Đông và Tây có thể gặp nhau không?(I)

18-08-2013 04:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đó là vào năm 1890, khi các đế quốc phương Tây ngự trị thế giới với một hệ thống thuộc địa vững như bàn thạch, văn hào Anh Kipling trả lời câu hỏi trên bằng câu nói nổi tiếng: “Ôi! Đông là Đông mà Tây là Tây, hai bên sẽ mãi mãi không bao giờ gặp nhau!”.

Đó là vào năm 1890, khi các đế quốc phương Tây ngự trị thế giới với một hệ thống thuộc địa vững như bàn thạch, văn hào Anh Kipling trả lời câu hỏi trên bằng câu nói nổi tiếng: “Ôi! Đông là Đông mà Tây là Tây, hai bên sẽ mãi mãi không bao giờ gặp nhau!”.  

Những biến diễn vũ bão của thế giới trong thế kỷ qua cho phép chúng ta trả lời câu hỏi đó một cách... nước đôi: “Có và Không!”: “Có” khi xét vấn đề dưới góc độ nhân văn; “Không” khi xét vấn đề từ góc độ nhân học, dân tộc học.

Trước hết, xin bàn về “Có” từ góc độ nhân văn. Các giá trị nhân văn, cái thiện, cái chân... về cơ bản đều chung cho loài người, Đông lẫn Tây, khiến con người khác con vật. Đó là một sức thu hút mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt do những biến thiên của thế giới từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Sự thách thức nguyên tử nhen lên từ Hirôsima, những đảo lộn từ kinh tế, chính trị và xã hội, thảm họa hai cuộc chiến tranh thế giới, sự đảo lộn do cách mạng công nghiệp lần thứ ba gây ra, đặc biệt về thông tin và giao thông. Quá trình phi thực dân hóa, toàn cầu hóa, sau chiến tranh lạnh, phong trào xã hội dân sự, sự đối đầu với những vấn đề sống còn của loài người (môi trường, hòa bình...) đã tăng cường sự giao tiếp giữa các quốc gia. Các dân tộc xích lại gần nhau, làm nảy nở sự tiếp biến văn hóa (acculturation).

Đông và Tây ngày càng gặp gỡ nhau. Bà Indira Gandhi lưu ý đến các nhân vật “hỗn hợp văn hóa Đông Tây”. Trong số này, ta có thể kể Tagore, Gandhi, Romain Rolland, Pearl Buck, Hermann Hess... và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà xã hội học Paul Mus cho là qua Hồ Chí Minh, có thể nắm bắt được tâm linh của Việt Nam và châu Á.

Còn Bộ trưởng Pháp E. Michelet thì cho tính cách Hồ Chí Minh “rất Pháp”. Vậy Hồ Chí Minh đã tiếp biến văn hóa phương Tây như thế nào? Điều kỳ lạ là một người như Hồ Chí Minh, hiện thân cho cuộc đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa thực dân phương Tây, lại rất gần với văn hóa phương Tây. Cùng với một sự thật là Hồ Chí Minh vốn hết sức Việt Nam và rất Á Đông, nhưng lại được dư luận rộng rãi của phương Tây thừa nhận như một nhân vật văn hóa của mình! Theo Lacouture thì Hồ Chí Minh được Paris ưa thích (cả khu thợ thuyền Paris lẫn Paris của giai cấp thống trị). Bên cạnh lối tư duy phương Đông hướng về trực giác và tổng hợp, tiền đề của sự nhạy bén chính trị, chẳng hạn lời dặn dò của Người với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi đi Pháp “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Hồ Chí Minh học được ở phương Tây phương pháp phân tích, lý tính và khoa học. Sainteny nhận xét là Hồ Chí Minh đã bổ sung vào vốn trí thức của mình “những hiểu biết chung tiếp thu được qua những chuyến đi, nhất là ở Paris, đủ để phát triển khả năng phân tích, sự mềm dẻo và đầu óc tò mò tìm hiểu mà cuộc đời ông sẽ sử dụng rất tốt”.Còn với nước Mỹ, nhận xét của Lacouture: “Ông - tức Hồ Chí Minh – có những dấu hiệu rõ ràng về những mối liên hệ tri thức và chính trị với nhân dân Mỹ”. Thượng nghị sĩ Anh Warby nói: “Sự ngưỡng mộ của Hồ Chí Minh đối với những thành tích lịch sử và hoài bão của nhân dân Mỹ bắt nguồn từ những chuyến thăm New York, Boston... Ông đã có cơ hội biết và yêu mến nhân dân Mỹ và ngưỡng mộ Lincoln”.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng trích dẫn những văn bản của hai cuộc cách mạng tư sản Pháp và Mỹ. Ông say sưa đọc những tác phẩm của Victor Hugo, Michelet, A.France, Shakespeare, Dickens, Leon Tolstoi... Có phải vì thế mà Lacouture nhận ra trong thơ Hồ Chí Minh “hội tụ cảm xúc Á Đông và chủ nghĩa lãng mạn Pháp”.

Những câu chuyện về đề tài này chắc nói mãi không cạn... Những câu chuyện xoay quanh một danh nhân lịch sử đáng kính như Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người giản dị, lão thực, thích hài hước, một cách hài hước pha trộn Đông và Tây, vừa có cái hồn nhiên, láu lỉnh của nông dân, vừa có giọng châm biếm của nhà Nho, cộng thêm chất dí dỏm của dân Paris... (Còn nữa)

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn