Đông y chữa suy giãn tĩnh mạch chân

SKĐS - Suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân

, xuất hiện các biểu hiện như cảm giác nhức mỏi, nặng chân, phù, tê bì, hay bị chuột rút về ban đêm…

Theo thống kê có tới 35% người trưởng thành, 50% người nghỉ hưu mắc phải bệnh này. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch thường do rất nhiều nguyên nhân như: đặc thù công việc phải đứng lâu hay ngồi nhiều, dư thừa cân nặng, ít vận động và hoạt động thể chất, thường xuyên đi giày cao gót, cũng có thể do tiền sử gia đình...

Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch chân.

Hình ảnh suy giãn tĩnh mạch chân.

Đông y gọi là chứng thanh xà độc, bởi nhìn bên ngoài khối tĩnh mạch ở bắp chân ngoằn nghèo giống như con rắn xanh. Nguyên nhân do huyết ứ, khí trệ. Mạch máu lưu thông phụ thuộc vào nhiều yếu tố (tư thế, tính chất công việc , môi trường độ ẩm cao, béo phì, rối loạn hormon, thoái hóa van do tuổi tác...).

Bài thuốc điều trị: đương quy 20g, xích thược 20g, hồng hoa 15g, đào nhân 16g, xuyên khung 15g, sinh địa 15g, hoàng kỳ 12g, thục địa 10g, hòe hoa 20g, đan sâm 20g. Bài thuốc có tác dụng hoạt huyết, trục huyết ứ, chống viêm, thông kinh, lợi thấp, giảm đau, thanh nhiệt lương huyết, bổ âm, dưỡng huyết, làm chắc thành mạch, hành khí, lưu thông khí huyết đưu máu về tim.

Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền 20-30 ngày là 1 liệu trình. Uống khi thuốc còn ấm, sau bữa ăn 30 phút. Ngoài ra trong thời gian uống thuốc, không ăn thức ăn cay nóng, khó tiêu, ngủ đủ nhu cầu, ăn nhiều rau củ quả. Công việc phải đứng lâu, ngồi lâu nên có thời gian giải lao để máu bớt ứ đọng, duy trì cân nặng, tập thể dục đều đặn và phù hợp.

Một trong những biện pháp thể dục tốt nhất cho người suy giãn tĩnh mạch chính là đi bộ. Thể tích và áp lực trong tĩnh mạch sẽ thay đổi khi đi bộ. Ở tư thế đứng yên, bàn chân tiếp xúc với mặt đất sẽ không có dòng chảy tĩnh mạch. Khi gót chân được nhấc lên cao, máu từ đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và lòng bàn chân sẽ được đẩy lên các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Sau đó, động tác co cơ cẳng chân sẽ đẩy dòng máu về tĩnh mạch của vùng đùi. Cứ như thế, dòng máu sẽ chảy về tĩnh mạch cao hơn, rồi về tim.

Sự co cơ khi đi bộ sẽ giúp bơm tĩnh mạch hoạt động hiệu quả. Lực ép của cơ vào hệ tĩnh mạch sâu đo được khi đang vận động tích cực cao hơn rất nhiều so với lúc đứng yên. Từ đó giúp máu được đẩy mạnh về tim, làm giảm tình trạng ứ đọng cũng như áp lực trong hệ tĩnh mạch nông. Việc đi bộ cũng giúp đẩy máu từ hệ tĩnh mạch sâu về tim tốt hơn, làm giảm áp lực của hệ tĩnh mạch nông. Nhờ đó giảm các triệu chứng và biểu hiện của bệnh suy tĩnh mạch. Tốt nhất, mỗi ngày, mọi người nên đi bộ ít nhất 10 -30 phút.


ThS. Phạm Minh Dương
Ý kiến của bạn