Đông y chữa bệnh nám da

SKĐS - Theo y học cổ truyền, những người có da mặt sạm, nám đen thường mệt mỏi, uể oải, đầu nặng, buồn ngủ, lưng đau.

Theo y học cổ truyền, những người có da mặt sạm, nám đen thường mệt mỏi, uể oải, đầu nặng, buồn ngủ, lưng đau. Mạch trầm, sác. Nguyên nhân do thận âm hư rồi dẫn đến thận dương cũng hư. Thận thủy bị tướng hỏa phản khắc, ức chế, dần dần gây nám da. Dưới đây là một số bài thuốc uống có thể giúp cải thiện, ngăn ngừa nám và sạm da.

Bài 1: Hà thủ ô (đỏ) 16g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, đậu ván 10g, cúc tần 10g, nhân trần 10g, lạc tiên 12g, cỏ mần trầu 8g, mã đề 8g, bạc hà 8g, cam thảo nam 6g, gừng (nướng) 4g. Tất cả nấu với một lít nước sắc còn 200ml, chia hai lần uống trước bữa ăn. 10 ngày là một liệu trình. Dùng trị chứng nám da do can khí uất, tinh thần không thư thái, thường hay tức ngực, đau tức vùng hông sườn, vú và vùng bụng dưới đau, kinh nguyệt không đều.

Ngải cứu.

Bài 2: Đinh lăng 16g (hoặc đảng sâm 16g), đậu ván 12g, lạc tiên 10g, nhân trần 10g, hương phụ 10g, ngải cứu 10g, trần bì 6g, rễ tranh 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên. Dùng chữa chứng nám da do khí hư: Người mệt mỏi, không có sức, kinh nguyệt không đều, tinh thần không thư thái, sợ lạnh, nước tiểu trong, phân thường mềm nhão, lưỡi có sắc nhạt, rêu lưỡi trắng.

Bài 3: Hà thủ ô 16g (hoặc đương quy 12g), hương phụ 10g, ngải cứu 10g, đậu đen 10g, rau má 12g, nhân trần 10g, lá dâu 8g, lạc tiên 12g, mã đề 8g, cam thảo nam 8g. Sắc uống như trên. Dùng trị chứng nám da do huyết hư: Người gầy yếu, da khô, sắc mặt vàng, hoa mắt, chóng mặt, đi cầu táo, tiểu vàng, nóng, người bứt rứt, mất ngủ, ra mồ hôi trộm, lưỡi nhạt, rêu vàng.

Bài 4: Thục địa (chưng rượu) 20g, hoài sơn (sao vàng) 16g, táo nhục (bỏ hạt) 12g, bạch phục linh 8g, mẫu đơn bì (sao thơm) 12g, trạch tả (ngâm nước muối 2 giờ, sao khô) 8g, thiên hoa phấn 12g, hạ khô thảo 8g, gừng tươi 8g, câu kỷ tử 12g, cúc hoa 8g. Cho các vị thuốc vào nồi, đổ 600ml nước sắc còn 150ml. Sắc 2 lần, hòa chung 2 nước, uống 2 lần trong ngày sau bữa ăn 2 giờ. Uống 10 - 15 thang, nghỉ 7 ngày lại uống tiếp đợt 2. Phụ nữ đang có kinh nguyệt và thai nghén không được uống. Sau khi sinh 2 tháng mới uống.

Bài 5: A giao 12g, xuyên khung (sao rượu) 8g, bạch thược (sao rượu) 12g, bạch phục linh 12g, đương quy 12g, quảng bì (sao thơm) 8g, sinh địa 12g, huỳnh kỳ 8g, thăng ma 8g, chích thảo 6g, bắc sài hồ (tẩm rượu sao thơm) 8g, gừng sống 8g. Sắc uống như bài trên. Bài này chỉ dùng cho phụ nữ đã có con mà da mặt đen sạm.

Bài 6: Ích mẫu thảo 30g, tang ký sinh 30g, trứng gà 4 quả, đường phèn vừa đủ. Trứng luộc, bóc vỏ cho vào nồi nấu với ích mẫu, tang ký sinh. Đổ nước vừa đủ, đun nhỏ lửa trong 30 phút rồi cho đường phèn vào quấy tan; vớt bỏ ích mẫu, tang ký sinh. Ăn trứng uống nước ngày 1 thang. Liên tục trong 10 ngày.  Công dụng: Bổ gan, dưỡng huyết, hoạt huyết, trị mặt sạm đen, trứng cá.

Bài 7: Rau má 40g, câu kỷ tử 40g, quế tâm 4g. Tất cả phơi khô, tán bột uống liên tục trong 1 - 2 tháng. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh.


Bác sĩ Hoài Hương
Ý kiến của bạn
Tags: