Dòng sông gốm

11-06-2019 14:00 | Xã hội

SKĐS - Bến chợ gốm, trên sông Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) nhộn nhịp từ nửa đêm. Đoàn tàu đón hàng chum, vại, lu, bình, lợn, gà đất cứ bập bềnh chờ đợi.

Những người khuân vác hàng lên tàu vẫn hối hả không ngơi tay. Gà gáy bừng sáng những tia nắng đầu tiên. Nước triều từ sông Sài Gòn dâng lên. Tiếng còi tàu reo vang, đánh thức thị trấn, gửi một lời chào. Chúng nối đuôi nhau, chở hàng gốm sứ về miền Tây, đầy ắp tiếng cười trong bình minh.

Đoàn tàu chờ hàng gốm bên sông Lái Thiêu.

Đoàn tàu chờ hàng gốm bên sông Lái Thiêu.

Chuyện người thợ bị lửa gốm thiêu

Đó là một câu chuyện kỳ lạ mà người thợ gốm xưa mang theo xuống tuyền đài với những bông hoa vẽ trên bình đất. Bến sông kể rằng, xưa có một người đến đây buôn đất, nặn tô, chén, bình, dựng lò nung. Ông ta mải mê làm ăn, ngày ngày bán hàng cho mọi người, đi qua bến sông. Ngôi nhà lớn của ông rộng khắp bến, luôn luôn chào đón những thương lái dừng chân nghỉ ngơi, lấy hàng. Bến sông cũng hình thành từ đây. Những ngôi nhà mọc lên thành hàng lối. Nào chôm chôm, sầu riêng, vú sữa nườm nượp lên đường, bán khắp lục tỉnh. Nhưng ông lái gốm vẫn khắc khoải trong lòng. Bỗng một hôm, ông nghĩ hãy vẽ lên bình đất của mình những bông hoa, con gà, con lợn hay cuộng rau muống cùng cọng lục bình trôi. Chắc hàng của mình đẹp và mọi người sẽ mua nhiều mang đi bán khắp nơi.

Thế là ông vẽ. Suốt cả một đêm. Như trong cơn mơ, những bỗng hoa hiện lên như nỗi lòng ông, rạng rỡ, múa ca. Nét phác họa đầu tiên hiện lên. Ngọn lửa lò liên tục reo vui như khát vọng của lòng người. Ông vừa uống rượu vừa vung bút múa. Những con chim trên bình như muốn hót. Chùm nho hiện lên mọng chín màu vàng rượm. Bất ngờ, vò rượu đổ lênh láng bắt lửa. Ngôi nhà cháy bùng theo chiều gió. Nhưng ông lái gốm đâu có biết. Ông cứ vẽ và cười. Khi ngôi nhà cháy rụi sập xuống cũng là lúc ông đã thành pho tượng đen trũi bên lò nung. Chiếc bình gốm chuyển thành đỏ rực màu huyết dụ. Người dân thương xót, gọi bến thuyền này là bến ông Lái Thiêu (ông thương lái bị thiêu). Những con phố quây quần bên sông cũng được mang tên Lái Thiêu từ đó. Nghĩ tưởng như mơ vậy. Nhưng cũng từ đây, dòng nghề gốm Lái Thiêu hình thành, thực hiện ước vọng của người thương lái kia.

Tàu đầy hàng chuẩn bị lên đường.

Tàu đầy hàng chuẩn bị lên đường.

