Đồng Lộc: Trời xanh, mây trắng...

21-07-2013 15:00 | Thời sự
google news

Tôi về dự trại viết gần Ngã ba Ðồng Lộc. Trở lại Ðồng Lộc bây giờ đã khác hẳn. Bạt ngàn thông xanh. Một màu xanh đắm đuối, màu xanh lấp lánh ánh bạc của nắng vàng như được hắt từ phản quang của ký ức, một hệ thống khu di tích đã được xây dựng khá hoàn chỉnh và trang nghiêm.

Tôi về dự trại viết gần Ngã ba Ðồng Lộc. Trở lại Ðồng Lộc bây giờ đã khác hẳn. Bạt ngàn thông xanh. Một màu xanh đắm đuối, màu xanh lấp lánh ánh bạc của nắng vàng như được hắt từ phản quang của ký ức, một hệ thống khu di tích đã được xây dựng khá hoàn chỉnh và trang nghiêm.

Đó là tượng đài chiến thắng nằm dưới khuôn viên khu di tích. Là nhà bia tưởng niệm khắc tên 1950 anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong (TNXP) toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Là khu mộ mười nữ liệt sĩ đã ba lần dời mộ. Lần đầu, các cô được mai táng tại nơi các cô đóng quân (đồi Bãi Dĩa, xóm Mai Long, xã Xuân Lộc) cách đồi Trọ Voi khoảng 2km. Năm 1976, phần mộ các cô được di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc. Năm 1990, sau khi khu di tích được đầu tư xây dựng, phần mộ các cô được đưa về đúng nơi các cô đã hy sinh. Khu di tích còn có nhà truyền thống TNXP toàn quốc. Gian chính có nhóm tượng Bác Hồ với bộ đội TNXP, có 100 hiện vật gốc, 12 ảnh gốc, 145 hiện vật được phục chế gồm: xe bò, xe cút kít, ống nhòm, sắc cốt,... Cạnh đó là phòng truyền thống Ngã ba Đồng Lộc có hệ thống sa bàn lập trình bằng điện tử tái hiện chiến trường Đồng Lộc. Ở đây có nhiều hiện vật quý như: Bức thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ, dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh Vương Đình Nhỏ, bát ăn cơm của các cô,... Có một điều lạ là đầu buổi sáng, tôi đến phòng truyền thống, cả khu nhà còn rất vắng vẻ. Bước qua cửa, tôi gặp ngay tấm ảnh phá bom của anh hùng Vương Đình Nhỏ nhìn tôi thật ám ảnh. Lát sau, tôi thấy một cô gái nhỏ nhắn, mặc áo đồng phục hướng dẫn viên bảo tàng vào lau mặt kính từng tấm ảnh. Khi cô lau tấm ảnh của anh Vương Đình Nhỏ thì bất chợt như có ai mách bảo tôi đưa máy lên chụp liền hai kiểu ảnh phía sau lưng cô mà cô không hay biết. Lát sau ra hành lang nói chuyện, tôi mới biết đó chính là Vương Thị Thương - con gái út của anh Vương Đình Nhỏ. Một sự trùng hợp kỳ lạ. Thương kể: "Lần đi tìm hài cốt của cha ở Quảng Trị, do mệt quá nên chiếc ba lô đựng hài cốt của cha Thương cùng mấy người (do bị bom nổ bất ngờ nên phải chôn chung một mộ) để ngay dưới sàn nhà. Đêm đó, Thương lên cơn sốt nặng, trong mơ thấy cha về trách: Sao lại để dưới đất hả con! Thương liền gọi di động về cho mẹ đang ở ngoài quê Đồng Lộc thắp hương trên bàn thờ cha khấn mãi. Lát sau, Thương tỉnh dần và khỏe hẳn để theo kịp đoàn đưa hài cốt về quê". Trong ký ức của Thương, bố Nhỏ đúng là người nhỏ thật, da đen và rất hiền, có đôi tay thật tài hoa, không những giỏi phá bom (bom loại gì cũng phá được) mà còn phá bom không ảnh hưởng đến đường, lại có thuốc nổ cho công binh nổ mìn san đường nữa. Tội thật, bố của Thương không chết vì bom đạn trong chiến tranh mà lại chết vì mở một quả bom sau chiến tranh do cuộc sống đời thường khó khăn để lấy tiền cho con ăn học và chữa bệnh cho bố. Sau bao thăng trầm, bố của Thương đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng ngày 23/5/2005. Tấm ảnh "Cha và con" tôi chụp bất ngờ đó được bạn bè giới nhiếp ảnh khen là bắt được khoảnh khắc hiếm có.
Đồng Lộc: Trời xanh, mây trắng... 1
 Cụm tượng đài và tháp chuông Đồng Lộc.

