14h, phiên tòa bắt đầu với việc HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo, Hoàng Hương Giang (SN 1987, ngụ quận 2), nguyên giao dịch viên phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM được thẩm vấn đầu tiên. Trước HĐXX, bị cáo Giang đề nghị được xem xét lại việc quy kết bị cáo tội danh.
Bị cáo Trần Thanh Thanh (SN 1980, ngụ quận 12), nguyên Phó phòng dịch vụ khách hàng thuộc phòng giao dịch VietinBank Điện Biên Phủ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. Thanh Thanh xin tòa xem xét lại hoàn cảnh phạm tội; mức độ hành vi nguy hiểm của hành vi; hậu quả mà bị cáo gây ra… Theo nhận thức của Trần Thanh Thanh thì mức độ phạm tội của bị cáo không nghiêm trọng.
Khi Thanh trình bày đến đây, thẩm phán phiên tòa liền dừng ngay thẩm vấn để đặt vấn đề: “Hành vi của bị cáo liên quan đến 25 tỷ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt mà không nghiêm trọng, số tiền này nhỏ lắm sao? Theo bị cáo, một người đi làm việc bao nhiêu năm để có được số tiền 25 tỷ đồng mà bị cáo lại bảo không nghiêm trọng”.
Luật sư bào chữa của bị cáo Thanh Thanh tham gia thẩm vấn. Vị luật sư này bị chủ tọa 4 lần nhắc nhở vì cách đặt vấn đề khi thẩm vấn.
Trước phần tham gia thẩm vấn của luật sư bào chữa của bị cáo Thanh Thanh thẩm phán phiên tòa đã nói ngay: “Tôi không hiểu luật sư xét hỏi bị cáo với mục đích gì, nhưng qua phần thẩm vấn của luật sư càng khẳng định thân chủ của mình là bị cáo Thanh Thanh bị tuyên phạt ở tòa sơ thẩm là hoàn toàn đúng người, đúng tội”.
Bị cáo Tống Nguyên Dũng (SN 1987, ngụ quận Thủ Đức), nguyên nhân viên tín dụng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank Chi nhánh TP HCM cũng xin giảm nhẹ hình phạt. Dũng khai, hành vi lập hồ sơ tín dụng cho các cá nhân đứng tên vay tiền nhưng không có mặt người vay và người bảo lãnh là do nghĩ Huyền Như sếp và nghĩ Huyền Như đã tiếp xúc với các khách hàng đó rồi.
HĐXX tiếp tục thẩm vấn Huỳnh Hữu Danh (SN 1981, quê Phú Yên) - Cựu nhân viên ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Chi nhánh TP HCM. Trong nhóm bị cáo “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” bị cáo Danh là nhân viên duy nhất không thuộc Vietinbank. Bị cáo Danh xin giảm nhẹ hình phạt. Theo Danh, bị cáo đã nhận thức ra hành vi vi phạm pháp luật. Lỗi của bị cáo là không đến Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng tiền gửi dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Theo bản án sơ thẩm, Huỳnh Hữu Danh có nhiệm vụ kiểm tra, hoàn tất các thủ tục hồ sơ vay tiền, thẩm định tài sản bảo đảm và để xuất cho vay. Tuy nhiên từ tháng 1/2011 đến ngày 8/9/2011, Danh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Huyền Như giới thiệu đến VIB – Chi nhánh TP HCM vay tổng cộng số tiền hơn 480 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 40 hợp đồng mang tên 12 người xin vay, gửi tiền tại Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè.
Bị cáo Danh đã không đến Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè để làm thủ tục xác nhận, phong tỏa các hợp đồng tiền gửi nên không biết Huyền Như làm giả xác nhận phong tỏa. Hành vi của Huỳnh Hữu Danh đã vi phạm quy định của NHNN ban hành quy chế cho vay và bảo lãnh cho vay và hậu quả là bị cáo Như đã chiếm đoạt của VIB Chi nhánh TP HCM 180 tỷ đồng.
Chủ tọa chuyển sang thẩm vấn Phạm Anh Tuấn (SN 1977, quê Hải Phòng) - Cựu giám đốc Công ty Cổ phần Vật tư Dầu khí Thái Bình Dương. Bị cáo Tuấn bị tòa sơ thẩm quy kết tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Tuấn cho biết đã nhận thức được hành vi phạm tội, đồng thời xin tòa phúc thẩm giảm án. Ngoài ra, bị cáo còn Tuấn xin xem xét trách nhiệm dân sự với ngôi nhà là tài sản chung của hai vợ chồng. Bị cáo Anh Tuấn cũng xin tòa xem xét số tiền hưởng lợi hơn 72 tỷ đồng. Tuấn cho rằng, số tiền này là vay mượn để làm ăn.
Tuy nhiên, khi công tố viên yêu cầu bị cáo Tuấn đưa ra tài liệu xác thực số tiền này là vay mượn, thì bị cáo Tuấn cho biết hoàn toàn không có bất kỳ tài liệu nào.
Theo bản án sơ thẩm, dù không có chức năng kinh doanh tiền tệ, uỷ thác đầu tư vốn nhưng vì vụ lợi, vì mức trả lãi ngoài hợp đồng từ 1% đến 4%/ năm, Phạm Anh Tuấn đã bất chấp pháp luật, đã gửi tiền vào Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè mà thực chất là đã bị Huyền Như lừa đảo để chiếm đoạt 80 tỷ đồng. Kết quả của việc làm trái công vụ đã gây thiệt hại cho Tổng công ty vận tải dầu khí Thái Bình Dương 80 tỷ đồng và bị cáo thu lợi bất chính 72,568 tỷ đồng.
Trong phần trả lời thẩm vấn của luật sư bào chữa cho Phạm Anh Tuấn, Huyền Như xác nhận thông tin Tuấn khai nhận. Đối với việc chênh lệch lãi ngoài hợp đồng, Như cho biết đã trao đổi với Anh Tuấn qua điện thoại. Theo Huyền Như, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng, Như giao trực tiếp cho Phạm Anh Tuấn và thông người môi giới hợp đồng.
16h40: Tòa kết thúc buổi làm việc. Theo lịch, thứ 2 ngày 22/12, phiên tòa phúc thẩm sẽ được tiếp tục diễn ra.