Chứng chuột rút (vọp bẻ), ai cũng mắc phải. Lúc thường hoặc khi ngủ bỗng thức giấc vì cảm thấy đau buốt ở bắp chân, bệnh nhân không di chuyển được; khi sờ bắp chân thấy căng và cứng. Chứng này thường xảy ra ở phụ nữ, ở người cao tuổi cơ thể suy yếu, các chức năng sinh lý suy giảm, sự tuần hoàn bị rối loạn, bị nhiễm lạnh.
Nguyên nhân thường là do các mạch máu bị viêm, sưng, động mạch xơ cứng, tĩnh mạch giãn nở và do chi dưới vận động quá mức, bị chấn thương, thiếu kali. Các vận động viên bơi lội, chạy bộ, đua xe đạp hay bị chuột rút.
Theo Đông y, chữa chuột rút thường dùng thuốc và xoa bấm huyệt đạt hiệu quả tốt.
Bài thuốc: "Thược dược cam thảo thang". Chỉ 2 vị: thược dược 12g, cam thảo 8g. Đổ nước vừa đủ sắc còn 1/3, uống ấm, trước khi ăn 1 giờ, ngày 2 lần sáng và tối. Tác dụng: tư âm hòa dương, hoãn cấp, chỉ thống. Trị chuột rút co thắt bắp chân, đau thần kinh tọa, đau tức ngực, co giật dạ dày, đau các khớp vai, tay chân, viêm gan, đau sỏi mật, sỏi thận, đi tiểu đau buốt, đau bàng quang, đau trĩ, hen phế quản, trẻ con khóc đêm.
Bài này dùng thược dược, tính hàn để dưỡng huyết, liễm âm, nhu can, chỉ thống. Cam thảo vị ngọt, tính ôn để kiện tỳ ích khí, hoãn cấp, chỉ thống, hai vị phối hợp lấy vị chua ngọt để hóa âm, điều hòa can tỳ, nhu can, chỉ thống.
Tác động vào các huyệt: huyết hải, dương lăng tuyền, ủy trung, thừa sơn.
Thao tác do thủ thuật viên hoặc người nhà trợ giúp:
Vị trí huyệt: - Huyết hải: Bờ trong đầu xương bánh chè đo thẳng lên 2 tấc. - Dương lăng tuyền: Dưới đầu gối 1 tấc, huyệt ở chỗ lõm phía ngoài cẳng chân. - Ủy trung: Giữa nếp lằn ngang giữa khoeo chân.- Thừa sơn: Ở điểm giữa đường nối huyệt ủy trung và gót chân, nằm trên rãnh dưới huyệt ủy trung 8 tấc. |
- Điểm huyệt thừa sơn trong 1 - 2 phút cho đến khi có cảm giác căng và tê tại chỗ, lan xuống đến bàn chân. Công năng: Thư cân lạc, lương huyết, điều khí, trị bắp chân co rút.
- Điểm huyệt ủy trung, mỗi huyệt được tác động trong 1 - 2 phút cho đến khi có cảm giác căng và tê tại chỗ, lan xuống đến bàn chân. Công năng: Thư cân, phong lạc, đuổi phong thấp, trị bắp chân co rút.
- Điểm và nhào huyệt huyết hải, tác động khoảng 1 phút. Công năng: điều huyết, thanh huyết, hoà vinh, thanh nhiệt.
- Điểm và nhào huyệt dương lăng tuyền, tác động khoảng 1 phút. Công năng: thư gân, mạnh gân cốt, đuổi phong tà ở chân.
- Đẩy và nhào cẳng chân: Làm mặt sau cẳng chân bị bệnh từ trên xuống dưới trong 5 phút.
Bệnh nhân tự làm:
- Duỗi chân và ngón chân: Nằm ngửa, giơ chân bị bệnh lên để ở tư thế duỗi thẳng, đồng thời co vào phía trong lưng bàn chân.
- Vỗ cơ bắp chân: Ngồi xếp bằng, tiếp sau co chân đau với góc 100 độ, ấn mạnh gót chân, co nhẹ hai bàn tay, dùng mô gốc của 2 bàn tay vỗ mạnh bắp chân bị co rút từ trên xuống trong khoảng 1 - 2 phút.
- Vặn bắp chân: ngồi gác chân bên bị bệnh lên đùi bên lành, dùng hai bàn tay vặn, bóp và nhào các cơ phía sau cẳng chân 5 phút.
Mỗi ngày làm các thủ thuật trên từ 1 - 2 lần. Nếu chứng chuột rút cứ tái phát vào ban đêm, khi đi ngủ nên nằm nghiêng và giữ đừng để bị nhiễm lạnh. Với người cao tuổi, nên đặt 1 túi nước nóng ở cẳng chân khi đi ngủ tối.
Giải thích thủ thuật:
- Nhào cơ là một trong những động tác chính trong các loại hình xoa bóp. Nhào cơ làm tăng dinh dưỡng cục bộ, hồi phục mệt mỏi, thả lỏng cơ và điều chỉnh hưng phấn thần kinh.
Kỹ thuật nhào cơ: Bàn tay mở rộng, dạng ngón cái còn 4 ngón kia khép vào với nhau đặt tay lên bộ phận được xoa bóp, dùng 5 ngón tay véo thịt lên, khi véo các ngón tay không được co lại, xong đẩy nhóm cơ véo lên sang bên trái hoặc sang phải, xong đè cơ xuống, 5 ngón tay từ từ duỗi ra như ở tư thế ban đầu xong lại miết tay xuống cơ của bộ phần xoa bóp tiến hành véo cái thứ 2, cứ như vậy tiến hành. Khi véo các ngón tay phải duỗi thẳng và không được rời khỏi da, xoay theo chiều kim đồng hồ (nếu là tay phải); nếu nhào cơ bằng hai tay thì theo hai đường vòng ngược nhau. Động tác nhào cơ thực hiện chậm rãi, uyển chuyển, nhịp nhàng liên tục không có sự nghỉ giữa các động tác, không được vặn và xoay cơ, không tạo cảm giác đau cho người được xoa bóp. Khi nhào cơ không được làm đau xương.
- Bấm (điểm): Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay khác bấm lên huyệt vị trên kinh lạc.
- Đẩy: Dùng bàn tay hoặc cả bàn tay, ngón tay di động đi lại trên phần cơ thể bị bệnh.
Lương y Minh Chánh