Dòng tranh trân quý từ hạt gạo

20-07-2014 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hội họa Việt chỉ có thể cạnh tranh bằng những chất liệu tự “trồng” được và tranh gạo chính là dòng tranh khiến người ta trân quý.

Trước sức ép của giới thưởng ngoạn hội họa và phê bình nghệ thuật, những dòng tranh đỉnh cao như sơn dầu, sơn mài của Việt Nam rất khó tạo dấu ấn và phong cách riêng trên “thị trường” quốc tế. Suy cho cùng, sơn dầu hay sơn mài là chất liệu của hội họa thế giới chứ không thuộc về riêng ai. Hội họa Việt chỉ có thể cạnh tranh bằng những chất liệu tự “trồng” được và tranh gạo chính là dòng tranh khiến người ta trân quý.

Ít ai nghĩ hạt gạo đơn thuần và nhỏ bé lại có thể “làm nên chuyện” trong nghệ thuật.

Sự biến hóa của gạo

Có lẽ ít ai nghĩ hạt gạo đơn thuần và nhỏ bé lại có thể “làm nên chuyện” trong nghệ thuật. Người Việt Nam sinh ra đã gắn với lúa gạo, vì vậy, gạo cũng là nguồn cảm hứng và là nguyên liệu sáng tác của không ít nghệ sĩ trẻ hiện nay. Không rõ ai là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng đưa gạo vào tranh, chỉ biết rằng dòng tranh này đang có một sự tiếp nối mạnh mẽ.

Một bức tranh gạo đẹp đòi hỏi phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về màu sắc, độ khít của gạo, bố cục đẹp, các họa tiết phải được sắp xếp tỉ mỉ, sắc nét... Qua bàn tay của những nghệ nhân, sự phá cách đặc sắc trong sáng tạo nghệ thuật như muốn minh chứng giá trị quý báu và toàn diện của hạt gạo Việt Nam. Nhìn vào bức tranh gạo, “khán giả” quốc tế không khỏi trầm trồ, cảm nhận được sự sống động không thua kém bất cứ một chất liệu tranh nào. Có người phải thốt lên: “Độc đáo và lạ mắt quá! Chúng tôi cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc các bạn trong tác phẩm nghệ thuật thú vị này...”. Các chủ đề tranh gạo phổ biến hiện nay là: tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh thư pháp, tranh về động vật, tôn giáo... Đặc điểm thú vị nhất ở tranh gạo chưa phải là những gì được "bày biện" trước mắt người thưởng ngoạn mà còn lạ ở câu chuyện “hậu trường” của nó...

Để làm ra một bức tranh gạo đẹp có giá trị, có chất lượng tốt, người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ trong quá trình chọn nguyên liệu vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bức tranh. Nguyên liệu làm tranh gạo là những hạt gạo đều và chắc được cấy trồng và thu hoạch trên những cánh đồng của quê hương Việt Nam, hiện có 3 loại gạo được chọn làm chất liệu vẽ tranh, trong đó, gạo tẻ được chọn cho những chi tiết mảnh, gạo nếp chọn cho những chi tiết to, rộng, gạo tấm dùng để tạo những chi tiết nhỏ và làm mịn bức tranh. Hạt gạo sẽ được tạo màu sắc khác nhau từ trắng, vàng, nâu, đen bằng cách sấy, rang mà không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất tạo màu nào khác, màu sắc của gạo sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ và thời gian sấy/rang. Vậy nên tranh gạo chỉ có các màu cơ bản mà không có những màu sắc “bắt mắt” như xanh, đỏ, hồng, tím... Hiện tại, màu sắc của gạo làm tranh trên thị trường chỉ rơi vào khoảng từ 15 - 20 màu.

Nghệ thuật không thể “đong đếm”

Đứng trước một bức tranh đẹp, ý nghĩ đầu tiên của bạn có thể là muốn sở hữu nó bằng một mức giá hợp lý. Nhưng khi đứng trước một tác phẩm tranh gạo, suy nghĩ của bạn sẽ hơi khác biệt, nhất là khi bạn đã biết về quá trình người ta tạo ra nó như thế nào thì quả thật cái sự “trả giá” hay “mặc cả” có phần... khiếm nhã. Đó cũng là tình cảm đặc biệt mà những người thưởng ngoạn hội họa dành cho tranh gạo. Tuy rằng giá thành của loại tranh này không cao so với tranh đá quý, tranh thêu... Một bức tranh gạo có giá phổ biến từ 1 - 3 triệu đồng tùy theo kích cỡ và độ tinh xảo của tranh. Nhưng nếu đem sánh với sự dày công của người tạo ra nó, quan trọng hơn từ chính sự độc đáo của dòng tranh này thì quả thực giá trị nghệ thuật trong mỗi bức tranh không ai có thể đong đếm được.

Tranh gạo không chỉ “ghi điểm” cao trong nghệ thuật mà còn tiềm tàng những giá trị nhân văn sâu sắc. Có thể nói, tranh gạo cũng góp sức đáng kể trong vai trò quảng bá văn hóa Việt, bản sắc Việt, tâm hồn Việt với bạn bè thế giới. Nếu phải kể ra một sự “lo ngại” đối với dòng tranh này thì có lẽ những lời tâm sự dưới đây của một nghệ nhân cũng là nỗi niềm chung của những người làm tranh gạo: “Thời gian đầu đưa tranh ra thị trường, tôi phải kiên nhẫn đến “toát mồ hôi” giải thích cho khách hàng hiểu quá trình tạo nên tranh gạo, giúp họ cảm nhận sâu sắc giá trị cũng như sự kỳ công khi làm ra một tác phẩm nghệ thuật, bởi đa số khách hàng nghĩ tranh gạo chỉ là... rắc gạo lên một tấm ván rồi phun màu. Có người lại e dè khi chọn lựa vì cho rằng tranh gạo sẽ không bền. Tôi cũng phải thuyết phục những khách hàng khó tính bằng cách chứng minh độ bền của sản phẩm trong điều kiện được bảo quản tốt...”.

Thế mới thấy, để nghệ thuật phát triển và ngày một thăng hoa, người trong giới không thể tách rời yếu tố thương mại, đặc biệt là khi “thương trường” văn hóa nghệ thuật hiện nay ngày càng khốc liệt. Người làm ra sản phẩm hiểu được sự trân quý của nó, nhưng làm thế nào để khẳng định sự trân quý ấy với “người ngoài” không phải việc dễ!

Thu Trà

 


Ý kiến của bạn