Từ chối nói về những lần tham gia hiến máu ở Nam Phi, song anh đầu bếp của Khách sạn Melia, Jurgen Kauz lại rất hào hứng khi tham gia các đợt hiến máu nhân đạo ở Việt Nam. Hay một anh kế toán tên Lê Văn Hà lại "nổi hứng" giữa đường thấy có điểm lấy máu liền tạt xe vào để hiến máu...
Jurgen Kauz, đầu bếp Khách sạn Melia: Hiến máu là việc nên làm. |
BS. Phạm Thị Lan Hương, làm việc ở Phòng y tế của Khách sạn Melia tiết lộ, ở Nam Phi, Jurgen đã từng... 11 lần tham gia hiến máu. Cách đây 2 năm, anh đầu bếp vui tính của một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội kết duyên cùng một cô gái Việt. Kết quả của mối lương duyên Á - Phi là một cậu con trai kháu khỉnh, đẹp như tranh vẽ. Hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ đã giúp Jurgen phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Anh coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và ngày càng gắn bó thân thiết hơn. Làm việc ở khách sạn, Jurgen được đồng nghiệp quý mến không chỉ vì bản tính vui vẻ, hài hước mà còn bởi sự nhân ái và sự quan tâm, chăm sóc tất cả mọi người. Trong thời gian làm việc ở đây, vào 2 lần gần đây khách sạn tổ chức hiến máu tình nguyện (HMTN), Jurgen tham gia cả 2 lần đó. Anh chia sẻ, đó là một việc tốt, nên tham gia khi mình có đầy đủ điều kiện về sức khỏe. Jurgen quan niệm rằng, đã làm điều thiện thì không nên nghĩ đến việc sau này mình sẽ được đền đáp như thế nào, "miễn là mình cảm thấy vui và việc đó thực sự rất quan trọng, mọi người làm được thì tôi cũng có thể làm được".Còn câu chuyện "giữa đường nổi hứng" của anh nhân viên kế toán Lê Văn Hà lại được anh chàng hóm hỉnh ví với chuyện Lục Vân Tiên "giữa đường thấy chuyện" nhưng lại chẳng có "nạn nhân Kiều Nguyệt Nga" cụ thể nào ở đây cả. Lần đó, trong lúc đang đi có việc cùng với một người bạn qua Gò Đống Đa, nhìn thấy có điểm tổ chức HMTN cho đoàn viên. Đang "sẵn sức khỏe", công việc lại không quá gấp gáp, thế là anh chàng kéo luôn cả người bạn đi cùng vào hiến máu. Hà kể, lần đầu tiên đi hiến máu là ở Khách sạn Melia tổ chức, mặc dù đã được tư vấn nhưng vì là lần đầu tiên nên cũng... run. Bố, mẹ, gia đình ở quê nghe nói Hà đi hiến máu lúc đầu cũng ái ngại vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. "Những lần sau thì bình thường, các cụ ở quê thấy mình đi cho máu mà vẫn béo tốt thế này cũng yên tâm, không còn lo lắng hỏi han gì nữa", Hà hớn hở khoe. Anh chàng cam đoan, nhất định sẽ tiếp tục tham gia HMTN nhiều lần nữa.
"Đến hơn 70% người tình nguyện hiến máu là sinh viên và học sinh" - BS. Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học Truyền máu TW chia sẻ, không biết là nên vui hay nên buồn. Cũng những người sinh viên và học sinh ấy ra đời, trưởng thành, đi làm và rồi... đi đâu mà luôn thiếu vắng trong tỷ lệ 30% ít ỏi còn lại của những người tình nguyện hiến máu? Tuy nhiên, xu hướng ngày càng nhiều lãnh đạo đơn vị, giám đốc doanh nghiệp, nhân viên văn phòng và cả những "người sành điệu" tham gia hiến máu tăng lên là một tín hiệu đáng mừng. BS. Ngô Mạnh Quân nhấn mạnh: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung vào nhóm đối tượng là các cơ quan, đoàn thể để vận động hiến máu. Ngay cả các đơn vị công an, an ninh, quốc phòng cũng sẽ tham gia đóng góp nghĩa cử cao đẹp này nhiều hơn".
Trong những ngày này, máu đang thiếu do lực lượng hiến máu chủ yếu là học sinh, sinh viên đã bước vào kỳ ôn thi, thi và nghỉ hè, người dân đi du lịch... Thời tiết khắc nghiệt của mùa hè cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng khan hiếm máu. Vào tuần cuối tháng 5 vừa qua, thực tế trong kho dự trữ của Viện Huyết học Truyền máu TW, còn khoảng gần 2.000 đơn vị máu. Tuy nhiên vẫn bị coi là thiếu khi sự mất cân bằng về nhóm máu khá lớn, nhóm máu O là nhóm máu được sử dụng nhiều nhưng chênh lệch quá lớn với các nhóm máu khác. Sự mất cân bằng đó cũng được xem là hiện tượng thiếu máu trong điều trị. Trong những ngày đầu tháng 6, lượng máu giảm xuống báo động, hiện tại cả Viện chỉ còn hơn 800 đơn vị máu, việc cung cấp máu điều trị cho các bệnh viện trở nên khó khăn hơn. |
Bài và ảnh: Mai Phương