Đồng Hỷ, Thái Nguyên: Nỗ lực tiếp cận truyền thông về dân số ở vùng đồng bào DTTS

23-11-2023 07:20 | Giới tính

SKĐS - Trong thời gian qua, ngành y tế huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan ban ngành triển khai hiệu quả những chính sách, chương trình công tác dân số, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Gian nan công tác dân số ở huyện miền núi Đồng Hỷ

Đồng Hỷ là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu... Tổng dân số của huyện Đồng Hỷ hiện nay là 99.336 người, trong đó có 49.842 người dân tộc thiểu số (chiếm 49% dân số); số người cao tuổi 14.023 người. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện chiếm hơn 13,4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,55%, cận nghèo chiếm 5,88%.

Theo Quyết định số 861/QĐ-Ttg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đồng Hỷ có 12/15 xã, thị trấn thuộc vùng I, có 3/15 xã thuộc vùng III, là vùng khó khăn. Huyện đang có 3/15 xã thuộc vùng III - vùng khó khăn là Tân Long, Văn Lăng, Hợp Tiến.

Một số xã của huyện Đồng Hỷ điều kiện kinh tế còn thấp, đường sá đi lại khó khăn, có nhiều xóm, bản cách xa trạm y tế, sự hiểu biết và chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế, hiểu biết về DS&KHHGĐ chưa được tốt. Đáng nói, ở các địa bàn vùng cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và chưa thực hiện tốt công tác DS&KHHGĐ.

Đồng Hỷ, Thái Nguyên: Nỗ lực tiếp cận truyền thông về dân số ở vùng đồng bào DTTS- Ảnh 1.

Cán bộ y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) vận động trường hợp mang thai khi chưa đủ 18 tuổi đi khám sức khỏe định kỳ.

Không chỉ đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, tại các bản người dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến. Ở một số bản người Mông, Dao... của các xã Văn Lăng, Tân Long, Hợp Tiến, bà con vùng dân tộc thiểu số vẫn tồn tại những hủ tục lạc hậu như dựng vợ, gả chồng khi chưa đủ tuổi (tảo hôn); anh em trong dòng họ lấy nhau (hôn nhân cận huyết thống) cũng gây nhiều khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về pháp luật dân số.

Từ đầu năm đến nay, qua rà soát của các trạm y tế tuyến xã, Thái Nguyên phát hiện 44 trường hợp tảo hôn (hầu hết là người dân tộc Mông), giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Võ Nhai là địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn nhất (28 người); tiếp đến là Đồng Hỷ có 15 trường hợp.

Nỗ lực tuyên truyền công tác dân số tới từng bản, từng người dân

Để thực hiện các nội dung Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG 1719), Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với các ban ngành tổ chức nhiều hoạt động.

Thực hiện truyền thông chuyển đổi hành vi về khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên, phụ nữ... thông qua những buổi tuyên truyền tới từng xóm và tận từng gia đình để vận động người dân đến nghe các nội dung truyền thông về công tác DS&KHHGĐ và các cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, cách nuôi dưỡng con nhỏ...

Đồng Hỷ, Thái Nguyên: Nỗ lực tiếp cận truyền thông về dân số ở vùng đồng bào DTTS- Ảnh 2.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long (Đồng Hỷ) tuyên truyền chính sách, pháp luật dân số tại một gia đình người dân tộc Mông ở bản Lân Quan.

Với suy nghĩ chỉ có tuyên truyền, vận động một cách sâu sát, quyết liệt, thường xuyên đến tận người dân mới làm họ thay đổi nhận thức, hành vi về DS&KHHGĐ, lực lượng cán bộ làm công tác dân số của huyện Đồng Hỷ đã luôn nỗ lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, lực lượng cán bộ làm công tác dân số của huyện Đồng Hỷ đã rất nỗ lực trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về pháp luật dân số, luôn có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền để phù hợp với tập quán sinh hoạt của bà con. Nhất là tuyên truyền để giảm thiểu vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên tại các bản vùng cao; tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên...

Ở các bản người Mông như Lân Quan, Mỏ Ba, thay vì tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp do xóm, xã tổ chức hoặc qua các cụm loa truyền thanh, cán bộ y tế đã phải đến tận nhà hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sinh đẻ có kế hoạch và dùng các biện pháp tránh thai hiện đại để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn đã giảm hơn trước nhưng vẫn chưa chấm dứt.

Bởi vậy, thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, chính quyền các địa phương cần quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện chính sách dân số và nâng cao chất lượng dân số; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức cưới tảo hôn cho trẻ vị thành niên... Thông qua đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ cũng như kiến thức về y tế, DS&KHHGD dẫn đến sự thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức.

Khi người dân có kiến thức đầy đủ về dân số, sẽ thực hiện hoặc tham gia các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số, sẽ chủ động tìm hiểu các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình và thế hệ tương lai. Đó là những điều kiện thuận lợi trong triển khai chương trình dân số tại vùng đồng bào dân DTTS&MN hiện nay và thời gian tới.

Nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hộiNâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

SKĐS - Việc triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đào tạo cô đỡ thôn bản - Khó khăn và thách thức.


Thủy Vũ
Ý kiến của bạn