Hà Nội

Dòng nhạc xã hội nóng dần trong V-pop

01-06-2018 10:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tập đầu tiên Sing My Song mùa 1 sau khi lên sóng đã tạo nên cơn sốt mạnh mẽ với khán giả bằng ca khúc Ông bà anh của thí sinh Lê Thiện Hiếu.

Tuy nhiên, Sing My Song mùa 2 được cho là có dấu hiệu “giảm phong độ” hơn rất nhiều so với mùa 1. Nhưng may mắn thay, vẫn có một bộ phận sáng tác trẻ (tuy số lượng không nhiều) đang chung tay tạo nên một dòng chảy âm thầm, tiềm ẩn sức lan tỏa mạnh mẽ trên sân chơi này. Những ca khúc lấy cảm hứng từ các vấn đề xã hội mà họ sáng tác đều mang nhịp đập nhiệt huyết và những xúc cảm sâu thẳm nơi trái tim người nghệ sĩ.

Cứu một sân chơi đang “hạ nhiệt”

Sang mùa 2, sau 4 tập đầu, khán giả tỏ ra chán chường vì chưa tìm được ca khúc thật sự ấn tượng đủ sức tạo cơn sốt như mùa 1. Có thể nói phần lớn thí sinh bước vào vòng tiếp theo của Sing My Song mùa hai đều là những gương mặt quen thuộc, thậm chí là những người khá nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tác của V-pop nhưng những đề tài, cách viết, thậm chí là giai điệu cũng chưa có sự đột phá. Nếu phải chỉ ra tiết mục ấn tượng nhất, thì có lẽ đó vẫn là Người yêu tôi không có gì để mặc của Lộn Xộn band được phát sóng trong tập 1. Bài hát mang chủ đề mới lạ xoay quanh thói quen ăn mặc của phái nữ được 3 thành viên thể hiện bằng phong thái tự tin, sôi động cũng như nhận mưa lời khen từ dàn HLV. Kết thúc chặng đường Sing My Song với chiếc cúp Quán quân quá thuyết phục và viên mãn, Lộn Xộn band có cơ hội khắc thêm một dấu ấn mới trên bộ trang phục mà nhóm đã dày công chuẩn bị cũng như mở ra chương tiếp theo trong sự nghiệp âm nhạc thênh thang phía trước.

Trong bối cảnh thị trường âm nhạc quá nhiều bài hát với ca từ “vô hồn” thì những ca khúc về môi trường, vấn nạn xã hội... đang được giới nghệ sĩ lưu tâm.

Trong bối cảnh thị trường âm nhạc quá nhiều bài hát với ca từ “vô hồn” thì những ca khúc về môi trường, vấn nạn xã hội... đang được giới nghệ sĩ lưu tâm.

Mơ về một không gian hưởng thụ âm nhạc đích thực

Quả thật, trong bối cảnh thị trường âm nhạc quá nhiều bài hát với ca từ “vô hồn” thì những ca khúc về môi trường, vấn nạn xã hội... đang được giới nghệ sĩ lưu tâm. Không còn là những bài hát hời hợt về tình yêu hay những thảm họa V-pop đang lan tràn trên mạng mà thay vào đó là những ca khúc đi sâu hơn về đời sống xã hội hiện tại, diễn tả những thực tế xung quanh chúng ta. Trước Lộn Xộn band, một trong những gương mặt khác cũng viết nhạc về đề tài xã hội rất đáng chú ý và dần tạo được thành công nhất định chính là Tăng Nhật Tuệ. Vốn có kiến thức âm nhạc rộng cùng quãng thời gian từng trải, Tăng Nhật Tuệ đặc biệt chứng minh được tài năng với công chúng khi ra mắt các ca khúc như Muốn khóc thật to, Con vẫn chưa lớn và nhất là Điều ước duy nhất - một tác phẩm hiếm hoi ở Việt Nam mang góc nhìn hiện đại và chân thực về chiến tranh. Chính sự theo đuổi bền bỉ ở dòng nhạc này đã giúp Tăng Nhật Tuệ có được chất riêng trong lòng khán giả, khó lòng có thể nhầm lẫn với ai khác được.

Khi điểm lại những hiện tượng đột phá của làng nhạc Việt cách đây 3 năm, ngoài những ca khúc tình yêu thường thấy như Vợ người ta, Chưa bao giờ, My Everything… thì Thật bất ngờ - một bài hát đậm tính xã hội cũng là tác phẩm tạo được nhiều sự chú ý. Thật bất ngờ gây… bất ngờ bởi nó được sáng tác bởi một người trẻ nhưng vẫn đầy tính chiêm nghiệm và châm biếm về thời cuộc. Sự hòa quyện giữa chất nhạc vui tươi, tưng tửng cùng ca từ xoáy sâu vào các khía cạnh xã hội đã không chỉ giúp ca khúc được khán giả trẻ ưa chuộng mà còn là tiền đề để ca sĩ Trúc Nhân cùng êkíp tạo ra một trong những MV ấn tượng nhất năm 2015.

Nói về sự độc chiếm thị trường quá lâu của dòng nhạc “bắt tai”, nhạc sĩ Lê Tịnh nhấn mạnh, nguyên nhân nằm ở nhiều phía mà lỗi đầu tiên thuộc về những người sáng tác: “Các nhạc sĩ trẻ bây giờ có tài, có nhiều phương tiện để thể hiện âm nhạc nhưng họ lại thiếu đi cái quan trọng nhất là tâm huyết. Có nhiều nhạc sĩ chạy theo thị trường khi đa số người nghe thích những ca khúc trẻ trung, sôi nổi”.

Để có nhiều nhạc phẩm về mảng đề tài xã hội sâu sắc không phải là điều đơn giản. Nhạc sĩ Lê Tịnh cho rằng, các nhà quản lý và hoạt động trong văn hóa vẫn thiếu một sự dẫn dắt và định hướng cho người sáng tác. “Để làm được điều này, chúng ta nên có những cuộc thi khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác và phải tạo cho họ niềm say mê. Thiếu sự say mê thì không thể sáng tác được. Xã hội không phải chỉ có cơm áo gạo tiền, cuộc sống vật chất đầy đủ thì thiệt thòi của con người chính là không hưởng thụ được âm nhạc đích thực”.


Tùng Lâm
Ý kiến của bạn