Hà Nội

Đồng minh có quan trọng hơn lợi ích?

25-07-2017 18:54 | Quốc tế
google news

SKĐS - EU có thể sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả Mỹ trong trường hợp Washington áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới với Nga. Vì sao EU lại đưa ra quyết định trên khi EU và Mỹ là đồng minh thân thiết? Liệu Nga có phải nhân tố khiến EU phải quay lưng với Mỹ?

Giữa tuần này, các quan chức EU cảnh báo sẵn sàng "hành động đáp trả”, nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU”. Theo đó, những hành động gây sức ép của EU đối với Mỹ có thể bao gồm việc Ủy ban châu Âu yêu cầu Mỹ đưa ra một cam kết chính thức loại trừ các công ty năng lượng của Liên minh châu Âu, sử dụng luật EU để chặn các biện pháp chống lại các thực thể châu Âu hay áp đặt lệnh cấm hoạt động kinh doanh với một số công ty Mỹ. EU cũng có thể áp dụng “cơ chế phong toả”, tức là điều 2271/96 trong Luật định của Hội đồng châu Âu về việc bảo vệ lợi ích của châu Âu để không thực thi các quyết định từ phía Mỹ. Tuy nhiên, nếu các yêu cầu đó không được phía Mỹ nhất trí, các biện pháp trừng phạt như giới hạn tiếp cận các công ty Mỹ với ngân hàng EU lại cần đòi hỏi sự thống nhất từ 28 nước thành viên của khối.

Bước đi mới của EU khiến dư luận ngạc nhiên. Bởi từ trước đến nay, EU vốn là đồng minh thân của của Mỹ. Câu hỏi đặt ra là vì vì sao EU lại tuyên bố sẽ trừng phạt Mỹ. Liệu có phải EU muốn bảo vệ đối tác Nga hay còn có một nguyên nhân nào khác?

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” buộc EU phải cứng rắn với Mỹ.

Câu trả lời là không phải vì Nga. Kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai tại Đông Ukraine,cả EU và Mỹ đều áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào Nga. Cuối tuần qua, trong một bước đi mới nhất, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đạt một sự đồng thuận về một dự luật trừng phạt Nga, trong đó có nội dung phạt tiền các công ty hỗ trợ Moskva xây dựng các đường ống xuất khẩu năng lượng. Việc Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga lần này, được cho là sẽ gây tổn hại đến các lợi ích kinh tế của EU.

Hiện, EU và Nga đang hợp tác xây dựng dự án đường dẫn khí gaz “Dòng chảy phương Bắc 2”. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 9,5 tỷ euro có ý nghĩa chiến lược với cả Nga và EU, trong đó 5 tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu, gồm Engie (Pháp), Shell (Anh-Hà Lan), Uniper và Wintershall (Đức) và OMV (Áo)bỏ ra gần 5 tỷ euro đầu tư. Mặc dù EU đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, nhưng Brussel không “động tới” dự án hợp tác xây dựng đường dẫn khí gaz “Dòng chảy phương Bắc 2”. Lí do là dự án này sụp đổ, hậu quả kinh tế đối với EU sẽ vô cùng nghiêm trọng. Đặc biệt với nước Đức, “Dòng chảy phương Bắc 2” có ý nghĩa sống còn khi nó sẽ cung cấp 55 tỷ mét khối khí hàng năm cho châu Âu vào năm 2019. Vì thế, việc Quốc hội Mỹ sắp thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có việc trừng phạt cả các công ty châu Âu hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng, chắc chắn dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ bị ảnh hưởng. Đây là điều EU không mong muốn và kịch liệt phản đối Mỹ. “Chúng tôi đang kích hoạt tất cả các kênh ngoại giao để giải quyết mối lo ngại này với các đối tác Mỹ”, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nói.

Những gì xảy ra cho thấy EU không muốn mất đi những lợi ích kinh tế to lớn của mình. Vậy thì, EU sẽ tính toán các bước đi tiếp theo ra sao?

Giới phân tích cho rằng, dù đồng thuận trong việc trừng phạt Mỹ, nhưng xem ra EU sẽ khó thực hiện các lệnh trừng phạt trên. Theo nhận định của các quan chức, nhà ngoại giao và chuyên gia, những bước chuẩn bị của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mới do Mỹ đề xuất nhằm vào Nga nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối từ chính trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), vốn đang bị bất đồng về cách thức đối phó với Nga.

Đây là một yêu cầu khó khăn trong bối cảnh EU đang bị chia rẽ vì những lợi ích kinh tế liên quan đến Nga giữa các nước thành viên. Các nước Bắc Âu đặc biệt mong muốn đảm bảo được nguồn khí đốt mà họ đang phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, các nước như Ba Lan hay Ban-tích khó có thể bỏ phiếu ủng hộ biện pháp đáp trả Mỹ, vì vốn họ cũng phản đối dự án năng lượng sẽ làm cho EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker vẫn có thể lách luật bằng cách hành động đơn phương nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới. Tuy nhiên, áp đặt thuế vào hàng hóa Mỹ sẽ cần thu thập các bằng chứng chi tiết- một tiến trình sẽ khiến EU mất rất nhiều thời gian.

Trước đó, giới lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đạt đồng thuận về một dự luật trừng phạt Nga, trong đó có nội dung phạt tiền các công ty hỗ trợ Moskva xây dựng các đường ống xuất khẩu năng lượng.

Cả EU và Mỹ đều áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào các lĩnh vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Nga để đáp trả việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 cũng như sự ủng hộ lực lượng ly khai tại Đông Ukraine. Tuy nhiên, các nước Bắc Âu đang tìm cách bảo vệ nguồn cung cấp khí đốt mà họ đang phụ thuộc vào Nga. Nhiều khả năng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp EU có liên quan tới Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2), dự án trị giá 9,5 tỷ USD nhằm đưa khí đốt Nga đi qua khu vực Baltic (ZBan-tích), trong đó có Tập đoàn dầu khí Wintershall và công ty kinh doanh dầu Uniper của Đức, Tập đoàn Anh-Hà Lan Royal Dutch Shell của Hà Lan, Tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp. Ông Markus Beyrer (Mác-cút Brây-ơ), Giám đốc "Business Europe" - tổ chức vận động hàng lang thương mại chính của EU, đã kêu gọi Washington ngăn chặn các hành động đơn phương có thể tác động tiêu cực chủ yếu đối với EU cũng như người dân và các doanh nghiệp của khối này.

Dự kiến EC sẽ thảo luận các bước đi tiếp theo vào ngày hôm nay (26/7) tới,một ngày sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về dự luật trừng phạt Nga nói trên.


N.Minh
Ý kiến của bạn