Chiếc MQ-9 Reaper đang tham gia chiến dịch quân sự "Nhổ tận gốc" (Operation Inherent Resolve) do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, UAV này bị SDF – lực lượng đối tác chính của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, nhầm lẫn là mối đe dọa và bắn hạ.
Nguyên nhân được xác định là do tình hình căng thẳng tại miền bắc Syria, nơi SDF đang xung đột với Quân đội quốc gia Syria (SNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên sử dụng UAV để tấn công các vị trí của SDF, khiến nhóm này luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Trong bối cảnh đó, việc SDF nhầm MQ-9 là một UAV của Thổ Nhĩ Kỳ là điều không tránh khỏi.
Sau vụ việc, hình ảnh xác máy bay bị bắn rơi, hầu như còn nguyên vẹn, nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Để ngăn chặn công nghệ nhạy cảm rơi vào tay kẻ xấu, lực lượng Mỹ đã phá hủy phần còn lại của MQ-9 sau khi thu hồi các bộ phận quan trọng.
Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh, phát biểu ngày 11/12 rằng, Mỹ không quy trách nhiệm trực tiếp cho SDF. Bà Sabrina Singh khẳng định: "Quan hệ đối tác của chúng tôi với SDF không thay đổi khi nói đến việc đảm bảo đánh bại ISIS".
Lịch sử xung đột và bài học rút ra
Vụ việc này không phải là lần đầu tiên xảy ra mâu thuẫn giữa các bên đồng minh trong khu vực. Tháng 10/2023, một máy bay F-16 của Mỹ từng bắn hạ một UAV của Thổ Nhĩ Kỳ khi nó đe dọa lực lượng SDF gần vị trí quân đội Mỹ.
Bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về SDF – lực lượng mà Ankara coi là mục tiêu do liên kết với các nhóm ly khai người Kurd – đã nhiều lần làm gia tăng căng thẳng.
Để tránh tái diễn sự cố tương tự, Bộ tư lệnh Trung tâm Lực lượng Không quân Mỹ (AFCENT) đang rà soát và điều chỉnh quy trình nhằm bảo vệ tài sản liên minh tốt hơn.
Vụ việc cũng làm nổi bật điểm yếu của MQ-9 Reaper, loại UAV tinh vi nhưng dễ bị tổn thương trong không phận tranh chấp. Trước đây, ngay cả các nhóm vũ trang có công nghệ thấp như Houthi ở Yemen cũng từng bắn hạ MQ-9 nhiều lần.
Dù vậy, MQ-9 vẫn là tài sản quan trọng nhờ khả năng bay ở độ cao 15.240 m, duy trì hoạt động suốt 24 giờ, hỗ trợ các nhiệm vụ tình báo, giám sát và tấn công. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản vẫn tích cực mua sắm MQ-9 để tăng cường năng lực quân sự.