Nhà văn Đức Ban cùng dự trại viết đã kể cho tôi nghe những chuyện rất cảm động về cuộc đời của mười cô gái Đồng Lộc. Cuộc tình của chị Võ Thị Tần và anh Nguyễn Đình Hồng thật giản dị như một câu chuyện cổ tích. Anh Hồng vào bộ đội, họ chia tay nhau bên ngọn đèn dầu trong gian bếp nhà Tần. Chị nói: "Anh đi khi mô hoàn thành nhiệm vụ thì ta mần lễ cưới". Anh Hồng lặng đi: "Chịu khó đợi Tần nhé, nhất định anh sẽ về", chị Tần tiễn anh Hồng ra sân và dúi vào tay anh một hộp giấy màu đỏ xinh xắn như cái hộp diêm. Trong hộp là tấm ảnh chân dung của Tần và một lọn tóc mềm đen nhánh. Từ đó, tấm ảnh và lọn tóc thề thủy chung của Tần theo anh từ mặt trận B5 vào Tây Nguyên, ra Cồn Cỏ. Bây giờ, lọn tóc đã thành kỷ vật thiêng liêng trong bảo tàng. Lọn tóc vẫn đen với thời gian, trẻ mãi với thời gian không bao giờ bạc trắng. Võ Thị Hà, cô gái trẻ nhất có lần nói với Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc: "Em nhớ mẹ quá - mai kia thằng Mỹ bị diệt, việc đầu tiên chị biết em làm chi không? Là em chạy về cùng mẹ và rủ mấy thằng em ào xuống sông La, cào hến, sướng...". "Cho chị về cùng" - Cúc nói và hai chị em cùng cười. Bây giờ thì cả hai chị em đã về cùng bến sông bên kia thế giới. Dòng sông thẳm sâu linh thiêng hồn người. Chắc họ được siêu thoát thanh thản, tắm gội bồ kết trên dòng sông tâm tưởng của mình - Một dòng sông trong suốt không có bên bồi, bên lở. Ở đó, mọi người chắc sẽ được bình đẳng như nhau, được sống trong một thế giới người hiền không có chiến tranh, không có thù hận. Nhà văn quê Can Lộc cùng xã với chị Nguyễn Thị Xuân cho tôi một chi tiết đến giật mình, đó là: Bữa Hà Thị Xanh rủ Võ Thị Hà về thăm nhà mình. Hai người ra sông tắm giặt rồi về giã gạo thổi cơm. Mẹ Xanh nhất định thịt cho bằng được con gà. Mẹ bảo: “Bom đạn như ri mấy khi bây về được". Hà vừa cười vừa nói: "Chúng con ăn với mẹ bữa cơm cuối cùng...". Mẹ Xanh chửi mấy đứa dại mồm. Điều lo lắng của bà thật linh nghiệm. Mười ngày sau, họ đã trở thành những người anh hùng bất tử.

Tôi có một người bạn thơ khá thân thiết, đó là Yến Thanh viết bài thơ "Cúc ơi" trong đầm đìa nước mắt. Hôm đó, anh ngồi trong vườn có đặt cái hòm không vì chưa tìm thấy Hồ Thị Cúc. Bài thơ như một lời gọi hồn liệt sĩ và kỳ lạ thay (trưa hôm sau, ngày 26/7) đồng đội đã tìm thấy Cúc đang ngồi ở một hầm tròn cách xa nơi 9 cô ẩn nấp vài chục mét, đầu Cúc nón bẹp dí, vai Cúc tựa vào cuốc, thi thể còn nguyên vẹn, bầm tím, mười ngón tay đầy máu khô, có lẽ Cúc đã cào bới nhưng vô vọng. Mọi người đoán Cúc vốn là người rất chu đáo, hay chăm lo cho mọi người, ở cương vị Tiểu đội phó, chị chờ cho 9 người xuống hầm trú ẩn còn mình thì không kịp, chị chạy vào ngách hầm tròn khoét ở vách núi và bị đất vùi lấp. Yến Thanh kể: Lần nào về Đồng Lộc thắp hương đến mộ Hồ Thị Cúc thì mấy cây hương bỗng cháy bùng lên. Có một sự giao cảm bí ẩn nào đó giữa người sống và người chết. Bài thơ vẫn còn sống mãi như một tượng đài bắt đầu từ tiếng gọi hồn tha thiết: "Cúc ơi". Và trên mộ các chị, ngày ngày những đóa hoa cúc vẫn nở tươi, vẫn đau đáu nhìn mọi người với một niềm tin bất diệt, các chị vẫn sống mãi với tuổi hai mươi của mình.

Đồng Lộc: Trời xanh, mây trắng... 2
 Hướng dẫn viên Vương Thị Thương và di ảnh cha.

