Dòng sơn mài không ngừng chảy

18-04-2016 14:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mới đây Bộ VH-TT&DL đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ “Nghề sơn mài truyền thống Việt Nam” để hợp tác với Hàn Quốc và một số nước xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhìn từ quá khứ đến hiện tại, chúng ta có đủ niềm tin nghề sơn mài truyền thống nước nhà trong tương lai sẽ có cơ hội ghi danh bảng vàng UNESCO.

Độc đáo, lâu đời

Thật ra, Việt Nam không hề “độc quyền” về nghề sơn mài mà các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... cũng có ngành nghề này. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, những sản phẩm sơn mài của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... trên các đồ dùng hoặc vật dụng trang trí mỹ nghệ hoàn toàn khác với tranh sơn mài của Việt Nam. Sự khác biệt đó nằm ở kỹ thuật sơn mài cũng như các vật liệu được sử dụng của nghệ thuật sơn mài nước ta so với các quốc gia khác.

Người thợ thủ công làng Hạ Thái chăm chú vẽ họa tiết cho sản phẩm.

Để sáng tạo nên một tác phẩm sơn mài hoàn chỉnh, các họa sĩ phải rất công phu, tỉ mỉ, với thời gian dài tùy theo độ khó của nội dung, ý tưởng tác phẩm. Ở nước ta, sơn mài truyền thống có thể chia làm 3 loại: loại sơn quang (dùng phổ biến), loại sơn son thếp vàng (gia đình quyền quý, nhất là tại các lăng tẩm cung điện vua chúa...) và loại sơn mài đắp nổi (có nhiều trong nội phủ, hoàng cung với nhiều chi tiết hoa văn vô cùng phong phú, tinh xảo).

Thực tế chỉ ra rằng, nhiều tác phẩm nghệ thuật sơn mài của một số họa sĩ tên tuổi ở nước ta đã trở thành kiệt tác và bảo vật Quốc gia như tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc (Nguyễn Gia Trí), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ  (Nguyễn Sáng)... Thời gian qua, tranh sơn mài Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế săn lùng, tìm mua để trở thành một thể loại đắt giá tại thị trường tranh khu vực, qua đó tạo dựng nên hình hài sơn mài Việt Nam trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới.

Kỳ công, vất vả nhưng không bỏ nghề

Tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề sơn mài nổi tiếng như làng Hạ Thái, Sơn Đồng, Bối Khê, Chuôn Ngọ (Hà Nội), làng Đình Bảng (Bắc Ninh), phường Cát Đằng (Nam Định), Dương Nổ, Triều Sơn, Phú Vang (Huế), Tương Bình Hiệp (Bình Dương)... Những ngày gần đây, chúng tôi đã về làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) - một làng nghề nổi tiếng đã có lịch sử hơn 200 năm tồn tại và phát triển.

Chúng tôi đã có dịp quan sát quá trình làm ra một sản phẩm sơn mài do những người thợ tại làng Hạ Thái thực hiện. Theo đó, với mọi đồ mỹ nghệ sơn mài đều trải qua công đoạn phủ 10-16 lớp sơn. Mỗi lần người thợ phủ một lớp sơn phải đợi sơn khô, sau đó mài khô bằng giấy ráp mịn, rồi người thợ dùng đất phù sa sông Hồng trộn sơn để láng mịn những bề mặt sản phẩm chưa hoàn chỉnh, sau đó mài nước để đạt độ mịn nhất, để khô rồi mới phủ lớp sơn tiếp theo. Tiếp đó là công đoạn mài cho đến khi đủ lớp sơn, người thợ sẽ vẽ họa tiết, tạo hình, phủ bóng rồi lại mài mòn đi. Theo chị Hạnh - người làm nghề tại Hạ Thái, mài đến bao giờ “soi gương được” thì hoàn thành một sản phẩm. Tất cả các công đoạn trên đều được người thợ làm bằng tay trần.

Người dân tại làng nghề sơn mài Hạ Thái vẫn bám nghề để tiếp nối những giá trị văn hóa của cha ông đã để lại. Đồng thời, trong bối cảnh mới, người thợ tại đây cũng đã biết vận dụng máy móc để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, tinh tế và có tính thẩm mỹ hơn. Theo anh Hùng - thợ thủ công vẽ tranh sơn mài tại làng Hạ Thái, làm nghề này cũng có thu nhập nhưng vất vả, nhiều lúc muốn bỏ nghề đi kiếm việc khác cho nhàn hạ nhưng muốn nối nghề cha mẹ, một phần cũng nghiện mùi sơn nên nghỉ vài ngày lại nhớ cọ vẽ, nhớ những chiếc “gương soi”. Và anh Hùng khẳng định “sẽ theo nghề sơn mài đến cùng”.


Bài, ảnh: Tuyến - Quỳnh
Ý kiến của bạn