Hà Nội

Đồng Nai tích cực phối hợp chặt chẽ với đoàn công tác của Bộ Y tế để khống chế dịch

12-07-2021 12:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sáng 12/7/2021, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kiểm tra thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Đồng Nai. Cùng tham dự với đoàn, có GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo 1 số bộ, ngành trung ương.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng và đã thực hiện Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7/2021 trên địa bàn toàn tỉnh.

Trước khi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kiểm tra công tác chuẩn bị đưa BV Dã chiến số 3 đặt tại Trường Đại học Mở TP HCM cơ sở 3, bệnh viện này dự kiến khoảng 500 giường và sẽ được đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Được biết, tỉnh Đồng Nai đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến là nơi tiếp nhận các ca mắc COVID-19 nhẹ. Với 3 bệnh viện dã chiến được thành lập, tỉnh này sẽ có 1.150 giường.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra Bệnh viện Dã chiến số 3 Đồng Nai 

Tính đến trưa ngày 12/7/2021, số ca mắc COVID-19 mới từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay là 399 ca, trong đó 136 ca ghi nhận tại cộng đồng và 231 ca trong các khu cách ly, phong tỏa. TP Biên Hòa cao nhất với 127 ca, tập trung tại các phường: Hoá An, Tân Biên, Hoà Bình, Long Bình Tân, Phước Tân , Hố Nai, Tân Hoà.

Tiếp đến là huyện Thống Nhất với 104 ca, tập trung ở các xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3. Thứ ba là huyện Nhơn Trạch với trên 60 ca, tập trung tại xã Long Tân.

Lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai nhận định, đã có sự lây nhiễm cộng đồng tại Đồng Nai với nguồn lây nhiễm từ các ca dương mới trong thế hệ F1, F2, F3 cùng với nguồn lây từ các chợ và người về từ TP.HCM.

Tốc độ lây nhiễm nhanh và có xu hướng lan rộng ở các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Nguy hiểm nhất là dịch đang lây nhiễm vào các khu nhà trọ cho người lao động, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Đã ghi nhận các ca COVID-19 ở 2 doanh nghiệp quy mô lớn, có số lượng lao động từ 10.000 – 20.000 người tại TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói đã kích hoạt tổ COVID cộng đồng tại khu dân cư, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kịp thời vào giúp Đồng Nai kịp thời khoanh vùng truy vết. Với sự góp ý của đoàn, Đồng Nai đồng ý cho công nhân ở lại trong doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện.

BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện nay các tỉnh xung quanh Đồng Nai như Bình Dương, TP. HCM đã thực hiện Chỉ thị 16, cộng với tỉnh cũng đã thực hiện Chỉ thị 16, có khả năng dập được dịch trong 1 tháng nếu làm quyết liệt và có sự đồng lòng của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai, tỉnh có 1,2 triệu công nhân. Nhiều nhà máy không có nhà ký túc xá. Công nhân ở các nhà trọ. Lo nhất công nhân ở đan xen với các công nhân công ty khác nên nếu có 1 doanh nghiệp có công nhân mắc COVID sẽ rất nguy hiểm.

Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Đồng Nai không chủ quan, không lơ là, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập nhưng cũng cần quan tâm đến đời sống người dân. Tỉnh phải lưu ý khai báo y tế đơn giản và phù hợp thuận tiện cho người dân, chú trọng ứng dụng CNTT trong khai báo y tế

Đối với các khu công nghiệp, cần phải quan tâm chống dịch tại KCN thực hiện khoa học và nghiêm túc, không để giãn đoạn trong sản xuất

“Tỉnh tăng cường 4 tại chỗ và kịch bản ứng phó tùy tình hình cụ thể, đồng thời dự báo số ca bệnh mới tăng thêm để có kế hoạch ứng phó”, GS Thuấn nói.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Đồng Nai đã thực hiện Chỉ thị 16 thì bằng mọi cách phải thực hiện nghiêm túc.

Cần có kịch bản xấu hơn, kiểm soát chặt chẽ không chỉ ở điểm dịch mà còn phải kiểm soát người ra vào.

Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, áp dụng công nghệ để truy vết. Chú ý chăm lo đời sống người dân, đặc biệt quan tâm đối với những người yếu thế.

Vấn đề xét nghiệm dứt khoát không được tập trung đông người, linh hoạt xét nghiệm ngay tại nhà dân khi tiếp nhận qua đường dây nóng. Chú ý nơi nào xét nghiệm trước, tập trung làm nhanh, trả kết quả nhanh, không để lãng phí.

“Nhanh, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, và phải chính xác”, Phó Thủ tướng lưu ý.

 


Anh Văn - Diễm Hằng
Ý kiến của bạn