TS. Huy đang hỏi bệnh cho một bệnh nhân nội trú. |
Ít lâu sau, tòa đã xử ly hôn. Nhưng điều mà các thầy thuốc tâm thần chúng tôi cảm thấy buồn là bệnh nhân tâm thần đã được điều trị, được công nhận như người bình thường, họ có quyền và nghĩa vụ như mọi người. Vậy mà khi có mâu thuẫn vợ chồng, người bệnh lại viện lý do bệnh tật đã từng mắc của mình ra như vậy là quá hèn nhát. Không phải bệnh tâm thần nào cũng được miễn trách nhiệm hình sự, nhiều khi người bệnh cứ lạm dụng điều này. Người chồng đường đường là người có bằng thạc sĩ ngành dược mà lại cố tình giả vờ không biết điều đó. Trường hợp này, những người thầy thuốc tâm thần chúng tôi không bao che, vì có không xử ly hôn thì họ cũng sẽ sống như trong địa ngục khi người vợ đã quyết tâm ly hôn.
Bên cạnh những kỷ niệm buồn, chúng tôi cũng có những kỷ niệm vui, dù kỷ niệm vui thường ít hơn. Đó là trường hợp một lãnh đạo cao cấp ở Bộ Công an bị bệnh hoảng sợ, cơn hoảng sợ kịch phát đột ngột xuất hiện, ông đánh trống ngực dữ dội, mồ hôi toát ra đầm đìa, thở gấp gáp, hổn hà hổn hển như có ai bóp cổ mình. Sau một năm được đề bạt thì ông bị bệnh. Ông vừa được tiêu chuẩn của Nhà nước, vừa bỏ tiền của mình ra để chạy chữa nhiều nơi. Ông sang cả Thái Lan, Hồng Kông để điều trị nhưng không có kết quả. Lý do là ông toàn đến khoa tim mạch, thần kinh..., ông tưởng mình bị nhồi máu cơ tim, bị bệnh có liên quan đến thần kinh... Bệnh nhân cũng đến Bệnh viện 108 nhiều lần để điều trị nhưng không có kết quả. Có lần, một ông bác sĩ ở Bệnh viện 108 buột miệng nói bệnh của ông chỉ có bác sĩ Huy chữa khỏi. Bệnh nhân liền hỏi bác sĩ Huy là ai và xin số điện thoại, rồi hẹn 9 giờ sáng đến gặp tôi.
Đúng 9 giờ sáng, ông xuất hiện, tạo được cảm tình đầu tiên ở tôi. Ông kể đã đi chữa bệnh ở đông y Trung Quốc, họ bảo yên tâm châm cứu 1 tuần là ngủ ngon, hết đánh trống ngực... Sau 1 tuần, rồi 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, bệnh nhân rất kiên trì chữa bệnh nhưng chẳng tìm ra bệnh. Khi vào đây, tôi sờ tay ông thấy ẩm ướt. Tôi hỏi ông có hay bị cơn nóng bừng hoặc lạnh buốt người không? Ông trả lời: “Có, có”. “Anh có hoảng hốt, sợ hãi không?”, tôi hỏi tiếp. Ông trả lời: “Thường xuyên bị”. “Trong cơn sợ anh có thấy sợ lắm không, sợ như người sắp chết đến nơi rồi không?”, ông trả lời có. Tôi giải thích cho bệnh nhân yên tâm, bệnh không ghê gớm và có thể chữa được. Tôi kê cho ông uống ngay 2 loại thuốc và đề nghị ông đi làm xét nghiệm. Sau 2 giờ đi làm các xét nghiệm, bệnh nhân quay trở lại, tay chân khô ráo, mạch hết nhanh, hết sợ hãi, hết run. Bệnh nhân rất phấn khởi vì ngày đầu tiên đã có ấn tượng tốt như vậy. 3 tháng sau, bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh nhân đi làm bình thường. Sau này, bệnh nhân kể lại rất mừng, trước khi chữa bệnh, mỗi ngày đến cơ quan chỉ ngồi thở, không muốn làm gì và không làm được gì cả, cảm thấy mình như người vô tích sự. Ông cũng không dám từ chức phần vì cơ chế, phần vì tiếc. Vì vậy, sau khi chữa khỏi bệnh, ông vô cùng phấn khởi, lao vào công việc. Ông làm được 1 năm thì đến tuổi nghỉ hưu.
Niềm vui của người bệnh chữa khỏi được bệnh là hạnh phúc vô bờ bến của người thầy thuốc chúng tôi. Đó cũng chính là động lực mạnh mẽ giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách của nghề để cứu chữa cho người bệnh.
Mai Hương
(Ghi theo lời kể của TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần _ Bệnh viện 103)