Đồng hành cùng người bệnh trong cuộc chiến chống lại ung thư phổi

06-01-2021 16:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nước ta, nhưng phần lớn các trường hợp bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn với nhiều ảnh hưởng nặng nề. Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi đến quý độc giả những thông tin hữu ích nhất về chủ đề này qua cuộc trò chuyện cùng TS.BS. Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy.

Thưa TS.BS. Lê Tuấn Anh, là Giám đốc Trung tâm Ung bướu của bệnh viện hạng đặc biệt tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bác sĩ có những chia sẻ gì về thực trạng bệnh nhân đến trung tâm?

TS.BS Lê Tuấn Anh: Mỗi năm Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 110.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong đó ung thư phổi là một trong những ung thư phổ biến nhất bên cạnh các bệnh ung thư khác như ung thư gan, ung thư vùng đầu cổ, ung thư vú, ung thư hệ tiết niệu… Ung thư phổi thường phát hiện ở giai đoạn muộn, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khoảng 60 - 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn 3, 4 của bệnh, với nhiều diễn biến phức tạp như u xâm lấn, chèn ép và di căn. Điều này là một thực trạng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cũng xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Như Bác sĩ vừa chia sẻ, bệnh nhân ung thư phổi thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có nhiều biến chứng, vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này thưa Bác sĩ?

TS.BS. Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS.BS Lê Tuấn Anh: Với ung thư phổi, các triệu chứng ban đầu của bệnh thường nghèo nàn, các triệu chứng hô hấp dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác, khi có các dấu hiệu đau ngực, khó thở, ho ra máu… thì u đã phát triển, xâm lấn, đã là giai đoạn muộn. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện khám về một vấn đề khác như đau nhức xương khớp, hạch phổi, đau đầu…. thì mới phát hiện ung thư phổi đã di căn. Do đó những người có nguy cơ cao như người hút thuốc lá, người có môi trường làm việc tiếp xúc với các độc chất cần chủ động tầm soát để giúp phát hiện sớm ung thư phổi.

Các Bác sĩ thường nói “Ung Thư Biết sớm chữa lành” để nói lên tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh ung thư, ngược lại với trường hợp bệnh ung thư phổi được phát hiện muộn thì có các liệu pháp điều trị, cũng như cơ hội sống còn cho những bệnh nhân này thì như thế nào?

TS.BS Lê Tuấn Anh: Sự phát triển và ứng dụng các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư phổi như phẫu thuật có hỗ trợ robot, xạ trị điều biến cường độ, các liệu pháp mới trong điều trị toàn thân… đã giúp nâng cao tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân. Với giai đoạn muộn, liệu pháp trúng đích thế hệ mới giúp tăng thời gian kiểm soát bệnh của bệnh nhân lên gấp 2-3 lần so với biện pháp hóa trị thông thường, điều tương tự cũng được ghi nhận ở liệu pháp miễn dịch. Ngoài ra, việc điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cũng góp phần cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Bệnh nhân thường mang trong mình nhiều nỗi đau, đó có thể là nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần, gánh nặng kinh tế vậy làm thế nào để bệnh nhân tiếp tục được thắp lên hy vọng sống, để chiến đấu và chiến thắng ung thư phổi?

TS.BS Lê Tuấn Anh: Bệnh nhân cần hiểu, bệnh nhân không hề đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, bên cạnh bệnh nhân còn có đội ngũ y bác sĩ, người nhà, người thân, bạn bè… luôn ở bên cạnh để động viên, cổ vũ về mặt tinh thần để bệnh nhân lạc quan, chiến đấu và chiến thắng. Đối với gánh nặng về mặt kinh tế, sự hỗ trợ của xã hội cũng như các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần cho bệnh nhân… cũng đang giúp bệnh nhân san sẻ gánh nặng. Khi được chẩn đoán rõ ràng chính xác, bệnh nhân sẽ nhận được sự tư vấn điều trị phù hợp, cũng như căn cứ trên điều kiện của bệnh nhân, Trung tâm ung bướu sẽ có những bộ phận hỗ trợ giúp bệnh nhân tiếp cận điều trị tốt nhất.

Xin cảm ơn TS.BS Lê Tuấn Anh – Giám đốc trung tâm ung bướu bệnh viện Chợ Rẫy đã giành thời gian chia sẻ!


Khôi Nguyễn
Ý kiến của bạn