Động lực từ lòng nhân ái

16-11-2017 21:16 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Những cụ già neo đơn như ngọn đèn trước gió, những đứa trẻ hồn nhiên trong nỗi mơ hồ, run rẩy vì bị bỏ rơi, những người tâm thần u ớ chìm lẫn khái niệm thời gian… là hình ảnh hàng ngày thôi thúc những cán bộ, y sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa (Trung tâm) bền bỉ hàn gắn, xoa dịu, kết nối, sẻ chia để những thân phận yếu thế vơi đi mặc cảm, tự ti, vượt qua nghịch cảnh.

Hồi sinh

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, với bao biến cố đã đi qua cuộc đời mình, ký ức có lúc lẫn lộn nhớ quên nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm với Trung tâm, gương mặt ông Nguyễn Văn Hải lại ừng ực nỗi niềm. Ông hồi khứ lại rằng: Vốn nhà làm nghề chài lưới, cuộc sống thịnh suy phần nhiều phụ thuộc vào thời tiết. Một trận cuồng phong ập đến, căn nhà tạm bị sóng cuốn phăng đi, vợ ông mất tích, hai đứa con bỏ xứ biệt tích đi làm ăn, ông bơ vơ. Không chịu nổi những mất mát, ông lang thang và tính quyên sinh nhưng đúng lúc ấy có một tình nguyện viên đã giới thiệu và đưa ông vào Trung tâm. Gặp gỡ hàng trăm cảnh ngộ khác tương tự như mình, lại được các nhân viên lẫn cán bộ Trung tâm động viên, chăm sóc như người ruột thịt nên tinh thần ông được “sốc” lại, bỏ hẳn ý định quyên sinh. Ở Trung tâm, ông còn được tập dưỡng sinh, đọc sách báo hàng ngày, tinh thần lẫn thể chất lại như khởi sắc trở lại.

Hộ lý Phạm Thị Chính (bên trái) ân cần chăm sóc khiến nhiều cụ già trong Trung tâm xúc động bật khóc.

Hộ lý Phạm Thị Chính (bên trái) ân cần chăm sóc khiến nhiều cụ già trong Trung tâm xúc động bật khóc.

Sau khi gia đình tan nát, con cái biệt xứ, bà Trần Thị Nh cũng quắt queo như tàu lá héo. Với bà, nỗi quạnh quẽ, buồn lạnh đã lấn át hết sự lạc quan trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng rồi, từ khi đến với Trung tâm, được tiếp nhận, nuôi dưỡng, nụ cười hiền hậu đã xuất hiện trên khuôn mặt bà mỗi ngày.

TS. Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm cho biết: Dù bất kể đối tượng nào khi gặp phải những thảm cảnh bị bỏ rơi, bị xua đuổi, không còn nơi nương tựa chúng tôi đều tiếp nhận, ổn định tinh thần và chăm sóc ngay chứ không hề phân biệt, sau đó mới tìm hiểu. Nếu không còn nhà cửa, Trung tâm sẽ làm thủ tục nuôi dưỡng trọn đời.

Cảm nhận được lòng nhân ái từ những nhân viên ở Trung tâm, nhiều bệnh nhân nằm điều trị bệnh nặng ở Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa nhận ra rằng, mỗi ngày sống là một ngày vui. Cách đây vài năm, gia đình khó khăn, ly tán, sống trong cảnh neo đơn, nhiều căn bệnh lại kéo nhau ùa đến nên ông Hùng, bà Nhung…chỉ muốn chết quách cho xong. Nhưng rồi, các nhân viên Trung tâm tận tình chăm sóc, ông Chu Văn Công còn chạy đôn đáo đi mua Bảo hiểm y tế nên khát vọng sống lại trỗi dậy.