Ở Bảo tàng Đồng Lộc có một người con gái mà mọi người trìu mến gọi thân thương "Cô gái thứ mười một", chị là Đặng Thị Yến - Phó ban Quản lí Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Hơn ba mươi năm chị lặng lẽ đi góp nhặt những lọn tóc, lược cài, những bức thư, những tấm áo dính bụi thời gian của mười cô gái và đồng đội để lại trước lúc hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Chị nói: "Kỷ vật của người đã mất là cả gia tài của tôi". Có những thời gian, gia đình gặp nhiều khó khăn khi chị phải chia tay chồng bởi anh không thông cảm, ủng hộ cho công việc của chị khi chị phải vắng nhà thường xuyên để đi sưu tầm kỷ vật. Chị và ba đứa con nhỏ về ở tạm trong căn nhà chật hẹp, đến nay các con chị đều đã trưởng thành, có công việc đàng hoàng ở Hà Nội. Điều kỳ lạ là khi xin việc cho con, hình như ai cũng sẵn lòng giúp đỡ, có lần chị chỉ gọi qua điện thoại cũng xong! Có lẽ linh hồn các cô phù hộ cho chị. Hơn ba mươi năm gắn bó với ngã ba huyền thoại, chị thuộc từng ngọn cây ngọn cỏ, nâng niu chăm sóc từng hiện vật. Có lần chị đã bật khóc khi nhìn thấy chiếc áo đầy mảnh vá của Hồ Thị Cúc. Vượt hơn trăm cây số, thuyết phục mãi, người nhà đã đồng ý để chị đưa chiếc áo o Cúc về trưng bày ở bảo tàng. Chị rơm rớm: "Dường như chiếc áo của chị Cúc cũng như cuộc đời của chị ấy, chiếc áo vàng ố nhăn nheo rất nhiều mảnh vá. Tuổi thơ của Cúc là chuỗi ngày của nước mắt...". Buổi sáng, tôi từ trại viết ra Ngã ba Đồng Lộc thì bất ngờ gặp chị Yến đang lúi húi sửa lại từng chiếc lược, tấm gương tròn trên mộ các cô. Chị nói: “Tôi đã định đi Hà Nội nhưng cứ nấn ná mãi, không ngờ lại gặp anh”. Thật ra, nếu tôi đi muộn một chút là không gặp chị và không được nghe chị kể những câu chuyện xúc động chưa một lần được công bố. Trước lúc đi đâu xa, chị Yến cũng dành thời gian để ra "rửa mặt" cho các cô vào buổi sáng. Đó là một việc làm khá quen thuộc như lấy nước ngâm bồ kết, gội đầu cho các cô. Chị kể: “Có lần chị ôm mười tấm ảnh các cô lồng trong khung kính ngồi sau chiếc xe Min-khơ của một người bạn đồng nghiệp đi về ngã ba. Không may anh lái xe máy cho chị xuống dốc tránh chiếc xe công nông, va đập vào mô đất ven đường làm lật xe và tung người ra. Chị có cảm giác mình bị nhấc bổng lên và được thả xuống vệ cỏ ven đường. Lạ thay, cả mười tấm ảnh nguyên vẹn không bị vỡ kính và chị cũng không xây xát chút nào”. Chị kể cho tôi nghe về những bông hoa súng trồng cách đây mấy năm trên mặt nước trong cái hố bom mà các cô gái đã hy sinh. Bao giờ đến mùa nở hoa cũng rực rỡ mười bông. Nhất là ngày cúng giỗ các cô đều làm vào trưa 24/7, nếu chuyển sang buổi chiều hay ngày khác là các cô báo mộng không vừa lòng. "Tuổi của họ còn rất trẻ mà, cứ ríu rít bên nhau và vẫn hay hờn dỗi, phụng phịu thật hồn nhiên anh ạ". Tuy đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng mọi người ở đây ai cũng muốn chị Yến ở lại. Vắng chị như vắng hẳn cả một trầm tích quá khứ mà chị là chứng nhân, sưu tập. Người phụ nữ nhỏ bé mảnh mai ấy cứ thấp thoáng xuất hiện mà tôi ngỡ như đang gặp một trong mười cô gái đã nằm lại nơi đây.

Bạt ngàn rừng thông xanh ở đồi Đồng Lộc, tôi lại nhớ đến mười cây bạch đàn duy nhất sót lại sau chiến tranh. Bây giờ, một tháp chuông bảy tầng đã được dựng lên thật kỳ vĩ và thiêng liêng. Tiếng chuông Đồng Lộc ngân vọng, âm thanh ấy ôm choàng cả khu di tích, cả tượng đài thanh niên xung phong toàn quốc, cả những liệt sĩ pháo phòng không của Trung đoàn 210... Tiếng chuông không dành riêng cho một riêng ai. Bởi "bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Phú

Hà Tĩnh, tháng 6 năm 2013


Ý kiến của bạn