Phóng viên: Thưa PGS. hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới và tại Việt Nam, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tâm thần của người dân nước ta, PGS. có thể nói rõ hơn về những ảnh hưởng này?
PGS.TS. Bùi Quang Huy.
PGS.TS.Bùi Quang Huy: Có ba cách COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người dân, đó là:
Thứ nhất là gây lo sợ bệnh nặng, tử vong hoặc tàn phế: Điều này xảy ra ở những bệnh nhân đã được xác định là nhiễm COVID-19. Các bệnh nhân này thường được điều trị và cách ly trong bệnh viện. Họ có thể có phản ứng stress cấp và lo lắng quá mức về tình trạng bệnh, khả năng điều trị của bệnh viện và lo lắng vì bị cách ly với người thân.
Thứ hai là lo sợ bị lây bệnh: Đây là điều ảnh hưởng đến nhiều người hoặc rất nhiều người nếu dịch bệnh lan rộng. Đó là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19 (có khi chỉ là vô tình), những người là F2, F3 hoặc chỉ đơn giản là hàng xóm của người bệnh, sống gần nơi có bệnh nhân. Tình trạng lo lắng xảy ra với rất nhiều người, với nhiều nội dung đa dạng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Tình trạng lo lắng này sẽ tăng lên khi có thông tin dịch bệnh diễn biến xấu.
Thứ ba là lo sợ ảnh hưởng đến công việc, mất thu nhập: Đây là mối lo lớn nhất vì nó ảnh hưởng đến toàn xã hội chứ không chỉ một gia đình, một địa phương. Chúng ta chưa tiêm được hết vắc-xin phòng COVID-19 cho toàn dân nên phải truy dấu người có khả năng mang mầm bệnh, cách ly người nghi ngờ, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu như bán hàng ăn, rạp chiếu phim, phòng hát karaoke, vũ trường, thi đấu thể thao, trường học... Điều này ảnh hưởng đến hàng triệu người. Những người có thu nhập bị ảnh hưởng trầm trọng sẽ dẫn đến hoang mang không biết sống bằng gì, chuyển sang làm nghề gì để có thu nhập. Không chỉ cuộc sống của họ bị ảnh hưởng mà cả những người phụ thuộc vào họ như bố mẹ già, trẻ em...
Phóng viên: Vậy những hậu quả mà COVID-19 tác động tới sức khỏe tâm thần là gì, thưa PGS?
PGS.TS.Bùi Quang Huy: Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ bệnh nhân lo âu, trầm cảm và số người tự sát tăng lên rõ rệt trong đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có bệnh cơ thể cũng không thể đi khám và chữa bệnh dễ dàng như trước khi có đại dịch COVID-19. Điều này cũng sẽ làm cho mô hình bệnh tật nói chung, các bệnh tâm thần nói riêng tăng lên.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam không quá trầm trọng nếu so với các quốc gia xung quanh do chúng ta có những thành công to lớn trong phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe tâm thần của người dân Việt Nam cũng ít hơn.
Phóng viên: Thưa PGS. có cách nào để ứng phó với những lo lắng và ngăn ngừa các hậu quả của đại dịch COVID-19?
Thực hiện tốt 5K để ngăn ngừa dịch COVID-19.
PGS.TS.Bùi Quang Huy: Cần tuyên truyền cho bệnh nhân và người dân biết rằng các bệnh viện và đội ngũ nhân viên y tế của chúng ta rất giàu kinh nghiệm, chúng ta có đủ phương tiện điều trị các ca bệnh COVID-19 dù rất nặng. Hãy xem bệnh nhân phi công người Anh là một ví dụ minh chứng cho thành công của y tế Việt Nam. Vì vậy, các bệnh nhân nhiễm COVID-19 hãy yên tâm, tin tưởng rằng bệnh của mình sẽ được điều trị và chăm sóc tốt nhất.
Những người bị cách ly để đề phòng lây nhiễm COVID-19 cần tuân thủ nghiêm túc các qui định của Bộ Y tế. Các tình nguyện viên có thể hỗ trợ họ tập các biện pháp thư giãn (như tập thở sâu, chậm) để kiểm soát lo âu. Những trường hợp cố tình vi phạm gây hậu quả lây lan bệnh cần phải bị truy tố trước pháp luật.
Cần thông tin đầy đủ về tình hình dịch ở các địa phương, khu vực bị cách ly, thời gian dự kiến cách ly để người dân nắm được, tránh gây hoang mang. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể vượt qua được đại dịch bằng cách cung cấp lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân nơi cách ly.
Chống dịch COVID-19 là một nhiệm vụ rất khó khăn và lâu dài, nên chúng ta sẽ buộc phải thích nghi với cuộc sống trong điều kiện mới. Nếu mọi người đồng lòng thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch của nhà nước, của từng địa phương cụ thể thì chúng sẽ không sợ COVID-19.
Phóng viên: Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!
Xem thêm: Lo âu, sợ hãi - Dùng thuốc gì?
Rối loạn lo âu - Vấn đề thường gặp trong thi cử