt khác. Khi tìm huyệt cần dùng đầu ngón tay day hoặc bấm nhẹ nhàng để phát hiện điểm đau cho chính xác. Vị trí đau chính là vị trí của huyệt á thị. Khi đã phát hiện được điểm đau thì bấm mỗi điểm 1 - 2 phút.

Huyệt phong trì: Đặt 2 ngón tay vào 2 huyệt (ở chỗ lõm hai bên từ chỗ lõm giữa cơ ức - đòn - chũm và phần trên cơ thang) 4 ngón kia ôm lấy đầu, dùng lực bấm vào huyệt từ 1 - 2 phút sao cho có cảm giác tức nóng là được.

Huyệt kiên tỉnh: Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa bấm huyệt bên đối diện từ 1 - 2 phút (huyệt ở chỗ lõm đỉnh vai, khi giơ ngang tay).

Huyệt hậu khê: Dùng ngón tay cái bấm huyệt bên đối diện và ngược lại từ 1 - 2 phút (huyệt ở đầu nếp ngang thứ 2 (phía sau) của khớp xương bàn tay - ngón tay út khi bàn tay hơi nắm lại).

Lưu ý: Khi bấm huyệt cần thực hiện tốt thao tác bấm, dùng đầu ngón tay cái hoặc ngón tay cái, ngón tay trỏ để bấm huyệt, cần bấm vuông góc với huyệt để tạo được lực bấm mạnh.

Bác sĩ Trần Thị Hải

 

 


Ý kiến của bạn