Động vật biển Kho thuốc quý chữa bệnh

SKĐS - Động vật chính là nguồn gốc của nhiều căn bệnh lây lan cho con người như: dịch Ebola, sốt xuất huyết...

đồng thời cùng nguồn tài nguyên vô cùng phong phú để phục vụ cho việc điều trị các căn bệnh ở người. Nói chính xác hơn, động vật chính là “ân nhân” của loài người. Trong một số trường hợp, động vật chính là loài có thể giúp con người “mở khóa” kho tàng tri thức trong điều trị bệnh.

Tôm càng

Dạng dùng phổ biến là món ăn bài thuốc. Dược liệu có vị ngọt, tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích khí, lợi tinh, lợi sữa, giải độc, chống nôn, chữa liệt dương, mộng tinh, xuất tinh sớm... Dùng 1 trong số món ăn bài thuốc sau:

Bài 1: Tôm 20g, ngài tằm đực 7 con (vặt cánh chân). Hai thứ sao giòn, tán nhỏ, trộn với 2 quả trứng gà. Đem rán hoặc hấp chín, ăn trong ngày.

Bài 2: Tôm 50g, lá hẹ 20g hoặc quả ớt ngọt 30g. Tất cả thái nhỏ xào chín, thêm ít rượu 40o và gia vị, ăn hết trong một ngày.

Bài 3: Tôm 50g, hạt hẹ 15g, gạo 200g. Vo gạo sạch, đổ nước nấu thành cháo. Cho thịt tôm và hạt hẹ đã giã nhỏ, tiếp tục nấu cho chín. Thêm gia vị cho đủ đậm. Ăn nóng.

Bài 4: Tôm 50g, cá chạch 50g. Dùng nước ấm rửa sạch cá cho hết nhớt, đánh vảy, mổ bỏ ruột. Hai thứ thái nhỏ, nấu chín cùng với ít gừng sống. Thêm gia vị. Ăn nóng.

Bài 5: Trứng tôm 20g, trứng chim sẻ hoặc trứng cút 2 quả. Đem trứng tôm nấu với nước khoảng 10 phút, rồi cho trứng chim vào. Nấu tiếp đến chín trứng là được. Thêm gia vị. Ăn nóng.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta cũng dùng tôm để tăng cường khí huyết, bổ thận, chữa yếu sinh lý như sau: Tôm 20g, cá diếc 1 con khoảng 200g, măng 10g, nấm hương 10g, đậu Hà Lan 15g. Cá đánh vẩy, mổ bỏ ruột, rửa sạch, chỉ lấy 2 miếng thịt mình cá, khía làm nhiều mảnh, phết rượu vang và muối lên thịt cá, rồi cho vào chảo, rán kỹ, cho ra đĩa. Tôm cắt nhỏ, xào chín, cho hành, tỏi, măng, nấm hương, đậu Hà Lan vào, đảo đều, rồi đổ lên đĩa cá. Ăn làm 1 lần trong ngày.

Mai mực phơi khô chữa viêm dạ dày

Mai mực phơi khô chữa viêm dạ dày

Mai mực

Mực bắt về, đem mổ lấy thịt, giữ lại mai, rửa sạch muối bám ở ngoài, phơi khô. Trong y học cổ truyền, mai mực có tên thuốc là ô tặc cốt, hay hải phiêu tiêu. Dược liệu có màu trắng như phấn, không gãy vỡ là loại tốt, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài mai, cắt thành miếng nhỏ, tán bột, rây mịn.

Bột mai mực có vị mặn, chát, mùi hơi tanh, tính ấm, không độc, có tác dụng giảm đau, làm se, chống loét, chỉ huyết,  dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác chữa bệnh trong những trường hợp sau:

Bài 1: Mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bối mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn 30 phút. Công dụng: chữa viêm loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo.

Bài 2: Bột mai mực: uống  4-8g/ ngày. Dùng 7-10 ngày, nghỉ một tuần, sau lai dùng tiếp nếu cần thiết. Công dụng chữa ho ra máu, phụ nữ băng huyết, trẻ em chậm lớn.

Bài 3 : Mai mực nướng vàng, tán bột mỗi lần uống 4-8g với nước sắc cây mộc tặc. Công dụng chữa đại tiện ra máu.

Bài 4: Mai mực 12g, hoàng liên 12g, thanh đại 12g, hồng đơn 12g, tế tân 12g, ngũ bội tử 12, nhân trung bạch 12g, phèn phi 8g, mai hoa 4g. Từng thứ sao riêng, trừ hồng đơn, mai hoa, thanh đại, rồi tán bột mịn, trộn đều. Khi dùng rắc bột vào vết thương, vết loét. Công dụng chữa cam tẩu mã, loét mũi, viêm tai chảy nước.

Bài 5: Lấy mai mực đốt thành than, rây bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa thành một hỗn hợp sền sệt, bôi ngày 2 lần. khoảng 1 tuần chữa vết thương phần mềm, bỏng  nhẹ sẽ se lại và lành.

Sứa

Sứa có nhiều loại. Loại sứa dùng làm thực phẩm chỉ gây ngứa nhẹ khi ta đụng phải nó. Đó là sứa sen (giống cây sen), tên khoa học là Aurelia aurita. Ngoài ra còn có loài sứa chỉ, sứa hồng, có thể gây ngứa nhiều hơn. Khi tắm biển, nếu chạm phải sứa biển bị nổi mẩn đỏ, ngứa thì lấy thịt sứa tươi xoa lên chỗ ngứa. Dùng rau muống biển (mọc sẵn trên bãi biển) rửa sạch, nhai nuốt nước, bã đắp vào chỗ bị ngứa.

Theo Đông y, con sứa vị mặn, tính hàn, có công dụng tiêu đờm, trừ ho, bình suyễn, thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu mỡ, hạ áp, nhuận tràng tiêu tích. Tuy nhiên, nên sử dụng sứa biển đã qua chế biến đúng cách. Quá trình chế biến sứa tươi phải dùng nước muối và phèn ngâm 2-3 lần, khi nào thịt sứa chuyển sang màu hồng nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem sử dụng để chế biến làm thức ăn. Bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng một trong số những món ăn bài thuốc sau để hỗ trợ điều trị các bệnh viêm khí phế quản, đau họng, thở khò khè, tăng huyết áp, mỡ trong máu, đại tiện táo kết...

Bài 1: Sứa 200g, mã thầy 300g. Hai thứ nấu chín thành canh ăn trong ngày.

Bài 2: Sứa 100g, củ cải trắng 50g, gia vị vừa đủ, nấu dạng canh súp.

Bài 3: Sứa 100g, mã đề 150g, sắc lấy nước uống

Bài 4: Sứa 200g, tiết lợn 200g.  Hai thứ nấu chín thành canh, chia ăn trong ngày.

Bài 5: Sứa 200g, hồng táo 10g, hầm mềm.

Chú ý: Người tạng hàn, hay bị lạnh bụng, đại tiện lỏng không nên dùng.


DS. Mai Thu Thủy
Ý kiến của bạn