Theo đó, đối tượng mắc bệnh là heo nhà và cả heo rừng nuôi. Thời gian xảy ra dịch là ngày 22/5. Những địa phương có dịch là TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và các huyện Tân Hồng, Tháp Mười, Lấp Vò và Lai Vung. Vùng bị dịch uy hiếp gồm các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Cao Lãnh, Châu Thành, thị xã Hồng Ngự và TP Cao Lãnh.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, khẩn trương hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Luật Thú y, nhanh chóng dập tắt ổ dịch tả heo châu Phi trên địa bàn theo đúng quy định…
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 10 hộ chăn nuôi, ở 5 xã, của 4 huyện trên địa bàn tỉnh có heo mắc bệnh, với số lượng tổng đàn là 284 con (trong số này có 121 con heo rừng). Toàn bộ số heo trên đã được ngành thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tiêu hủy; đồng thời, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.
Phun thuốc phòng chống dịch bệnh cho đàn heo.
Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra, đôn đốc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Công an tỉnh, chính quyền các địa phương thành lập thêm 5 chốt kiểm dịch tạm thời, đưa tổng số các trạm và chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh lên con số 14.
Ngoài ra, Sở yêu cầu các huyện cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận thông tin dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương; cấp phát 24.000 tờ rơi phòng chống dịch…
Nhưng cái khó hiện nay là không đủ lực lượng và thành phần tham gia tại các chốt chặn tạm thời. Ngoài các tuyến đường chính trên quốc lộ, tỉnh lộ… thì còn rất nhiều các tuyến đường huyện lộ, đường nông thôn, ngõ ngách, bến đò, phà… nên khó có thể kiểm soát hết được việc vận chuyển động vật.
Trước đó, thông tin Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết trên địa bàn xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) vừa xuất hiện một ổ dịch tả heo châu Phi của một hộ chăn nuôi với tổng số là 55 con.
Đàn heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi là của bà Lâm Thị Thu Sang (ấp 3, xã Thạnh Phú). Sau khi có kết quả xét nghiệm đàn heo dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn heo với tổng trọng lượng trên 2.350 kg.
Ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết dịch bệnh xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là do chưa tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, con giống được mua từ nhiều nguồn khác nhau, chủ hộ có sử dụng thức ăn viên và có sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để cho heo ăn; vận chuyển heo từ vùng dịch vào tỉnh để giết mổ nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao.
Cùng ngày, ông Lý Khánh Ly, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau (Cà Mau), cho biết đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã kịp thời phát hiện hơn 120 kg thịt heo không rõ nguồn gốc nhập vào tỉnh.
"Số thịt heo không rõ nguồn gốc được một hộ kinh doanh bánh mì thịt trên địa bàn nhập về. Hiện, số thịt trên đã bị tiêu hủy", ông Ly thông tin.
Theo chủ cơ sở, số thịt trên được mua từ một lò giết mổ của người quen ở Đồng Nai và được gửi về bằng xe khách.
Tính đến thời điểm này, Sóc Trăng là địa phương tiếp theo tại khu vực ĐBSCL xuất hiện dịch tả heo châu Phi sau Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.