Ngày 22/4, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đã kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp. Cùng tham dự có lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Y tế, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, đại diện Viện Pasteur TP.HCM.
“Phát hiện người nhập cảnh trái phép, các anh xử lý như thế nào?”
Đó là câu hỏi mà Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên liên tục lặp đi lặp lại trong quá trình kiểm tra, giám sát đối với các cán bộ bộ đội biên phòng tỉnh Đồng Tháp khi họ đang làm nhiệm vụ tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước - huyện Hồng Ngự, các chốt trạm kiểm dịch y tế, chốt trạm tại các đường mòn lối mở.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cùng đoàn kiểm tra tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước
Ở cửa khẩu quốc tế Thường Phước - huyện Hồng Ngự (khu vực thông thương với cửa khẩu Kaoh Roka, xã Kaoh Roka, huyện Peam Chor tỉnh Prey Veng, Campuchia), các cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch cho biết, từ sau khi tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến phức tạp, tại cửa khẩu đã dừng công tác xuất cảnh cho người dân, trừ các trường hợp xuất cảnh làm nhiệm vụ chống dịch bệnh hoặc chuyên gia xuất cảnh đến Campuchia làm việc.
Hiện nay tại cửa khẩu chỉ tiếp nhận giao thương hàng hoá, công tác xuất - nhập khẩu hàng hoá được kiểm soát nghiêm ngặt. Cụ thể tài xế các phương tiện sẽ được đo thân nhiệt, kiểm tra hàng hoá. Tài xế lên cabin được niêm phong và di chuyển đến bến vận chuyển cách cửa khẩu khoảng 400 mét. Trong vòng khoảng 1 giờ đồng hồ, hàng hoá được vận chuyển xuống bến, tài xế và phương tiện trở lại Campuchia.
Những hàng hoá này sẽ được công dân và phương tiện trong nước vận chuyển vào nội địa. Phương án này nhằm đảm bảo các mối đe doạ của dịch bệnh không thể xâm nhập sâu vào nội địa, đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra sổ quản lý nhập cảnh, xuất - nhập khẩu hàng hoá
Đối với công tác quản lý nhập cảnh, theo chỉ đạo, những trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia trở về cũng được kiểm soát chặt chẽ. Những trường hợp không có giấy tờ tuỳ thân các cán bộ sẽ từ chối làm thủ tục nhập cảnh. Những trường hợp có giấy tờ tuỳ thân sẽ được áp dụng các phương pháp phòng chống dịch bệnh: đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai y tế, đeo khẩu trang… được cách ly đúng quy định sau khi nhập cảnh.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp “lách” quy định, nhập cảnh trái phép vào địa bàn huyện Hồng Ngự. Tại cửa khẩu, bao gồm cả chốt chặn đường sông và chốt chặn đường dân sinh, thời gian qua lực lượng bộ đội biên phòng “cắm chốt” đã phát hiện trên 40 vụ với khoảng 60 người nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép.
Tất cả các trường hợp đều lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn. Để kịp thời chặn nhập cảnh trái phép, lực lượng kiểm soát đường biên đã được tăng cường, hiện nay với 20km đường biên trên địa bàn các lực lượng liên ngành đã triển khai 21 chốt cố định.
Tại một chốt chặn dựng bằng tôn sát với đường dân sinh, cách đất bạn Campuchia không bao xa, 6 cán bộ bộ đội biên phòng được thay ca trực cả ngày lẫn đêm. Quyết tâm không rời chốt trực, các chiến sĩ biên phòng ăn uống, sinh hoạt ngay tại chốt.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên “nhập vai” là một người nhập cảnh trái phép: “Nhân lúc trời tối, tôi vượt qua bờ ruộng để về Việt Nam. Các đồng chí phát hiện được sẽ làm gì?”. Đồng chí Dương Hoàng Anh, người phụ trách chốt cho biết: Lực lượng kiểm soát ngay lập tức giữ người ngập cảnh, kiểm tra thân nhiệt, các giấy tờ cá nhân… trong quá trình đó cán bộ đều mặc trang phục bảo hộ chống dịch. Dù trường hợp có giấy tờ hay không có giấy tờ đều báo cáo đồn trưởng Đồn biên phòng để có biện pháp xử lý.
Tại một chốt chặn dân sinh Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên vào vai một người nhập cảnh trái phép
Ở một chốt chặn khác cách đó khoảng 2km, đồng chí Nguyễn Trần Chí Trung - bộ đội biên phòng huyện Hồng Ngự cho biết, thời gian qua lực lượng đã phát hiện 45 trường hợp nhập cảnh trái phép, xử lý khoảng 25 trường hợp, 1 trường hợp tổ chức môi giới dẫn đường nhập cảnh trái phép bị khởi tố, còn lại là áp dụng biện pháp giữ người giáo dục và trả về nước bạn.
Quyết tâm chống dịch xâm nhập
Tỉnh Đồng Tháp là nơi sông Tiền chảy vào địa phận Việt Nam, có đường biên giới giáp với Campuchia có chiều dài hơn 50 km với 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà. Địa giới tỉnh Đồng Tháp có phía đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh An Giang, phía nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, phía bắc giáp tỉnh Prey Veng của Campuchia và tỉnh Long An.
Nếu không kiểm soát tốt các đường biên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Tháp sau đó di chuyển đến các tỉnh, thành phố lân cận là rất lớn.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thăm các cán bộ "cắm chốt" tại đường biên giới trên địa bàn huyện Hồng ngự
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp, ban ngành và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã và đang thực hiện nghiêm các biệt pháp phòng chống dịch bệnh, gồm: tăng kiểm soát biên giới gồm cả tăng cường lực lượng, tăng các đợt kiểm tra, các chốt chặn (gồm cả đường sông và đường dân sinh, đường mòn lối mở); vận động người dân vùng biên tố giác những trường hợp nhập cảnh trái phép; cách ly chuyên gia, công dân Việt Nam tại các khu cách ly tập trung do tỉnh quản lý và quản lý người sau cách ly 14 ngày; triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn…
Tuy nhiên, công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh đang gặp một số khó khăn, do địa bàn biên giới quá rộng trong khi lực lượng mỏng, khó khăn trong công tác tiếp nhận, quản lý các đối tượng nhập cảnh từ nước bạn. Cơ sở vật chất ở một số khu cách ly tập trung của tỉnh chưa đủ điều kiện. Chưa có khách sạn đăng ký cách ly cho đối tượng là chuyên gia, doanh nhân nước ngoài. Công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 do thời gian triển khai ngắn với đối tượng triển khai đa dạng nên các đơn vị y tế gặp khó khăn trong hoạt động thống kê đối tượng, mời đối tượng đến triển khai.
Ông Đoàn Tấn Bửu đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc rà soát, thống kê đối tượng và tổ chức tiêm vắc xin COVID-19.
Đánh giá công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại Đồng Tháp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, qua kiểm tra thực tế, các cấp ban ngành tại Đồng Tháp đã triển khai cơ bản đầy đủ các chỉ đạo biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh tại các nước láng giềng đang rất phức tạp, số ca bệnh tăng cao mỗi ngày, các biện pháp cần được triển khai tốt hơn nữa.
Cụ thể, cần kiểm soát thật chặt biên giới đường sông, đường bộ, đường mòn lối mở, phát hiện thật sớm và kiêm quyết cách ly xử lý những trường hợp nhập cảnh trái phép, kịp thời khoanh vùng kiểm soát các nguy cơ không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá kết quả kiểm tra và phát biểu chỉ đạo đối với tỉnh Đổng Tháp
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: “Khí hậu tại Đồng Tháp rất đặc thù, 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh cần xây dựng những phương án chống dịch phù hợp với từng mùa để đạt hiệu quả cao nhất. Các phương án chống dịch cần đảm bảo “4 tại chỗ”, sẵn sàng các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 khi trường hợp số ca bệnh tăng lên.
Đồng thời, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, tại các cửa khẩu bên cạnh phòng chống dịch bệnh cần đảm bảo giao thương hàng hoá để phát triển kinh tế".
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị tỉnh cần rà soát, ban hành kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; chuẩn bị sẵn mọi phương án để đối phó với tình huống có dịch bùng phát trong cộng đồng như chuẩn bị cơ sở cách ly với số lượng lớn, phương án xét nghiệm trên diện rộng, thành lập bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả đơn nguyên điều trị bệnh nhân nặng.
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác truyền thông để người dân thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là rất quan trọng.
“Đồng Tháp cần giữ chặt biên giới, nỗ lực hết sức không để dịch xâm nhập” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.