Động lực lớn lao từ tình yêu thương

01-09-2018 08:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mới đây, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 70 của nhà văn Trung Trung Đỉnh bằng việc cho ra mắt 7 tác phẩm của nhà văn, trong đó có 2 tác phẩm mới - một việc làm chưa từng có tiền lệ.

Khách đến dự chật ních, căn phòng tràn ngập hoa tươi, nhiều người ôm hôn nhà văn và khóc. Cách đây hơn 3 năm, nhà văn bị suy thận mạn, giải pháp khả thi nhất là ghép thận. Đấy không phải lần đầu ông vượt qua cửa ải bệnh tật...

Trước khi nghỉ hưu, ông là Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nhưng nhiều người biết đến ông khi là một người lính thực thụ trong những năm tháng gian khổ, ác liệt nhất ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1968, chàng trai 19 tuổi Phạm Trung Đỉnh (quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có giấy gọi nhập ngũ. Thấp bé nhẹ cân, anh đã nảy ra “sáng kiến” nhét mấy hòn đá vào túi quần khi cân, lên được suýt soát 42 kí lô lúc đó - đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Rồi trên đường hành quân vào Nam đến Ngã ba Đông Dương thì anh bị muỗi rừng đánh gục. Nhà văn nhớ lại: “Diễn, Ton và Tính - ba thằng cùng tiểu đội khiêng tôi vào một trạm xá của binh trạm dọc Đường 559 và mỗi thằng bỏ lại trong võng cho tôi cái bánh lương khô, quay ra hành quân tiếp. Sau này cả ba bạn lính ấy đều không được biết đến ngày đất nước thống nhất, đã bỏ mình ở ba chiến trường khác nhau...”.

Nhà văn dưới chân tượng Nữ thần Tự Do ở New York, Mỹ.

Nhà văn dưới chân tượng Nữ thần Tự Do ở New York, Mỹ.

Vượt qua trận sốt rét ác tính ở Trường Sơn, tiếp đến, nhà văn tương lai của chúng ta ra trận và bị thương. Ngày đó, Binh nhì Phạm Trung Đỉnh được bổ sung về một đại đội bộ đội địa phương toàn người Ba Na của huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Trận đầu đụng với một trung đội địch ở ấp Cửu An, anh lãnh đủ một quả phóng lựu M79, được khiêng về bệnh xá huyện đóng trong hang đá, người anh chỉ còn là cái xác be bét máu. BS. Thanh - Bệnh xá trưởng mổ cho anh lấy những mảnh đạn từ vết thương mà không có thuốc tê, phải cột bốn tay chân vào cái sạp tre, khi bác sĩ mổ thì chị em ngồi xung quanh động viên. Thế mà cũng qua, vẫn sống. Giờ nhớ lại chuyện ấy, nhà văn bảo: Tuổi trẻ đã dìu tôi qua hoạn nạn! Và nếu tính từ ngày bị thương năm 1969, sau đó, anh còn phải chịu vài trận ốm lên bờ xuống ruộng nữa.

Ở chiến trường, Phạm Trung Đỉnh trở thành nhà văn một cách tình cờ. Một hôm, anh bắt gặp một bọc ni-lông khá to trong bụi rậm, cứ nghĩ đó là một quả mìn chống tăng địch bỏ lại, mở ra thì là cái máy chữ. Những ngày nghỉ, anh hì hụi tập đánh máy và bỗng nảy ra ý định tường thuật lại những trận đánh đã trải qua mà mình là nhân vật chính. Viết xong, lóng ngóng thế nào tên tác giả lại đánh là  Trung Trung Đỉnh. Truyện gửi cho báo Quân giải phóng Khu 5. Lúc đó, các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc đang ở tòa soạn, đọc thấy truyện đầy chất lính thô ráp, hồn nhiên thì rất vui mừng, cho đăng báo liền. Tác giả Trung Trung Đỉnh xuất hiện từ khi đó. Thêm những truyện ngắn và ký sự khác của nhà văn lính mới Trung Trung Đỉnh được đăng trên báo Quân giải phóng và về sau là các báo Văn nghệ; Văn nghệ quân đội. Nhà văn được gọi về Trại viết Quân khu 5. Thời nhập ngũ đang học dở lớp 9, sau ngày đất nước thống nhất, anh được cử đi học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 1. Rồi tiếp đến, những năm tháng trở thành cây bút chuyên nghiệp, ở giai đoạn sung sức nhất, nhà văn thăng hoa cho ra đời những tác phẩm viết về chiến tranh và thời hậu chiến được đông đảo bạn đọc đón nhận. Có thể kể tên: Thung lũng Đá Hoa (1979); Người trong cuộc (1980); Những người không chịu thiệt thòi (1982); Tiễn biệt những ngày buồn (1990), Chuyện tình ngõ lỗ thủng (1990), Lạc rừng (1998), Sống khó hơn là chết (2008); Lính trận...

