Vài năm nay người dân Thủ đô và du khách đã quá quen thuộc với đồng hồ đếm ngược chỉ con số còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Những con số ấy mang trong nó niềm phấn khởi hướng tới ngày Đại lễ với tất cả niềm tự hào. Cạnh đó còn là con số nhắc nhở về truyền thống ngàn năm không chỉ của Hà Nội mà còn là của cả một dân tộc để mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm hơn cho xứng với ông cha.
Không chỉ đồng hồ đếm ngược ở ven hồ Hoàn Kiếm mà Thủ đô ta còn có rất nhiều màn hình điện tử tương tự đang có mặt ở nhiều nơi. Nay Đại lễ đã kết thúc, đồng hồ đếm ngược đã "hoàn thành nhiệm vụ" song không lẽ nhiệm vụ chỉ ngắn ngủi vậy và có thể vẫn mãi là đồng hồ đếm ngược với những thông tin có ý nghĩa khác? Một trong những nội dung cho đồng hồ đếm ngược (và cả những màn hình điện tử tương tự ở những chỗ khác) nên chăng thông báo con số nhắc đến số nợ nước ngoài của đất nước ta hiện nay.
Nếu như đồng hồ đếm ngược cách đây không lâu hướng tới con số 0 với mốc là ngày Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, thì nay những đồng hồ đếm ngược đặt trên nhiều địa điểm của Thủ đô có nội dung thông báo nợ quốc gia hẳn cũng trùng với lòng mong muốn của toàn dân là hướng tới con số 0 và khi đó cũng là ngày đại lễ.
Chuyện thông báo số nợ quốc gia hẳn không có gì là bí mật và khi được công khai hẳn sẽ phát huy rất lớn tinh thần làm chủ của mỗi người dân. Con số nợ ấy hẳn cũng góp phần tạo tâm lý tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn dân, trong mọi cơ quan đoàn thể xã hội trên cả nước. Và ngay cả những kẻ tham nhũng nếu trong đầu còn chút lương tri, lòng tự trọng, tình yêu nước hẳn cũng phải xem lại ham muốn ích kỷ của mình khi thường xuyên gặp "thông báo nợ".
Lớp trẻ lớn lên khi quen với thông báo nợ sẽ thông cảm và chia sẻ với đất nước và ngay từ nhỏ đã được giáo dục rằng nước ta còn nghèo, phải tiết kiệm từng đồng. Các bậc cha mẹ nhìn thông báo nợ sẽ có trách nhiệm hơn trên từng vị trí công việc để con cháu mai sau không phải trả nợ thay ông bà, bố mẹ hiện nay. Những đồng hồ đếm ngược hướng tới con số 0 của nợ sẽ làm cộng đồng gần nhau hơn trong trách nhiệm và sự chia sẻ trách nhiệm công dân.
Những đồng hồ đếm ngược này có lẽ sẽ làm cuộc sống không có thêm những Vinashin mà cứ tính một cách bình quân thì mỗi người dân bất kể nam phụ lão ấu tất thảy đều bị móc túi khoảng 1 triệu đồng. Đơn giản như Nhà xuất bản Giáo dục hẳn cũng phải nghĩ lại trong việc in sách giáo khoa hiện nay để anh, chị dùng sách xong có thể trao lại cho em và các cháu học sinh sẽ trân trọng sách hơn như các cụ ta xưa trân trọng chữ thánh hiền. Những đồng hồ đếm ngược này hẳn sẽ làm những hội nghị tổng kết, những đại biểu nhận "phong bì" nghĩ thêm để đồng tiền trong tay mình có nguồn gốc từ ngân sách, từ mồ hôi nước mắt của dân sẽ trở nên "có giá" hơn bằng chính lương tâm và trách nhiệm trong những người nhận nó. Và lãnh đạo các cấp hẳn cũng thận trọng hơn khi ra những quyết định hoặc như ký duyệt, thay gạch lát vỉa hè... khi thường xuyên gặp thông báo nợ trong đồng hồ đếm ngược nhắc nhở.
Số nợ quốc gia khi thực sự đếm ngược, tiến về số 0 sẽ là niềm vui chung cho cả một dân tộc và khi "đếm xuôi" sẽ là trách nhiệm lo chung của cả xã hội. Tất nhiên, trong sự phát triển, số nợ trên các bảng điện tử nơi công cộng nhiều khi "đếm xuôi" nhưng con số "xuôi" ấy cũng làm mỗi người hy vọng chờ đợi vào những công trình mới và dù "xuôi" hay "ngược" thì trách nhiệm công dân hẳn luôn được phát huy trong sự công khai, minh bạch với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Đồng hồ đếm ngược đến ngày Đại lễ ngàn năm đã hoàn thành nhiệm vụ và rất mong không bị “chuyển công tác khác”, vẫn được là đồng hồ đếm, thậm chí có thêm nhiều đồng hồ như thế trên mọi miền đất nước ta.
LÊ QUÝ HIỀN