SKĐS – Có đến 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Trường hợp tiêu biểu là đại dịch SARS năm 2003 được xác định có nguồn gốc từ loài dơi móng ngựa và lây truyền sang các loài động vật hoang dã khác, và trở thành nỗi kinh hoàng đối với loài người.
Ngày 20/5, Cục quản lý Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế đã phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo “Y Dược học cổ truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm” vì mục đích bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đa dạng tại Việt Nam.
Hội thảo "Y học cổ truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm".
Hội thảo tập trung bàn về vấn đề hạn chế tiêu thụ động vật hoang dã quý hiếm trong y dược học cổ truyền và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Văn bản của Bộ Y tế nhằm bảo tồn các loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng trên cơ sở Luật pháp và Công ước Quốc tế.
Tại cuộc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã đưa ra những tư liệu và thống kê cho thấy việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã tăng nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật sang con người. Theo đó, 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Trường hợp tiêu biểu là đại dịch SARS năm 2003 được xác định có nguồn gốc từ loài dơi móng ngựa và lây truyền sang các loài động vật hoang dã khác, và trở thành nỗi kinh hoàng đối với loài người. Tương tự như thế, virus đậu mùa được các nhà khoa học khám phá có nguồn gốc từ một loài khỉ ở châu Phi, phát tán do sự săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Bệnh dại từ dơi, xuất hiện ở vùng Amazon khi nạn phá rừng, mở đường, săn bắt động vật diễn ra tại nơi đây. Virus Marburg ở châu Âu bắt đầu lan truyền từ các nhân viên bị nhiễm bệnh phòng thí nghiệm Polio khi họ tiến hành thí nghiệm khoa học trên loài khỉ xanh châu Phi,v.v..
Nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép góp phần lây lan các dịch bệnh nguy hiểm từ động vật sang con người một cách nhanh chóng. Hình ảnh: WCS cung cấp.
Các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ động vật hoang dã không chỉ lây truyền trong quá trình tiếp xúc trực tiếp khi săn bắt, vận chuyển và buôn bán, mà còn gây bệnh với những người tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh. Nghiên cứu thống kê cho thấy, loài dúi được săn bắt và bán vào các nhà hàng thịt rừng làm nguyên liệu thực phẩm có thể gây bệnh cho thực khách. Những bệnh tiêu biểu có thể mắc sau khi ăn phải thịt dúi bị bệnh như xoắn khuẩn: gây tổn thương não, viêm và xuất huyết khu trú tại tim và phổi, tổn thương mô và gan, hoại tử ống thận, dẫn tới suy thận cấp; bệnh Hantavirus: gây sốt cao, đau đầu, đau cơ, hại phổi và thận; bệnh Sodoku: có thể gây viêm màng não, viêm tim nội mạc, viêm gan, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu, thậm chí gây tử vong; bệnh dịch hạch; bệnh Rickettsia;…
Bên cạnh đó, việc sử dụng tùy tiện, không theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ đối với mật gấu, sừng tê giác, cao hổ,… đều có thể gây bệnh, tác hại khôn lường. Đã có trường hợp bệnh nhân bị liệt dương sau khi sử dụng bừa bãi sừng tê giác vì niềm tin có thể tăng cường sinh lực phái mạnh. Nhiều trường hợp tử vong vì suy gan, suy thận do uống quá nhiều rượu pha mật gấu.
Do đó, tại cuộc hội thảo, đại diện Bộ Y tế, Tổng cục Môi trường cùng các chuyên gia y dược đầu ngành cùng đi đến thống nhất trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng động vật hoang dã trong y học, đẩy mạnh nghiên cứu, điều chế các nguồn dược liệu thay thế, nâng cao trách nhiệm bảo tồn động vật, thực vật quý hiếm, giữ gìn sự đa dạng sinh học.
Cục Quản lý Dược và Viện Dược liệu sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Y tế nhằm quản lý tốt hơn nữa các nguồn dược liệu có nguồn gốc tự nhiên, đưa ra các chiến lược quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam và đề xuất những dược liệu có thể bào chế, sản xuất thay thế các dược liệu nguồn gốc từ động vật, thực vật quý hiếm, cần được bảo tồn theo Luật pháp Quốc tế.
Thúy Nga