Nắng nóng kéo dài đang làm cho cả ngàn hộ dân ở Đồng Nai, Bình Phước rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, phải tốn thêm tiền mua nước mỗi ngày nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước tối thiểu trong sinh hoạt.
Đồng Nai: 20-70 ngàn đồng/m3
Tại thành phố Biên Hòa hiện có hơn 350 hộ dân ở phường Bửu Long, phường Tân Hòa và xã Hóa An thiếu nước sinh hoạt, trong đó riêng xã Hóa An có 225 hộ. Tất cả các hộ bị thiếu nước nói trên đều là những hộ chưa có nước máy, phải dùng nước giếng khoan, giếng đào. Song, thời điểm này nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước ngầm các giếng khoan, giếng đào bị cạn kiệt gây ra thiếu nước. Để có nước dùng, các hộ trên phải đi mua nước với giá gần 20 ngàn đồng/m3.
Tại huyện Nhơn Trạch, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở hai xã Phú Đông và Phú Hữu diễn ra từ cuối tháng 2-2010, trong đó, xã Phú Hữu có khoảng 500 hộ và Phú Đông hơn 100 hộ. Để có nước sinh hoạt, người dân ở đây buộc phải mua nước với giá từ 50-70 ngàn đồng/m3.
Cùng thời gian này, hơn 2.000 hộ dân ở 3 xã La Ngà, Phú Ngọc và Ngọc Định thuộc huyện Định Quán cũng phải mua nước từng ngày do nguồn nước trong giếng đào, giếng khoan bị cạn kiệt.
Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Dương Anh cho biết: "Mùa khô năm nay là hạn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trước đây, huyện có dự án hỗ trợ ba xã nói trên đào một số giếng khoan, nhưng khoan sâu 70-85 m cũng không có nước. Sau đó, huyện thuê cán bộ địa chất về khảo sát, đã phát hiện đất vùng La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định không có mạch nước ngầm, nên đành phải bỏ ý định khoan giếng lấy nước".
Bình Phước: Mưa không thấm đất
Mấy ngày qua, mưa đã rơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước, có nơi nặng hạt như thị xã Đồng Xoài, nhưng xem ra chưa đủ giải hạn cho cơn khát mấy tháng nay.
Đến những địa phương chưa có mưa mới thấy mùa khô ở tỉnh Bình Phước dường như đã lên đến đỉnh điểm. Gia đình anh Hà Trọng Trường ở ấp Cầu Hai, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú đã đào vét thêm 2m giếng với giá 700 ngàn đồng/m song giếng vẫn trơ đá tổ ong.
Người dân đổ xô đi nạo vét giếng để kiếm nước sử dụng cho sinh hoạt - Ảnh: Bùi Liêm |
Tương tự, dọc các xã trên đường ĐT741 về các xã Long Hà, Long Bình, Long Hưng thuộc huyện Bù Gia Mập, đâu đâu cũng thấy sự khô khan, nứt nẻ. Ông Lê Danh Thái ở thôn 4, xã Long Bình cho biết: tình trạng này sẽ làm cây trồng thất thu nặng do đây là thời điểm cà phê đang ra hoa cho một mùa vụ mới.
Ở huyện Bù Đốp, tình trạng nắng nóng, khô hạn cũng đang ở mức báo động. Để bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp đã phải điều động cán bộ nhân viên túc trực tại các chốt để kịp thời phát hiện và dễ dàng ứng phó nếu xảy ra cháy.
Anh Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Bù Đốp, cho biết những ụ nước mọi năm vẫn dùng để trữ nước phòng cháy chữa cháy thì năm nay đều đã khô kiệt. Để có nước, đơn vị đã lên phương án dùng xe đạp tịch thu từ các lâm tặc cải tiến thành xe chữa cháy đến các giếng khoan, đầu nguồn sông Đắk Huýt cách 5-7km.
Vì sự bất lợi này nên các anh em đã phải chủ động tính đến phương án phòng cháy hơn chữa cháy.
Khô hạn đã đến mức báo động - Ảnh: Bùi Liêm |
Theo người dân huyện Bù Đốp, thời điểm này hầu hết giếng đào đã cạn nước, còn giếng khoan chỉ ưu tiên dùng cho việc ăn uống, mọi sinh hoạt như tắm giặt phải đến các hồ, sông, suối mới có nước.
Báo động thiệt hại
Ông Doãn Văn Chiến, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước - cho biết: "Sau khi tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, nắng nóng, khô hạn kéo dài hai tháng rưỡi qua đã làm các loại cây trồng như cây ăn trái, hồ tiêu, cà phê, ca cao, rau màu của 6 huyện, thị bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, trên 1.583ha bị ảnh hưởng nặng và 1.717ha bị ảnh hưởng nhẹ".
Các địa phương chịu ảnh hưởng nặng là Đồng Phú, thị xã Đồng Xoài, Lộc Ninh, Bù Đốp. Riêng bốn địa phương Lộc Ninh, Chơn Thành, Phước Long và Bù Gia Mập chưa thống kê xong thực trạng khô hạn ảnh hưởng đến cây trồng.
Cây trồng đang heo hon vì thiếu nước - Ảnh: Bùi Liêm |
Bên cạnh đó, nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm giếng đào trên địa bàn tỉnh Bình Phước hụt nước nghiêm trọng, nhiều nơi giếng khô cả đáy.
Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải đi xin nước từ những hộ có giếng (đã vét) còn nước; đến những con suối, sông, hồ để tắm rửa, giặt giũ. Đặc biệt, phải mua nước từ các xe bồn (lấy từ sông, suối) với giá cao từ 15.000-20.000 đồng/1m3, trong khi nguồn nước máy bán cho dân hiện ở chỉ ở mức trung bình trên 4.800 đồng/1m3.
Được biết, tỉnh Bình Phước có 10.717ha tiêu, 11.130ha cà phê, 13.000ha ca cao và 9.792ha cây ăn trái. Đây là những cây trồng chủ lực của tỉnh song sức chịu hạn kém.
Ông Huỳnh Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp cho biết: "Hiện xã đang thống kê những thiệt hại để trình UBND huyện đề nghị hỗ trợ bà con. Trước mắt, lãnh đạo xã kêu gọi tính cộng đồng trong nhân dân, cùng nhau nạo vét ao, khoan giếng để cùng giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn khô hạn".
Theo Tuổi Trẻ