Hà Nội

Đồng thuận về thỏa thuận RCEP là “thắng lợi to lớn”

06-11-2019 10:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tại Thái Lan, lãnh đạo 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, đã ra tuyên bố chung lùi thời hạn ký kết thỏa thuận tự do thương mại khu vực từ cuối năm 2019 sang năm 2020.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị khu vực tại Thái Lan, lãnh đạo các quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã cam kết sẽ ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới vào năm 2020, qua đó cho thấy các quốc gia sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán. 15 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, không bao gồm Ấn Độ, đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong hiệp định và hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường và hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn một số vấn đề quan tâm chưa được tháo gỡ và quyết định của Ấn Độ phụ thuộc vào biện pháp giải quyết những vấn đề này một cách thỏa đáng.

15 quốc gia tham gia đàm phán RCEP.

15 quốc gia tham gia đàm phán RCEP.

Đánh giá về sự đồng thuận trên, Thủ tướng Australia ông Morrison cho biết RCEP sẽ giúp đem lại sự ổn định đáng kể trong bối cảnh tình hình căng thẳng chiến lược trong khu vực. Đây sẽ là một hiệp định thương mại lớn nhất trên thế giới, chiếm hơn 30% GDP toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới, ngay cả khi không có sự tham gia của Ấn Độ. Ông Morrison khẳng định: “Thỏa thuận này lớn gấp đôi so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ (CPTPP)”.

Như vậy, sau gần 7 năm đàm phán, trong năm 2019, chúng tôi đã chứng kiến sự nỗ lực rất lớn của tất cả các bên, đặc biệt là tại phiên đàm phán lần thứ 28 tại Đà Nẵng vào tháng 9 vừa qua. Và tôi rất vui mừng khi ngày hôm nay các nước đã hoàn tất đàm phán toàn bộ lời văn Hiệp định và kết thúc hầu hết tiến trình đàm phán mở cửa thị trường. Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa giải quyết được nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để có thể đi đến thống nhất trong năm sau. Các nước cũng nhất trí sẽ sớm tiến hành rà soát pháp lý lời văn Hiệp định để triển khai các thủ tục ký kết trong năm 2020.

Khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, việc đàm phán thành công hiệp định sẽ góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu rõ 15 nước thành viên RCEP, không có Ấn Độ, đã hoàn tất toàn bộ tiến trình đàm phán trên văn bản, cũng như về cơ bản hoàn tất toàn bộ các cuộc đàm phán về vấn đề tiếp cận thị trường. Theo ông Lý Khắc Cường, đây là sự đột phá lớn thúc đẩy xây dựng một khu vực thương mại tự do Đông Á - nơi sẽ tự hào là khu vực tập trung đông dân nhất với sự đa dạng các thành viên nhất cũng như tiềm năng phát triển to lớn nhất.

Giới phân tích cho rằng diễn biến mới nhất này chắc chắn sẽ thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực, bảo vệ thương mại tự do và thúc đẩy niềm tin thị trường.

Về việc lùi lại đàm phán, nhiều thông tin cho biết Ấn Độ và 15 quốc gia còn lại chưa thống nhất được về một số vấn đề quan trọng như thuế quan. Đài Truyền hình Prasar Bharati dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết quốc gia này chưa thể hoàn tất đàm phán gia nhập RCEP vì còn nhiều khác biệt trong các vấn đề như thuế quan, thâm hụt thương mại với các quốc gia khác và các rào cản phi thuế quan.

Là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ phải gánh vác một nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy kết thúc đàm phán những nội dung còn lại trong RCEP. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán RCEP và nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý những nội dung đã thống nhất để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định.


N.Minh
Ý kiến của bạn