Hà Nội

Đông y chữa bệnh đau bụng

Từ trẻ đến già, ai cũng có lần bị đau bụng nhiều hoặc ít. Nếu đau ở dạ dày là thuộc kinh túc thái âm tỳ, đau ở rốn là thuộc kinh túc thiếu âm thận; đau ở bụng dưới thuộc kinh túc quyết âm can.

Huyệt trung quản.

Từ trẻ đến già, ai cũng có lần bị đau bụng nhiều hoặc ít. Nếu đau ở dạ dày là thuộc kinh túc thái âm tỳ, đau ở rốn là thuộc kinh túc thiếu âm thận; đau ở bụng dưới thuộc kinh túc quyết âm can. Nguyên nhân gây đau bụng rất nhiều như đau dạ dày do viêm niêm mạc, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, tắc ruột, đau gan, đau túi mật, đau tụỵ, đau thận, đau bàng quang, đau bụng do giun sán, giun chui ống mật...

Do nguyên nhân nhiều và phức tạp như vậy nên khi đau bụng cần được thăm khám để loại trừ đau bụng ngoại khoa cần phẫu thuật như thủng dạ dày, viêm ruột thừa... thì phải đi bệnh viện kịp thời mổ cấp cứu mới tránh khỏi tử vong. Trường hợp đau bụng mạn tính có thể kết hợp điều trị bằng Đông y.

Trong y học cổ truyền, đau bụng chia theo chứng hư hay thực, hàn hay nhiệt.

- Đau mà có hình, khối, cục thường thuộc loại thực tích, trùng tích, ứ huyết. Loại này thường đau liên miên và đau một chỗ.

- Đau mà không có hình, cục, khối, thường thuộc loại khí tụ hàn ngưng.

- Đau không có chỗ nhất định, khi đau, khi không, thuộc loại khí hư, huyết hư.

- Đau mà thích xoa bóp, trước khi ăn đau rất dữ, phần nhiều thuộc loại hư chứng.

- Đau mà không cho xoa bóp, sau khi ăn lại đau dữ hơn, phần nhiều thuộc loại thực chứng.

- Mạch sáp, miệng khát, rêu lưỡi vàng, nước tiểu đỏ là chứng nhiệt.

- Mạch trì, không trầm, rêu lưỡi vàng, tiểu tiện trong và dài, hơ nóng thì đỡ đau là thuộc về hư hàn.

Những điều cần chú ý khi chữa đau bụng theo Đông y

1- Nếu vì can mộc khắc tỳ thổ thì thường đau trên rốn, nặng thì đau ran hai bên sườn, khi đau thì co rút, bụng sôi, đi đại tiện xong vẫn cứ đau, miệng đắng, nôn chua. Mạch huyền.

Phép chữa: ức can phù tỳ. Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Thược dược cam thảo thang: thược dược, cam thảo đều 24g. Sắc uống. Tác dụng tư âm, hoà dương, hoãn cấp chỉ thống dứt đau bụng.

Bài 2: Tiểu kiến trung thang:  thược dược 12g, quế chi 6g, sinh khương 4g, đại táo 4 quả, cam thảo 4g, mạch nha 20g. Cho thuốc vào sắc với nước vừa đủ, sắc còn một nửa, bỏ bã rồi cho mạch nha vào sắc tiếp 5 phút nữa là  được. Uống ấm trong ngày. Tác dụng ôn trung, bổ hư. chỉ thống, giáng nghịch, trị đau bụng.

Bài 3: Tiêu dao tán:  sài hồ, đương quy, bạch thược (sao rượu) đều 8g, bạch truật 8g, phục linh 8g, chích thảo 4g, bạc hà 4g, gừng lùi 4g. Sắc uống. Tác dụng trị can, tỳ huyết hư, sốt, nóng, ho, đau bụng..

Huyệt thiên khu.

2- Vì hư ở trong mà bụng đau: có 2 loại:

- Khí hư mà đau: thích xoa bóp, thở ngắn hơi, chân tay bủn rủn, lao động thì đau nhiều. Phép chữa: phải bổ khí. Dùng bài Tứ quân tử thang: nhân sâm, bạch truật, phục linh đều 4g, cam thảo, đại táo đều 2g. Sắc uống. Tác dụng bổ khí, kiện tỳ, trị đau bụng nôn mửa, ỉa chảy.

- Huyết hư thì bụng đau lâm râm sắc mặt vàng sẫm, đánh trống ngực, ít ngủ. Phép chữa: phải bổ huyết. Dùng bài Tứ vật: thục địa, bạch thược, xuyên khung, đương quy đều 12g. Tán bột ngày uống 3 lần mỗi lần 2g. Hoặc sắc uống. Tác dụng bổ huyết điều can, trị các bệnh về huyết, huyết kém da nhăn, da khô, bị lạnh đau bụng.

