Dù đứng trước sự bủa vây của nhiều thể loại âm nhạc mới, nhưng bolero - dòng nhạc trữ tình xuất hiện ở nước ta cách đây hơn 60 năm, vẫn có một chỗ đứng, sức sống mãnh liệt. Ðiều này được thể hiện vì gần đây có các chương trình truyền hình thực tế về dòng nhạc bolero được tổ chức, ca sĩ nhiều thế hệ cũng tìm về thể loại âm nhạc đầy tinh tế, lãng mạn và nghệ thuật này để biểu diễn...
Thổi hồn Việt vào tác phẩm
Theo các nhà nghiên cứu và các nhạc sĩ gạo cội, bolero là dòng nhạc phổ biến trên thế giới, ra đời từ thế kỷ 18. Nhiều người nhận định, bolero phát xuất từ Tây Ban Nha, do nhạc sĩ Sebastiano Carezo sáng tạo năm 1780, vốn là điệu nhạc nhảy. Sau đó, bolero du nhập các nước châu Âu, các quốc gia vùng Caribe, Nam Mỹ và dòng nhạc này trở thành thứ âm nhạc của quần chúng, được nhiều người dân sử dụng trong các chương trình, hoạt động sản xuất, vui chơi...
Các thí sinh tham gia chương trình Thần tượng Bolero được đánh giá có giọng hát hay, trang phục đẹp.
Tại Việt Nam, bolero du nhập vào từ những năm 50 của thế kỷ XVIII. Nhạc sĩ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Trọng Nguyễn được cho là tác giả đầu tiên viết thành công ca khúc bolero, sau này trở thành bài tình ca nổi tiếng của thế kỷ trước ở nước ta, đó là ca khúc Nắng chiều (1952). Nắng chiều được đánh giá là nhạc phẩm giàu tính văn học, giàu chất thơ, tỏ rõ tác giả là con người từng thẩm thấu một cách sâu đậm văn chương Việt Nam với phần lời: “Qua bến nước xưa lá hoa về chiều/Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa/Khi đến cuối thôn chân bước không hồn/Nhớ sao là nhớ đến người ngày xưa...”.
Những năm 50-60 của thế kỷ XX, Nắng chiều từng được nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori dịch sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Về sau, ca khúc này còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca. Điều đặc biệt là ca khúc bolero Nắng chiều mang đậm phong cách Việt, thoát hẳn không khí xôn xao, rực rỡ và khá nhanh của dòng bolero trên thế giới. Tức là ca khúc này có tiết tấu chậm và kể lể, diễn cảm...
Khi mới ra đời và du nhập vào Việt Nam, bolero chủ yếu phát triển ở miền Nam. Và nói đến dòng nhạc này, nhiều ca khúc đã in sâu trong lòng công chúng là các sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương, Lam Phương, Tô Thanh Tùng, Vinh Sử, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Thi Thơ, Thanh Sơn... Đặc biệt, nhạc sĩ Trúc Phương đã đẩy bolero chậm lại, dung hợp với phong cách dân ca Nam Bộ sáng tác một loạt bài tình ca bolero với ca từ rất lạ và rất sáng tạo, thoát khỏi những ảnh hưởng của nước ngoài. Dòng nhạc bolero ở Việt Nam hưng thịnh và phổ biến, hưng thịnh nhất vào những năm 1960 - 1970, với rất nhiều ca khúc được thu âm và phổ biến dưới dạng băng cassette như: Tình như mây khói, Áo em chưa mặc một lần, Đừng nói xa nhau, Mười năm tình cũ, Mai lỡ hai mình xa nhau, Thói đời, Về đâu mái tóc người thương, Nỗi buồn hoa phượng, Chuyến tàu hoàng hôn, Mưa đêm tỉnh lẻ, Hai chuyến tàu đêm, Quán nửa khuya...
Có thể thấy rằng, những sáng tác ở thể loại nhạc bolero ở nước ta kể trên và nhiều tác phẩm khác sau này đều dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người bởi bolero là những câu chuyện kể nhẹ nhàng, chân tình, không có mỹ từ trau chuốt. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, bolero là loại nhạc bình dân, gần gũi và những ca khúc bolero là những câu chuyện buồn vui quen thuộc xảy ra trong đời sống. Mỗi một người dễ dàng chọn cho mình một, hai hoặc nhiều hơn nữa các ca khúc gắn liền với kỷ niệm mình đã đi qua. Những người yêu âm nhạc, dù không học nhạc bài bản, nhưng chỉ cần biết vài nhạc lý cơ bản cũng có thể hát nhạc bolero.
Dần lấy lại vị thế trong làng nhạc Việt
Bolero vốn rất được ưa thích trong nhiều chục năm trước, nhưng về sau loại nhạc này phủ bụi thời gian, chìm dần vào quên lãng vì nhiều người cho rằng nhạc bolero rất hay song có phần ủy mị, ướt át và có phần kén chọn người nghe. Nguyên nhân của sự trầm lắng của bolero về sau còn bởi nhịp sống hiện đại, nhiều thể loại nhạc được du nhập vào nước ta đã tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt khiến bolero bị thất sủng và lép vế. Nhưng đáng mừng, vài năm trở lại đây, bolero đã thức giấc sau bao ngày “nửa mê nửa tỉnh” giữa cơn lốc giải trí nước nhà. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình truyền hình, ca nhạc về bolero được mở ra; đồng thời nhiều ca sĩ trong và ngoài nước tìm đến hoặc tìm về bolero.
Thị trường âm nhạc Việt cũng dần được rộng mở, khán giả chứng kiến sự trở về của hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi của dòng nhạc bolero từ trước năm 1975 sống ở hải ngoại về nước biểu diễn, đó là ca sĩ Chế Linh, Khánh Ly, Hương Lan, Như Quỳnh, Duy Quang, Tuấn Ngọc... Ở trong nước, người yêu nhạc thấy sự xuất hiện của những ca sĩ trẻ Quang Linh, Quang Dũng, Cẩm Ly, Đan Trường, Lệ Quyên... thông qua những đêm nhạc bolero thu hút một lượng lớn khán giả, đồng thời những album nhạc bolero của các ca sĩ trong nước liên tiếp được ra mắt và được khán thính giả đón nhận, đánh giá cao.
Đáng mừng hơn, dòng nhạc bolero đã được phủ sóng tại nhiều chương trình truyền hình do các nhà đài nước ta tổ chức trong vài năm trở lại đây và hiện nay các chương trình này vẫn diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Cần phải nhắc đến là chương trình Solo cùng Bolero. Cuộc thi này đã trải qua 2 mùa, tạo ra làn gió mới, một sân chơi đầy ý nghĩa đối với những “tín đồ” của bolero. Mỗi một mùa mở ra, Solo cùng Bolero thu hút hàng ngàn thí sinh đam mê, có khả năng ca hát về nhạc bolero trên toàn quốc tham gia thuộc nhiều đối tượng khác nhau như: học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, tài xế, xe ôm, người bán hàng rong...
Ngoài chương trình Solo cùng Bolero, các chương trình truyền hình thực tế do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện như Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt nhí, Sol vàng... cũng có nhiều thí sinh, ca sĩ chọn nhạc bolero để thể hiện, trong đó điểm nhấn mà có lẽ ít người chưa biết, đó là quán quân Giọng hát Việt Nhí 2014 có tên Thiện Nhân đã trình bày ca khúc Đèn khuya của nhạc sĩ Lam Phương một cách thành công trên sân khấu, được khán giả ủng hộ và khen ngợi.
Hiện nay, vào thứ 5 hàng tuần trên kênh VTV3, khán giả cả nước còn được thưởng thức chương trình truyền hình thực tế đặc sắc Thần tượng Bolero nhằm tôn vinh giá trị của bolero cũng như tạo sân chơi âm nhạc dành cho khán giả yêu thích dòng nhạc này. Các ca khúc bolero nhẹ nhàng, lãng mạn, giàu tính nhân văn và thẩm mỹ được các thí sinh trẻ tuổi trình diễn trên sân khấu. Điều đó tạo nên những cung bậc cảm xúc cho người xem; đồng thời góp phần gìn giữ những nét đẹp của nhạc bolero Việt Nam trong bối cảnh âm nhạc nước nhà đang rất sôi động bởi những thể loại mới.
Có một chút băn khoăn vì nhiều nghệ sĩ tỏ ra lo ngại, các ca khúc nhạc bolero dễ hát nhưng không phải ai hát cũng hay. Nếu mở ra liên tục các chương trình về bolero sẽ khiến dòng nhạc này bị “loãng”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết, hát bolero ai cũng hát được nhưng hát hay, ngọt ngào, đi vào lòng người thì không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, dù sao cũng nên mừng bởi bolero hiện nay đang thức giấc, đang dần lấy lại vị thế của mình sau nhiều năm được gọi là “bị lãng quên”. Nhạc sĩ Vinh Sử - người có nhiều ca khúc bolero nổi tiếng chia sẻ: “Tôi thấy vui khi nhạc bolero hiện nay đang được nhiều khán giả nhớ đến”.