Nhà văn Trung Trung Đỉnh viết khỏe, trở thành một trong những người viết hay nhất về Tây Nguyên. Ông còn có chuyến xuất ngoại sang Mỹ, trở về viết những thiên ký sự rất sinh động. Nhưng bệnh tật âm thầm đeo bám từng ngày mà ông không hay. Đến năm 2010, thấy người mệt mỏi, sút cân, ông đi bệnh viện khám, bác sĩ kết luận bị suy thận mạn độ 2. Một hôm, ông ngồi trò truyện với người anh, người thầy thân thiết từ hồi còn ở chiến trường là nhà văn Nguyên Ngọc. Biết Trung Trung Đỉnh bị suy thận mãn, nhà văn đã giới thiệu đến gặp GS. Phan Thị Phi Phi - một nhà khoa học nổi tiếng từ hồi còn ở rừng thời đánh Mỹ. GS. Phi Phi lập tức gửi gắm nhà văn lính Trung Trung Đỉnh cho con gái bà là PGS.TS. Hà Phan Hải An - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Không thể kéo dài việc bảo tồn quả thận đã teo tóp được nữa, phải chạy thận nhân tạo, tuần 1 lần 4 giờ. Ban đầu, ông bảo vợ con giấu không cho ai biết tình trạng bệnh của mình, sợ làm phiền người thân, bạn bè. Nhưng rồi cái tin dữ loang nhanh: phải ghép thận mới cứu được nhà văn Trung Trung Đỉnh! Người thân ở quê Vĩnh Bảo kéo lên rầm rầm, bạn đồng nghiệp tìm đến, còn người ở xa thì có tin nhắn liên tiếp: Tao cho mày thận, vô đây. Cô con gái lớn đang học bên Ý điện về, con sẽ hiến thận cho bố. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín ở Nam Bộ - người đặc biệt có những 3 quả thận bảo: Đây là dịp em biếu bác một quả. Nhà giáo Chử Anh Đào từ Gia Lai thì kiên quyết: Em tặng ông anh, em nhậu sáu chục năm nay, thận em còn khỏe lắm! Từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo điện ra: Chú vô Huế ngay, anh lo hết cho. Một cô em phía nhà vợ bảo: Bác vào đây đi, em quen GS. Phú nổi tiếng ghép tạng... Thế rồi có cô cháu gọi nhà văn là bác đến thăm khi ông đã chạy thận nhân tạo được 5 tháng, cháu bảo: Bác ơi, đêm qua con nằm mơ thấy bác Ổn. Bác ấy khuyên con nên tặng bác một quả, bác sĩ bảo người ta một quả thận vẫn sống tốt mà. Bác Ổn là anh ruột nhà văn, đã hy sinh ở chiến trường năm 1969. Ban đầu nhà văn không đồng ý sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của cô cháu ân tình. Nó lại nằn nì: Bác nhận lời là con biếu bác ngay. Thấy cháu quá nhiệt tình, nhà văn cũng xiêu lòng, điện thoại về quê hỏi bà em là mẹ của cháu gái thì nhận được câu trả lời: Chuyện ấy tùy bác cháu anh thôi, lúc nào vợ chồng em cũng chỉ biết cầu chúc anh khỏe mạnh. Nhà văn “hoãn binh”: Để thư thư bác tính cái đã. Cô cháu lại bảo: Con đã tranh thủ hỏi bác sĩ ở bệnh viện, họ nói tốt, cùng dòng máu càng tốt, bác không phải lo gì hết. Từ xưa đến giờ may mà con không đau ốm gì, hiến thận cho bác là hợp lý. Nhà văn hỏi ý kiến PGS. An, lập tức nhà chuyên môn hẹn gặp cô cháu để hỏi han cụ thể rồi lên lịch làm các xét nghiệm cho cả hai bác cháu. Bác sĩ còn bảo, bác cao tuổi rồi, không nên chần chừ nữa.

Trước ngày Noel năm 2015, hai bác cháu cùng vào phòng mổ. Khi nằm lên cáng, nhà văn ngoái sang cô cháu bảo: Bình tĩnh cháu nhé. Nó trả lời: Vâng, con bình tĩnh mà. Nhà văn không khỏi mủi lòng thương con bé, gọi là “bé” nhưng nó đã 41 tuổi, hai mặt con rồi. Đến khi vào phòng mổ, ông còn mắc bệnh nghề nghiệp là quan sát các chi tiết: bác sĩ ở đây đều rất trẻ, gương mặt ai cũng sáng láng dễ thương. Một cậu bác sĩ hỏi vui: Bác thấy chỗ chúng cháu làm việc thế nào? - Hết ý (ông trả lời câu cuối trước khi bị ngấm thuốc mê) - Cảm ơn nhiều!

Sau 13 giờ đồng hồ trong phòng mổ, người cho và nhận thận đều được đưa vào phòng hậu phẫu. Khi nhà văn tỉnh dậy, thấy GS. Quyết - Giám đốc bệnh viện đến hỏi thăm, ông còn bảo: Nghề của anh cũng giống như nghề của tôi, đều là chăm sóc và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Nhà văn lúc ấy chợt lấy cái điện thoại di động trong túi nhắn tin cho người thân và đồng đội: Ca đại phẫu đã thành công! Có tin nhắn hỏi lại ngay: Siêu không? Trả lời: Siêu chứ!

Đã hơn 3 năm nay, nhà văn Trung Trung Đỉnh sau lần ghép thận người khỏe hẳn ra. Ông luôn tuân thủ các quy định ngặt nghèo của thầy thuốc về uống thuốc hàng ngày và khám định kỳ. Ông vẫn không chịu bỏ bút. Cuốn Nhà văn thì phải biết đùa do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành lần này là cuốn mới nhất của ông sau đại phẫu, trong đó ông ghi lại nhiều chân dung bạn bè, đồng nghiệp bằng một giọng văn hóm hỉnh, đầy tình thương mến. Và chính tình yêu thương của người thân, đồng đội đã tiếp cho ông thêm nhiều nghị lực và tinh thần lạc quan để vượt qua những tháng ngày nghiệt ngã trên giường bệnh để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho cuộc đời này...


Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn