Đông trùng hạ thảo, vị thuốc bổ dùng sao cho đúng?

09-04-2023 07:00 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bổ và quý trong Đông y, dùng cho nhiều trường hợp cần bổ dưỡng...


1. Đông trùng hạ thảo – một vị thuốc quý

Đông trùng hạ thảo còn có tên gọi là trùng thảo, hạ thảo đông trùng.

Tên khoa học Cordyceps sinensis (Berk) Sacc.

Thuộc họ Nang khuẩn Ascomycetes họ Nhục tòa khuẩn Hypocreaceae.

Tên đông trùng hạ thảo vì vị thuốc này vào mùa đông là con sâu, mùa hạ lại thành cây cỏ. Sách cổ coi đông trùng hạ thảo bổ ngang nhân sâm.

Đông trùng hạ thảo – vị thuốc bổ, quý hiếm - Ảnh 2.

Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý.

Đông trùng hạ thảo của Trung Quốc (Cordyceps) là một giống nấm mọc ký sinh trên sâu non của một loại sâu thuộc họ sâu Cánh bướm. Nấm và sâu hợp sinh với nhau. Vào mùa đông, con sâu non nằm ở dưới đất, nấm phát triển vào toàn thân con sâu để hút chất trong con sâu làm cho con sâu chết. Đến mùa hạ, nấm sinh cơ chất (stroma) mọc chồi khỏi mặt đất, nhưng gốc vẫn dính liền với đầu sâu, đào lấy tất cả xác sâu và nấm để dùng.

Tại Trung Quốc, đông trùng hạ thảo thường gặp ở những rừng ẩm ướt các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Khang, Tây Tạng, nhiều ở Tứ Xuyên và tốt nhất ở Tây Tạng.

Đông trùng hạ thảo – vị thuốc bổ, quý hiếm - Ảnh 3.

Đông trùng hạ thảo tươi.

2. Công dụng và liều dùng

Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc được ghi vào tài liệu thuốc đông y vào giữa thế kỷ 18 trong bộ Bản thảo cương mục thập di (1765). Trong sách cổ ghi chép, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bổ, chữa thần kinh suy nhược, ho, ho lao; bổ tinh khí, chữa đau lưng, bổ thận.

Liều dùng: Ngày uống 1 - 2g dưới dạng rượu thuốc.

Người ta cho rằng đông trùng hạ thảo ngâm rượu uống chữa chứng đau lưng, mỏi gối, tác dụng ngang nhân sâm.

Theo tài liệu cổ, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ôn, vào hai kinh phế và thận; có tác dụng ích phế, thận, bổ tinh tủy, cầm máu, hóa đờm, dùng chữa hư lao sinh ho, ho ra máu, liệt dương, lưng gối mỏi, di tinh.

Đông trùng hạ thảo – vị thuốc bổ, quý hiếm - Ảnh 4.

Đông trùng hạ thảo dạng sợi.

3. Bài thuốc có đông trùng hạ thảo

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh giới thiệu một số món ăn, bài thuốc, trà thuốc... có trùng thảo, bổ dưỡng:

Bài 1: Đông trùng hạ thảo 5g, khoản đông hoa 6g, tang bạch bì 8g, cam thảo 3g, tiểu hồi hương 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.

Tác dụng: Chữa bệnh suy nhược của người già yếu, viêm phế quản mạn tính.

Bài 2: Đông trùng hạ thảo 5g, tục đoạn 10g, đỗ trọng 10g, đương quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, ngưu tất bắc 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Tác dụng: Dùng tốt cho người đau mỏi thắt lưng, kinh nguyệt kéo dài, nhạt màu, ra ít, đầu váng mắt hoa.

Bài 3: Thục địa 10g, liên tu 10g, đông trùng hạ thảo 10g, câu kỷ tử 10g, sơn thù 10g, hoài sơn 12g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.

Tác dụng: Chữa liệt dương, di tinh.

Đông trùng hạ thảo – vị thuốc bổ, quý hiếm - Ảnh 5.

Gà hầm đông trùng hạ thảo.

4. Món ăn, trà thuốc, rượu thuốc có đông trùng hạ thảo

- Thịt gà hầm đông trùng hạ thảo: Đông trùng hạ thảo 10g, thịt gà ác 200g hầm nhừ, thêm gia vị. Chia ăn 1-2 lần trong ngày.

Công dụng: Dùng tốt cho người bị thiếu máu, liệt dương, di tinh.

- Trà đông trùng hạ thảo: Đông trùng hạ thảo 10 cọng cho vào ấm trà, đổ nước sôi trong 10 phút. Uống trà hàng ngày.

Công dụng: Mát phổi, ích khí tráng dương dùng cho người liệt dương, di tinh.

- Rượu đông trùng hạ thảo: Đông trùng 100g, kỷ tử 50g, ngâm với 7 lít rượu 40o sau 10 ngày có thể dùng được. Ngày 1 lần buổi tối 30ml.

Công dụng: Chữa chứng đau lưng, mỏi gối...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu đều tăng đột biến, Hà Nội khuyến cáo gì?


Hải Long
Ý kiến của bạn