Đồng hành giúp người bệnh Alzheimer sống tốt hơn!

03-10-2019 16:22 | Y học 360
google news

SKĐS - Mỗi người bệnh Alzheimer, hay sa sút trí tuệ, có lẽ sẽ trải qua các mất mát khác nhau, nhưng cuối cùng đều mất đi khả năng nhận biết bản thân và cần phải được sự chăm sóc, giúp đỡ mọi mặt trong cuộc sống.

Tuy vậy, trên thế giới vẫn có những người mắc bệnh Alzheimer sống tốt với bệnh. Câu chuyện bác sĩ Jennifer Bute bị mắc bệnh Alzheimer 10 năm hiện nay hàng ngày vẫn đi gặp mọi người để nói về cách chống lại bệnh Alzheimer đã tạo nên một nguồn động viên rất lớn cho những người hiện đang đối mặt với bệnh lý sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer.

Sa sút trí tuệ là gì mà trở nên quan trọng đến thế?

Sa sút trí tuệ là tên gọi của một hội chứng bệnh não tiến triển làm ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của con người. Sa sút trí tuệ là nguyên nhân hàng đầu làm người cao tuổi bị mất tính độc lập và mất chức năng sống hàng ngày.

Mặc dù mỗi người bệnh sa sút trí tuệ sẽ trải qua các mất mát khác nhau, nhưng cuối cùng đều mất đi khả năng chăm sóc bản thân và cần phải được sự chăm sóc, giúp đỡ trong mọi mặt cuộc sống.

Hiện nay sa sút trí tuệ có thể do hơn 100 nguyên nhân gây bệnh, thường do kết hợp giữa gien di truyền, lối sống và các yếu tố môi trường. Nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer chưa được hiểu đầy đủ, nhưng cốt lõi của nó là các vấn đề với protein não không hoạt động bình thường, sinh ra các sản phẩm độc hại và phá vỡ hoạt động của các tế bào não (tế bào thần kinh). Các tế bào thần kinh bị hư hỏng, mất kết nối với nhau và cuối cùng chết đi.

Đồng hành giúp người bệnh Alzheimer sống tốt hơn!Chơi domino

Tổn thương thường bắt đầu ở vùng não kiểm soát bộ nhớ, nhưng quá trình đã khởi phát nhiều năm trước khi có triệu chứng đầu tiên. Sự mất các nơ-ron thần kinh lan truyền đến các vùng khác của bộ não. Đến giai đoạn cuối của bệnh, não đã bị teo đi rất nhiều.

Dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm khoảng 50 - 70% nguyên nhân, là bệnh Alzheimer. Các dạng thường gặp khác của sa sút trí tuệ bao gồm sa sút mạch máu, sa sút trí tuệ trán - thái dương, và sa sút trí tuệ thể Lewy. Các triệu chứng thường gặp có thể bao gồm:

- Mất trí nhớ.

- Khó khăn trong nói cho người khác hiểu và hiểu người khác nói gì.

- Khó khăn trong thực hiện các công việc, kế hoạch hàng ngày.

- Thay đổi cá tính, cảm xúc và hành vi.

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng hơn 50 triệu người trên thế giới. Cứ mỗi 3 giây, đâu đó trên thế giới có 1 người mới mắc bệnh sa sút trí tuệ. Tại Việt Nam, số người bị sa sút trí tuệ khoảng 500.000 người. Sa sút trí tuệ thường xảy ra trên người sau 65 tuổi, nhưng người trước 65 tuổi vẫn có thể bị (gọi là sa sút trí tuệ khởi phát người trẻ). Hiện nay, các hiểu biết về bệnh sa sút trí tuệ đã được nâng cao rất nhiều, nhưng vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa giải thích được.

Các biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ:

Mất trí nhớ.

Mất suy nghĩ tính toán.                   .

Không thực hiện được các sinh hoạt.

Thay đổi hành vi, tính tình.

Hỗ trợ chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh có thể quên đi các sự kiện hoặc cuộc trò chuyện gần đây. Khi bệnh tiến triển, một người mắc bệnh Alzheimer sẽ bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng và mất khả năng thực hiện các công việc hàng ngày.

Thay đổi não liên quan đến bệnh Alzheimer dẫn đến rắc rối ngày càng tăng với những ký ức bị mất đi. Từ những chuyện đơn giản quên các cuộc hội thoại, cuộc hẹn hoặc sự kiện và không nhớ chúng sau này; bị lạc ở những nơi quen thuộc cho đến quên tên của các thành viên trong gia đình và các đồ vật hàng ngày… Cuối cùng, những người mắc bệnh Alzheimer tiến triển có thể quên cách thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như mặc quần áo và tắm.

Đồng hành giúp người bệnh Alzheimer sống tốt hơn!Định hướng thời gian, không gian

Các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer hiện tại có thể tạm thời cải thiện các triệu chứng hoặc làm chậm tốc độ suy thoái tế bào não.Những phương pháp điều trị này đôi khi có thể giúp những người mắc bệnh Alzheimer tối đa hóa chức năng và duy trì sự độc lập trong một thời gian.Các chương trình và dịch vụ khác nhau có thể giúp hỗ trợ những người mắc bệnh Alzheimer cùng những người chăm sóc họ.

Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, các biến chứng do mất chức năng não nghiêm trọng - như mất nước, suy dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng - dẫn đến tử vong. Cho đến nay, tuy vẫn chưa có phương pháp chữa lành bệnh, nhưng chúng ta có rất nhiều cách điều trị và hỗ trợ hiệu quả.

Việt Nam chúng ta có câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; sống và làm việc với người bệnh sa sút trí tuệ chúng ta thấy câu nói này rất chính xác. Gia đình có một người bệnh sa sút trí tuệ, cả nhà lo âu, mất ăn, mất ngủ và muốn bệnh cùng người bệnh luôn.

Sở dĩ điều này xảy ra là do chúng ta chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ người chăm sóc, cung cấp cho họ các kiến thức và các hoạt động phương tiện hỗ trợ phù hợp. Hiện nay, tại TP.HCM, BV.30.4 và BV. ĐH Y Dược đã thành lập Đơn vị Trí nhớ và Sa sút Trí tuệ với nhiều hoạt động hỗ trợ người bệnh sa sút trí tuệ và người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. Tại đây, người bệnh được tổ chức các bài tập riêng biệt theo loại nhận thức mình bị suy giảm như hoạt động hồi tưởng, hoạt động tập trung, hoạt động sử dụng động tác khéo léo. Bên cạnh đó, các buổi hoạt động nhóm đã kéo người bệnh ra khỏi sự thụ động, gia tăng ngôn ngữ giao tiếp và gia tăng sự hợp tác với người nhà bệnh nhân.

Đối với người chăm sóc, những buổi sinh hoạt nhóm hỗ trợ người chăm sóc sẽ cung cấp nhiều kiến thức về bệnh sa sút trí tuệ, cách xử lý các tình huống rối loạn hành vi của người bệnh, tạo môi trường để người chăm sóc chia sẻ với nhau và làm bạn với nhau.

THÁNG ALZHEIMER THẾ GIỚI
(World Alzheimer Month)
Hàng năm, toàn thế giới đã chọn tháng 9 làm Tháng Alzheimer Thế giới và Ngày 21 tháng 9 - Ngày Alzheimer trong Tháng Alzheimer Thế giới; để tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến bệnh lý sa sút trí tuệ ở khắp mọi nơi. Các hoạt động của Tháng Alzheimer thu hút và nâng cao sự hiểu biết về bệnh sa sút trí tuệ cho người dân, người bệnh, người chăm sóc bệnh, tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội để mọi người chung tay cho công cuộc chăm sóc và điều trị bệnh sa sút trí tuệ.
Hội họa

Thông qua Tháng Alzheimer Thế giới, chúng tôi, những người làm công tác chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ rất mong muốn mọi người hãy tìm hiểu về bệnh lý sa sút trí tuệ và có nhiều những hoạt động đóng góp vào việc chăm sóc, hỗ trợ người bệnh và người chăm sóc bệnh sa sút trí tuệ.
Bên cạnh nâng cao hiểu biết về sa sút trí tuệ cho người dân, hoạt động Tháng Alzheimer Thế giới còn mong muốn các quốc gia bắt tay vào xây dựng Kế hoạch Sa sút trí tuệ Quốc gia (National Dementia Plan).
Hiện nay có khoảng 32 nước trên thế giới đã có kế hoạch này. Dựa trên các thống kê về số người bệnh sa sút trí tuệ, về hoạt động chăm sóc điều trị, về mức độ ảnh hưởng của bệnh lên người bệnh và người chăm sóc mà mỗi quốc gia sẽ xây dựng riêng cho mình một chương trình hành động cho bệnh lý sa sút trí tuệ. Chương trình hành động này sẽ tập trung vào phát triển nguồn lực và xây dựng cơ sở pháp lý hỗ trợ cho nhóm bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Dựa trên kế hoạch của quốc gia, các cơ sở điều trị và các tổ chức xã hội sẽ định hướng tham gia vào hoạt động chăm sóc hỗ trợ điều trị bệnh nhân.


TS.BS. TRẦN CÔNG THẮNG
Ý kiến của bạn