Em Nguyễn Văn Trương và hàng loạt trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh khác cũng tìm lại được ước mơ của mình ngay tại Trung tâm này. Các em cho biết: Đã mồ côi, lại bị khuyết tật nặng nữa coi như cuộc đời đã chấm hết. Thế mà khi vào Trung tâm, các em được thương yêu, chăm sóc, được học hành, được thường xuyên ca hát, cuộc sống như được lật sang một trang mới. Vào Trung tâm, các em được sống như mái ấm gia đình. Sự lễ phép, ngoan ngoãn, hồn nhiên luôn được chăm chút, nuôi dưỡng cùng với những khát vọng con chữ, tiếng đọc bài hàng ngày vẫn vang lên trong nỗi nhọc nhằn. Hàng loạt trẻ khuyết tật, có em khuyết tật thân thể, có em khuyết tật trí tuệ nhưng khi được khơi dậy khát vọng học chữ thì các em đều hào hứng. Vậy nên,  phải nỗ lực phấn đấu trang bị những kiến thức cơ bản, những kỹ năng cần thiết cho các em để khi lớn lên bớt những thiệt thòi so với những đứa trẻ lành lặn và đầy đủ cha mẹ.

Ở Trung tâm, các em khuyết tật vẫn được học hành đến nơi đến chốn.

Ở Trung tâm, các em khuyết tật vẫn được học hành đến nơi đến chốn.


Trăn trở tìm cách làm hay

Hầu hết những đối tượng là trẻ em lang thang, trẻ khuyết tật, người tâm thần, người già neo đơn khi đưa về Trung tâm khi sức khỏe suy kiệt. Có người còn nhúm da bọc xương. Trong khi mức chi tiền ăn hàng tháng cho các nhóm đối tượng này đã có khung quy định của Nhà nước (mức cao nhất là 1,3 triệu đồng/tháng). Sau bao đêm trăn trở, ông Chu Văn Công cùng nhiều nhân viên trong Trung tâm quyết định dành những khoảng thời gian ngoài giờ hành chính đi vận động khắp nơi để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn cho các đối tượng, đồng thời lên kế hoạch động viên tăng gia sản xuất, thâm canh các loại rau trên diện tích đất trống ít ỏi trong khuôn viên Trung tâm.

Để tăng thêm niềm vui và lòng tin yêu cuộc sống, tất cả các ngày lễ, Tết hay cuối tuần, Trung tâm đều tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ. Những ca khúc được lựa chọn đều tập trung nói về tinh thần vượt qua những nghịch cảnh, quyết không gục ngã. Ông Công bộc bạch rằng: Tháng nào chưa vận động thêm được nguồn dinh dưỡng cho các đối tượng là thấy trong lòng không yên. Nhiều người bệnh nặng vào Trung tâm mình cũng phải đôn đáo đi mua bảo hiểm y tế cho họ hết, đồng thời cán bộ và nhân viên trong Trung tâm còn đi tìm hiểu cách chữa bệnh dân gian, những cây thuốc Nam quý để về chữa trị cho các đối tượng. Khi sức khỏe tốt rồi thì lại miệt mài đi kết nối các trung tâm vui chơi bên ngoài để đưa các đối tượng đến giao lưu, tạo sự thư thái trong tinh thần. Hầu như năm nào cũng liên tục có những đợt giao lưu như vậy. Trẻ khuyết tật ở Trung tâm khi bước vào năm học mới đều được tiến hành đầy đủ nghi thức khai giảng, trao thưởng, giấy khen cho học sinh khá, giỏi. Những em có năng khiếu sẽ được đưa đi đào tạo lên cao hơn.

Một trong những ý tưởng được ông Công cùng Trung tâm đang quyết liệt triển khai và đã đưa vào hoạt động là phòng dạy nghề đặc biệt với hai nghề chính là dệt chiếu cói và làm các loại bánh. Tham gia những công việc nhẹ nhàng này vừa khiến cuộc sống tươi vui hơn, vừa có thêm thu nhập cải thiện chất lượng sống và còn là cách để gắn kết chặt chẽ các đối tượng trong Trung tâm như một gia đình lớn vậy. Đặc biệt, sau mỗi khóa học nghề, ai cũng tràn ngập cảm xúc được sống vui, khỏe và có ích.