Chuyện dị ảo này đã xảy ra cách đây khoảng gần 200 năm, đúng với lịch sử phát triển của 3 dòng gốm người Hoa đến làm ăn trên đất Lái Thiêu (từ những năm đầu 1846). Vùng Lái Thiêu thuận lợi vì có nguồn đất sét và cao lanh khá dồi dào. Ở vị trí cao bên sông Sài Gòn, trấn Lái Thiêu có đường thủy kết hợp với đường bộ, hết sức thông thương. Ngày đó, những lò gốm mọc lên như nấm. Tàu than đến bán, rồi lại chở gốm đi khắp lục tỉnh giao hàng. Chợ bên sông cũng hình thành. Người buôn từ vùng thượng Bình Phước, Tây Nguyên cũng chở hàng về bán. Hầu như hàng gốm ở Sài Gòn chủ yếu nhập về từ Lái Thiêu. Tuy lịch sử phát triển làng gốm Lái Thiêu không dài như các dòng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương) hay Bàu Trúc (Ninh Thuận); nhưng khi đã nói đến gốm của các tỉnh miền Nam (Lục tỉnh), đầu tiên phải nói đến gốm Lái Thiêu xưa.

Tuy gốm của Lái Thiêu chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng hàng ngày, trong đời sống nhưng nổi bật của dòng gốm dân dụng này lại mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian, từ hình dạng đến hoa văn và men phủ. Đây là một lối thoát khỏi sự ảnh hưởng của 3 dòng gốm Trung Hoa từ những ngày đầu. Đó là dòng gốm Quảng Đông, Phúc Kiến và Triều Châu. Những nghệ nhân gốm Việt đã tiếp thu và biết chọn lọc từ 3 dòng gốm này. Họ đã phả một không gian văn hóa truyền thống, thể hiện được phong cách riêng trên dòng gốm Lái Thiêu. Đặc biệt, hình ảnh con gà đồng quê thay cho con công, con phượng cung đình. Họ vẽ hoa thủy tiên thay cho hoa phù dung, hoặc con lợn Đông Hồ thay cho những linh vật thờ cúng phương Bắc, xa lạ với quan niệm triết học phật giáo phương Nam. Đặc biệt, một thời hình tượng con gà trống hoặc gà mẹ với đàn con xuất hiện trên khắp các vật gốm gia dụng như đĩa, bát, bình, lọ khay, đôn...Hình ảnh con gà đẹp ở mọi góc độ, muôn hình vạn trạng đường nét, sắc màu, được thể hiện qua bàn tay và tâm hồn họa sĩ, nghệ nhân miền Nam.

Nghệ nhân làm heo gốm.

Nghệ nhân làm heo gốm.

Làng gốm heo

Gốm Lái Thiêu được tôn vinh vì sự đặc sắc trong mỹ thuật đậm chất, đồng quê. Ngoài các họa tiết hoa lục bình (bèo cái), thủy tiên, cúc, mai thì con giống lại nổi bật ở gà và heo. Nếu hình ảnh con gà luôn gắn kết với ánh sáng mặt trời, hoa cỏ, lũy tre thì hình ảnh con heo dân gian lại hiện lên thành hình khối, mang đậm dấu ấn điêu khắc, mơ mộng và gợi cảm. Nó không chỉ gắn với trò chơi tiết kiệm của mọi nhà, hay cho trẻ con dành tiền mừng Tết mà heo đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, bày đặt trang trí trong mọi gia đình. Làng gốm heo hình thành song song với sự phát triển dòng gốm gia dụng ở Lái Thiêu. Có thể nói, đây là một làng chuyên làm heo gốm duy nhất hiện nay ở nước ta.

Khi gặp chủ lò gốm heo ở đường 93 Lái Thiêu, nghệ nhân Lê Thị Thu Sương tâm sự, ở đây có hàng chục mẫu heo. Riêng việc trang trí cho mẫu heo, phải thích hợp với vóc dáng, cấu trúc của tạo hình. Heo cười thì phải vẽ những nét xoáy ở bên bụng cũng phải gợi sự hài hước, thú vị. Đôi mắt biết nhún mi cong hóm hỉnh. Những đường nét và màu sắc dân gian Đông Hồ được vận dụng có phần phát triển chứ không cứng nhắc. Với các mẫu mới, phải dùng sơn nước rất tinh tế mới tạo nên sự hài hòa, không quá rực rỡ, rối mắt. Đẹp ở chỗ giản dị. Heo mà. Nghe nghệ nhân nói, tôi có cảm giác đó là những nghệ sĩ đã biết gửi gắm tâm hồn mình vào từng nét, từng màu trên con heo. Kể từ cái đuôi đến cái miệng đều toát lên sự hân hoan, đầy đủ. Theo như nghệ nhân Thu Sương, hàng chục hộ làm gốm heo ở đây đều có nguồn tiêu thụ ở nước ngoài. Tết nào nhà chị cũng phải cho ra lò hàng ngàn heo gốm để đưa đi Lào và Thái Lan. Heo đất đã trở thành thú cưng của hàng triệu gia đình khắp trên đất nước.

Việc nung được hàng ngàn heo đất trong lò không phải dễ vì canh lửa không khéo sẽ bị bể hàng như chơi. Theo như người thợ chính của lò Thu Sương nói, nhiệt nung heo gốm đất không quá cao như một số mặt hàng dân dụng khác nhưng nhiệt độ giữ không đều trong 12 giờ nung, heo sẽ bị cháy hoặc biến dạng. Chính vì thế mới có câu rằng: “Heo cười thành khóc như chơi. Năm canh thao thức, mồ hôi ròng ròng. Rỡ lò vẫn đợi vẫn mong. Miệng heo hoa nở trong lòng thảnh thơi”. Nghệ nhân Thu Sương còn cho biết, tuy mỗi lứa heo đất xuất đi, lãi không được bao nhiêu, chỉ đủ ăn và trả công thợ nhưng tình yêu nghề của bà con làng xóm không hề suy giảm. Họ không tìm nghề khác, mong giữ lấy việc cho con cháu làm ăn, phát triển những đàn heo gốm mỗi ngày một đẹp hơn. Họ muốn đem những nụ cười và niềm vui đến cho mọi người, nhất là những dịp xuân về. Càng nhiều nụ cười hơn. Đó là những đàn heo xuân với niềm vui rộn ràng, phơi phới cùng với những câu hát lời ca vang lên từ mọi miền quê. Người làng heo đất Lái Thiêu chỉ mong điều đó.

Gà và lợn gốm trong vườn gốm.

Gà và lợn gốm trong vườn gốm.

Điệu hò trên sông

Bến cảng Lái Thiêu trước kề bên chợ, giờ hàng nhiều và lớn nên phải dịch chuyển ra gần sông Sài Gòn. Mỗi khi triều lên, con nước mênh mang, len lỏi những kênh rạch tạo nên những miệt vườn cây trĩu quả. Từ đây, bốn mùa hoa trái rong theo thuyền tàu đi khắp nơi. Xa xưa, dòng sông nơi đây được ghi dấu ấn trong ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định - Đồng Nai thì về”. Lại nữa, nghề gốm phát triển, hàng đưa đi cùng được vang lên trong câu hò điệu lý trên sông nước rằng: “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô. Mượn ba chú lính đưa cô tôi về. Đưa về chợ Thủ bán hủ, bán ve. Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”.

Những con thuyền đậu bến sông Lái Thiêu thường vang lên những câu hát ghi nhận nét đẹp của những cô gái trên miệt đất vườn trái sầu riêng này. Đi đâu họ cũng nhắn nhủ: “Ai về ngang đất Lái Thiêu. Nhờ người con gái mỹ miều nết na”. Đặc biệt, ở đây người thợ gốm nào cũng thuộc lời ca: “Lửa bùng-điệu múa-tay mềm. Đất quê-men bóng-tạc nên câu hò...”. Đó là hình ảnh nói đến vũ điệu của lửa gốm. Những ngọn lửa mang yếu tố tâm linh. Luôn tạo nên hỏa biến làm cho hàng gốm hiện lên một màu men bất ngờ. Họ từng ví: “Đất là cha sinh ra hình hài. Lửa là mẹ sinh ra thần thái”. Khi ấy, người thợ ôm mặt khóc vì sung sướng. Đó là vẻ đẹp bí ẩn do trời ban.


Bài và ảnh: Duy Anh
Ý kiến của bạn