Người dân nhiều địa phương đã nhận được tiền hỗ trợ
Mặc dù trong những ngày nghỉ lễ, nhưng tại nhiều địa phương đã đồng loạt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ với các nhóm đối tượng gồm: Người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1757/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19... Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, bước đầu thành phố xác định có khoảng 1.447.000 người sẽ được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Chi trả tiền hỗ trợ cho người dân tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội.
Tại quận Ba Đình, đồng loạt các phường trên địa bàn như: Kim Mã, Quán Thánh, Giảng Võ, Cống Vị... đều thực hiện chi trả hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Huyện Ba Vì cũng đã thực hiện chi trả, hỗ trợ cho người dân địa phương, đây là nơi dẫn đầu thành phố về số tiền hỗ trợ, dự kiến khoảng 37 tỷ đồng do địa phương này còn có nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Tại huyện Ba Vì, đợt này địa phương chi trả, hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng cho khoảng 32.000 đối tượng. Nhìn chung, người dân địa phương rất phấn khởi khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ.
Tại TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, các quận, huyện đã triển khai chi hỗ trợ cho 3 nhóm theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, bao gồm các nhóm: đối tượng chính sách, người có công 35.699 người, với khoảng 53,5 tỉ đồng; bảo trợ xã hội 128.900 người, với hơn 193 tỉ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo 32.527 hộ với 95,8 tỉ đồng. Việc chi hỗ trợ ngay từ giữa tháng 4 và đã cơ bản hoàn tất trong ngày 30/4.
Tại Lào Cai, đã khẩn trương thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho 2.986 người có công, thân nhân người có công và gần 13.000 đối tượng hưởng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thời gian hỗ trợ là 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020) và chi trả một lần. Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng đối với người có công, thân nhân người có công thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng kinh phí là hơn 22 tỷ đồng.
Tại Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã chi hơn 149 tỷ đồng tạm ứng từ nguồn ngân sách tỉnh về các địa phương để hỗ trợ gần 135.000 đối tượng. Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với thời gian 3 tháng (tháng 4, 5 và 6) theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Mỗi đối tượng có công và bảo trợ xã hội được nhận 1.500.000 đồng cho 3 tháng. Mức hỗ trợ cho mỗi thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 250.000 đồng/tháng.
Giải ngân vay vốn trả lương người lao động thực hiện đến hết ngày 31/7/2020
Theo Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các Bộ: LĐ-TB&XH, Tài chính, KH&ĐT, BHXH Việt Nam hướng dẫn và cho Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) vay tái cấp vốn khoảng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động. Theo đó, Tổng Giám đốc NHCSXH ban hành Văn bản số 2129/HD-NHCS hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Trong đó, điều kiện để phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn: Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020; Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc; Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Để được vay, chậm nhất ngày 5 hàng tháng, người sử dụng lao động có nhu cầu gửi Hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân).
Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, tổng hợp danh sách, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh sách gửi chi nhánh NHCSXH cùng cấp và người sử dụng lao động trong danh sách. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Sau khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, khách hàng lập hồ sơ vay vốn gửi đến NHCSXH.
Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ vay vốn, NHCSXH nơi cho vay phê duyệt cho vay. Trường hợp không đủ điều kiện cho vay, NHCSXH nơi cho vay thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối gửi khách hàng.
Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.