Đưa nghề nhẹ nhàng vào dạy vừa tăng sự gắn kết vừa có thêm thu nhập cho các đối tượng.

Đưa nghề nhẹ nhàng vào dạy vừa tăng sự gắn kết vừa có thêm thu nhập cho các đối tượng.


Tình thương xóa nhọc nhằn

Trung tâm hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ… cho trên dưới 300 đối tượng nhưng lực lượng nhân viên mỏng, phải thay nhau túc trực suốt ngày đêm, ngày Tết cũng vậy. Có những lúc quá cấp bách, Trung tâm phải “cầu cứu” các nhân viên tình nguyện bên ngoài.

Vừa giãi bày với tôi, hai tay hộ lý Phạm Thị Chính vừa thoăn thoắt lau chùi, kỳ cọ nơi ăn ở cho những người già neo đơn bệnh nặng. Chị Chính bảo: Tôi làm ở đây mấy chục năm rồi. Tình thương vô bờ bến dành cho các đối tượng là chính chứ không quan tâm mấy đến công cán đâu. Với sự vất vả thế này mà nghĩ đến vật chất thì làm ở những nơi khác cao hơn rất nhiều. Có những ngày làm việc quần quật sáng sớm đến đêm kia, phải hy sinh cả hạnh phúc riêng đấy. Nhiều người già không thể tự thay quần áo, tắm rửa được, mình phải làm hết. Biết họ thiệt thòi và không có người nhà nên vừa tỉ mẩn làm việc vừa phải ân cần động viên họ. Nếu hàng tháng không có các tình nguyện viên từ khắp nơi về đây giúp thêm thì đuối sức mất. Có lúc cũng thấy hơi nản nhưng may mắn nhìn những người cơ nhỡ vui khỏe nên mình vui theo.

Nhiều người lang thang, không còn người thân đã tìm được niềm vui khi vào Trung tâm.

Nhiều người lang thang, không còn người thân đã tìm được niềm vui khi vào Trung tâm.

Trước mặt chúng tôi, nhiều người già đã bật khóc vì xúc động khi nhắc đến nghĩa tình của những nhân viên chăm sóc nơi đây. Bà Thanh mắc bệnh thoái hóa cột sống bộc bạch: Nhiều lúc ngồi không được, phải nhờ y tá, hộ lý giúp tất cả mọi việc kể cả giữa khuya hay mờ sáng. Nhìn những người không ruột thịt gì mà tận tình chăm sóc, lòng cảm kích lại dâng lên khóe mắt.

Gần 30 năm gắn bó với công tác chăm sóc người bệnh già trong Trung tâm, hộ lý Đậu Thị Bình chia sẻ: Có người bị người thân ruồng rẫy khi vào Trung tâm đã thốt lên, cuộc sống thật bất ngờ và kỳ diệu. Ở Trung tâm, các nhân viên cũng hết sức tâm lý, những đối tượng nào quý mến nhau, Trung tâm liền sắp xếp cho gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện, nỗi niềm cuộc sống.

Có những ngày cao điểm, Trung tâm tiếp nhận vài chục đối tượng lang thang xin ăn do các huyện, thị xã, thành phố thu gom; trong đó có nhiều đối tượng là người già từ nơi khác, không còn người thân. Những ngày cao điểm ấy, tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm phải xuyên đêm sắp xếp, lo ổn định ăn ở cho các đối tượng mà không hề có bất kỳ khoản trợ cấp nào thêm nhưng tình thương với những thân phận thiệt thòi đã giúp họ xóa bớt đi những nhọc nhằn.


Bài và ảnh: Đông Hưng
Ý kiến của bạn
Tags: