Để góp phần thực hiện thắng lợi Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 7 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả nhân dân trên vùng biển đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào yên tâm bám biển, góp phần tăng trưởng kinh tế và gìn giữ chủ quyền đất nước. Song không phải ngư dân hay thuyền viên nào cũng có điều kiện và cơ hội sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong các dịch vụ khám chữa bệnh, bởi phần lớn thời gian họ lênh đênh trên biển, đối mặt với sóng gió và những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng trong khi các bệnh viện và thầy thuốc chuyên khoa đều ở trên bờ. Làm sao để những ngư dân, thuyền viên được chăm lo sức khỏe một cách chủ động tích cực? Bên cạnh việc tập huấn đào tạo phổ biến kiến thức y học biển cho các sĩ quan boong, ngư dân và thuyền viên, Viện trưởng, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn và các cộng sự Viện Y học biển Việt Nam đã đưa ra sáng kiến phối hợp với báo Hải Phòng và tiến tới phối hợp với một số tờ báo Trung ương mở chuyên mục: “Đồng hành cùng ngư dân bám biển”, đồng thời mở chuyên mục “Bác sĩ biển, đảo” tư vấn khám chữa bệnh cho ngư dân và nhân dân vùng ven biển, phản ánh hoạt động về công tác triển khai, thực hiện Đề án Phát triển y tế biển đảo, vận động xây dựng tủ thuốc và mua sắm dụng cụ y tế thiết yếu cho các tàu cá của ngư dân mà trước tiên là các tàu đánh bắt cá xa bờ... Nội dung chuyên môn do các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ của Viện Y học biển Việt Nam đảm nhiệm.
GS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam và nhà báo Lê Trọng Nghĩa - Tổng biên tập báo Hải Phòng ký hợp tác tuyên truyền mở chuyên mục “Đồng hành cùng ngư dân bám biển” và “Bác sĩ biển, đảo” tư vấn khám chữa bệnh và xây dựng tủ thuốc cho ngư dân.
Đây là một chương trình rất có ý nghĩa đối với ngư dân, thuyền viên đặc biệt trên các tàu đánh bắt cá xa bờ. Họ luôn phải đối mặt với nhiều loại hình bệnh tật khác nhau trong đó có những bệnh đặc thù biển đảo. Kiến thức về y học biển đối với họ là vô cùng cần thiết. Mỗi viên thuốc, mỗi dụng cụ y tế được trang bị sẵn sàng trên tàu cá đối với họ là vô cùng quan trọng, có thể giúp họ kịp thời cứu sống một mạng người, cứu giúp một cuộc đời thoát khỏi di chứng tàn tật do bệnh tật hoặc tai nạn, thương tích trên biển (ví dụ một ca đau ruột thừa cấp tính đột ngột xảy ra trong khi tàu đang ở cách cảng gần nhất trên 24 giờ chạy trong điều kiện thời tiết xấu chẳng hạn...). Hiện nay nước ta có hơn 1 triệu ngư dân, thuyền viên đang làm việc trên 119.000 tàu cá, trong đó có khoảng 30.000 tàu đánh bắt cá xa bờ. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, là những cột mốc sống trên biển đảo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng và giữ vững chủ quyền đất nước. Công tác chăm sóc y tế bảo đảm an toàn sức khỏe, sinh mạng cho lực lượng này là vô cùng cấp thiết.
Với tinh thần cả nước “hướng về biển Đông” góp phần cùng các lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ Y tế phát động chương trình “Ngành y tế cùng ngư dân bám biển”. Chương trình tập trung kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp ngành y tế và các tổ chức, cá nhân trong xã hội đóng góp kinh phí để trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế cho các tàu đánh bắt cá của ngư dân, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sơ cứu ban đầu do tai nạn, thương tích cho ngư dân... Với vai trò là một viện chuyên ngành của Bộ Y tế, Viện Y học biển Việt Nam đã vận động hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và từ chính nguồn tài chính của viện cùng với sự nhiệt tình ủng hộ của toàn thể cán bộ nhân viên trong viện dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế và Viện trưởng, GS.TS. Nguyễn Trường Sơn đến nay đã đóng góp và trao tặng gần 2.000 tủ thuốc cho ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Phòng... Đó là sự nỗ lực rất lớn, song, gần 2.000 tủ thuốc và dụng cụ y tế cho gần 2.000 tàu đánh cá trong tổng số trên 30.000 tàu đánh bắt cá xa bờ và 119.000 tàu cá vẫn còn là một con số khiêm tốn đòi hỏi cần có sự tham gia ủng hộ tích cực nhiệt tình đầy trách nhiệm của toàn xã hội.
Theo GS.TS. Nguyễn Trường Sơn, việc trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế cho mỗi tàu thuyền đánh cá là một giải pháp tình huống nhưng cấp bách bởi hàng vạn dân chài đang từng ngày từng giờ cần đến sự giúp đỡ của mỗi chúng ta. Song giải pháp căn bản và bền vững vẫn chính là chính sách linh hoạt của Bảo hiểm y tế. Thay vì ngư dân có bệnh phải lên bờ vào bệnh viện mới được khám chữa bệnh miễn phí, Bảo hiểm y tế nên trang bị trước cho ngư dân, thuyền viên ra biển một tủ thuốc và các dụng cụ y tế thiết yếu để họ chủ động sử dụng khi không may mắc bệnh hoặc tai nạn trên biển, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc trên bờ (Telemedicine), bởi không phải trường hợp nào cũng lên bờ ngay được do những đặc thù của lao động biển và những điều kiện về thời tiết... Có như thế, ngư dân mới thật sự được hưởng thụ một cách có hiệu quả, thiết thực những chế độ ưu đãi mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm dành cho họ.
Bài, ảnh: Hiền Anh