3- Vì hàn ở trong mà bụng đau: đau liên miên không dứt, thích uống nóng, gặp nóng thì  đỡ đau, tiểu tiên trong, dài, chân tay quyết lạnh. Mạch trầm trì vô lực. Phép chữa: ôn trung lý khí. Dùng bài Hương sa lý trung thang: nhân sâm 8g, bạch truật 8g, can khương 4g, cam thảo 4g, mộc hương 4g, sa nhân 4g. Sắc uống. Tác dụng trị tỳ hàn đau bụng.

4- Vì huyết ứ mà bụng đau: bụng không no, không  đầy, về đêm đau nặng hơn, đau một chỗ nhất định, chườm nóng thì đỡ. Phép chữa: phải hoạt huyết hành khí. Dùng bài Thử niêm tán: huyền hồ sách (sao giấm), ngũ linh chi (sao giấm), thảo quả, một dược, các vị lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 12g với rượu ấm .Tác dụng trị huyết trệ, bụng đau.

5- Vì khí trệ mà bụng đau: lồng ngực đầy trướng, khi đau khi không, sau khi trung tiện thì đỡ đau khi đau thì đau khắp người. Nếu tình chí không điều hoà thì đau nặng thêm. Phép chữa hành khí tán kết. Dùng bài Mộc hương thuận khí ẩm: mộc hương 10g, sa nhân mễ 10g, thương truật 10g, hương phụ 10g, binh lang 8g, trần bì 6g, chỉ xác 6g, hậu phác 10g, cam thảo 4g, sinh khương 3 lát. Sắc uống. Tác dụng trị bụng đau do hàn thấp, nê trệ.

6- Vì thực tích mà bụng đau: ngực sườn đầy tức, nuốt chua, ợ hăng, miệng hôi không muốn ăn uống, đau ê ẩm không cho đè vào, rêu lưỡi nhờn. Mạch hoạt. Phép chữa: tiêu hoá thực tích. Dùng bài Bảo hoà hoàn:  phục linh 12g, bán hạ 10g. trần bì 6g, liên kiều 6g,  thần khúc 8g, sơn tra 8g, la bặc tử (sao) 6g, hoàng liên (gừng sao) 8g. Sắc uống. Tác dụng trị thực nhiệt ăn vào ói ra, bụng  đau.

Huyệt túc tam lý.

Kết hợp day bấm huyệt để tăng hiệu quả điều trị

- Đau bụng trên: Day bấm các huyệt trung quản, thượng quản lương môn (phải), hạ cự hư (phải).

- Đau bụng, rốn: Day bấm các huyệt thiên khu, hoang du, tỳ du, túc tam lý, thượng cư hư.

- Bụng dưới đau: Day bấm các huyệt quan nguyên, khí hải, tam âm giao.

- Bụng đau bất kỳ ở đâu: ấn mạnh âm lăng tuyền và dọc túc tam lý (cả 2 bên) trong 10 phút thì đỡ ngay.

Vị trí huyệt:

- Trung quản: Trên rốn 4 tấc, ở đường giữa bụng.
-  Thượng quản: Trên rốn 5 tấc, ở đường giữa bụng.
- Lương môn: trên rốn 4 tấc, cách huyệt trung quản 2 tấc về phía ngoài.
- Thượng cự hư: dưới huyệt độc tỵ 3 tấc, cách mào chày 3 tấc về phía ngoài.
- Thiên khu: cách rốn 2 tấc về phía ngoài
- Hoang du: Cách rốn 0,5 tấc về phía ngoài.
- Tỳ du: Cách bờ dưới mỏm gai đốt sống lưng 11 1,5 tấc về phía ngoài.
- Túc tam lý: dưới huyệt độc tỵ 6 tấc, cách mào chày 3 thốn.
- Hạ cự hư: Từ huyệt thượng cự hư đo thẳng xuống 3 tấc.
- Quan nguyên: Dưới rốn 3 tấc, trên đường giữa bụng.
- Khí hải: Dưới rốn 1,5 tấc, trên đường giữa bụng.
- Tam âm giao: Trên mỏm mắt cá trong 3 tấc, sát phía sau bờ xương chày.
- Âm lăng tuyền: Nằm ở chỗ lõm trên cẳng chân trong, bên dưới đầu xương cẳng chân sát dưới đầu gối.

Lương y Minh Chánh


Ý kiến của bạn