Hà Nội

Dòng máu Việt

04-05-2014 21:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Như mọi năm, vào dịp này, những chuyến tàu HQ chở bà con từ trong đất liền ra với các chiến sĩ đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió trên quần đảo Trường Sa trở nên tấp nập.

Như mọi năm, vào dịp này, những chuyến tàu HQ chở bà con từ trong đất liền ra với các chiến sĩ đang đứng nơi đầu sóng ngọn gió trên quần đảo Trường Sa trở nên tấp nập. Đáng chú ý là trong đó có chuyến tàu HQ571 mà “khách” là đồng bào người Việt Nam từ nước ngoài về. PV báo SK&ĐS đã có mặt trên chuyến tàu đầy ý nghĩa này.

Ý nghĩa bởi tuy là lần thứ 3 có đoàn kiều bào đến Trường Sa nhưng lần này có cả những người không hài lòng với chế độ đã về nước và được mời có mặt trên chuyến tàu. Có Việt kiều cố chấp mang tâm trạng “thua cuộc” thề không bao giờ trở về nước nhưng Trường Sa như một sự vẫy gọi, thức dậy tình quê hương đất nước đã khiến họ trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động mời những người có tư tưởng cực đoan cùng ra thăm Trường Sa để cùng cảm nhận, cùng chứng kiến những gì mà quê hương đã làm để bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên biển Đông. Chuyến đi mang ý nghĩa vòng tay hòa giải dân tộc bằng sự minh bạch, công khai, xóa đi những ngăn cách từ những biến cố của lịch sử bởi Tổ quốc Việt Nam chỉ có một, dòng máu Việt Nam chỉ có một. Việt kiều Nguyễn Ngọc Lập từ Mỹ về đứng trên đảo Sơn Ca tận mắt cảm nhận những gì trông thấy bỗng ứa nước mắt: “Tổ quốc là đây rồi! Biển đảo của ta không hề mất và không thể mất!”. Trong đêm giao lưu trên Trường Sa lớn, Việt kiều Davit Nguyễn sống tại quận Cam bên Mỹ thổ lộ: “Tôi vốn chống Cộng quyết liệt nhưng hôm nay, tôi muốn Đảng, Nhà nước cho tôi đứng cùng chiến hào với các chiến sĩ Trường Sa nếu nước ngoài tiến chiếm. Đất nước chỉ có một, biển đảo Việt là của mỗi người Việt. Cảm ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam đã giữ được biển đảo quê hương!”.

Vâng, đất nước chỉ có một! Những trái tim Việt qua các thế hệ, thời kỳ, trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã từng hy sinh vì chủ quyền dân tộc đều được tôn vinh. Máu của những người con đất Việt đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu và Trường Sa, nhà dàn DK1 đã làm những trái tim Việt xích lại gần nhau.

Những kiều bào có mặt trong chuyến đi thăm Trường Sa cùng những người trong nước trên cùng một chuyến tàu đã cùng rơi nước mắt khi thả hoa gần đảo Gạc Ma bị nước ngoài cưỡng chiếm và đóng quân trái phép để tưởng nhớ 64 người con đất Việt đã hy sinh năm 1988. Tiếng vọng của liệt sĩ Trần Văn Phương: “Còn người còn đảo, hãy lấy máu mình tô thắm lá cờ truyền thống” vẫn còn vang đâu đây trong từng trái tim những người có mặt. Tất cả cùng rơi nước mắt khi tưởng niệm những chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh khi nhà dàn DK1 cắm vào thềm lục địa bị bão quật đổ, trước khi hy sinh, các anh còn quấn cờ Tổ quốc vào mình với lời vĩnh biệt: “Chào bờ, tôi đi đây!”. Và tất cả những người có mặt, dù đang ở Việt Nam hay đang cư trú ở đâu trên trái đất này; dù quá khứ là ai, thậm chí ai đó từng có cả hận thù lại ngồi bên nhau, tay trong tay trong lễ cầu siêu cho vong linh những liệt sĩ hy sinh vì biển đảo, cho cả người trong và ngoài nước tử nạn trên biển Đông thiêng liêng và yêu quý của chúng ta.

Vì nghĩa lớn của cả một dân tộc, vì dòng máu Việt chỉ có một, người Việt Nam quang minh chính đại sẵn sàng xóa bỏ mọi hố ngăn cách để đến với nhau, hàn gắn mọi vết thương. Bởi dòng máu ấy có chung di sản cha ông để lại, dòng máu ấy có chung những chiến công oai hùng của ông cha trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Còn có những ai, còn có những điều mặc cảm nào đấy làm thương tổn tinh thần đại đoàn kết dân tộc là dòng máu lạc, là có tội với tổ tiên, với nhân dân và mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình.

Những người con nước Việt cùng trên một chuyến tàu ra mảnh đất đầu sóng ngọn gió do cha ông để lại sẽ cùng con tàu của cả đất nước đi đến bến bờ vinh quang với tất cả niềm tự hào trong hai chữ Việt Nam.

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn