“Hữu Ngọc là bậc thầy của những bài ký ngắn”, đó là nhận xét khái quát của Tiến sĩ Nghệ thuật Đức Gunter Giesenfeld. Còn nhận định chi tiết thì có lẽ khó ai phân tích chính xác hơn nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Văn Hữu Ngọc là một dạng văn đặc biệt, nghĩa là chữ ít, nhưng lượng thông tin lại nhiều. Đó là loại văn chương điện tín. Mỗi chữ là một ký tự thông tin. Một lối văn mộc, không son phấn, văn hoa. Ông thường loại bỏ những giao đãi rườm rà, tước hết “phụ tùng” không cần thiết, chỉ còn cái cốt lõi mà không thể giản lược thêm được nữa!”.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc
Thế mà tôi lại được chứng nghiệm lối văn đó suốt... 18 năm qua, từng chữ một, kể từ tháng 4/1996, khi tôi được đảm nhiệm mấy trang văn hóa văn nghệ báo Sức khỏe&Đời sống. Tôi đề xuất mở mục Sổ tay văn hóa trước tiên, vì người cộng tác viên đáng kính nhất tôi nghĩ đến là cụ Hữu Ngọc, người lúc đó đã và đang có bài hàng tuần trên 3 tờ báo tiếng Pháp, tiếng Anh: L’étincelle (Tia lửa), Vietnam en marche (Việt Nam tiến bước), Vinamese Studies (Nghiên cứu về Việt Nam). Năm ấy cụ Hữu Ngọc sắp tròn tuổi 80. Thế mà thoắt đã 18 năm trôi qua, không một tuần nào cụ chậm bài chứ đừng nói đến thiếu bài, dù có lúc cụ được mời đi nói chuyện đến 6 - 7 nước phía trời Âu hay vài tháng lãng du ở Nhật Bản, Bắc Âu lấy tài liệu viết sách... Biên soạn những công trình lớn như chuyển sang Pháp ngữ: Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, bộ Tuyển tập văn học Việt Nam 2.000 trang, cùng làm với Nguyễn Khắc Viện. Đó là chưa kể những công việc khác: Giám đốc NXB Ngoại văn, về hưu thì làm Giám đốc cả hai Quỹ Thụy Điển và Đan Mạch trợ giúp văn hóa Việt. Hẹn và đúng hẹn là đức tính cụ đã duy trì từ nhỏ, chữ tín của Nho học, chữ tín của hướng đạo sinh.
Cụ Hữu Ngọc giỏi ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức), lại ở vị trí trung tâm văn hóa, hội tụ mọi nguồn thông tin toàn cầu nên những nhân vật, những vấn đề cụ nêu rất phong phú, đa dạng. Bài viết của cụ có đặc điểm: khi giới thiệu cái mới, cái lạ của văn hóa thế giới, cụ đứng ở góc độ người Việt, nhưng khi nhận định về bản sắc Việt, cụ lại như một công dân toàn cầu để thấy rõ cái riêng, cái độc đáo của bản sắc Việt. Cụ coi trọng trực cảm khi đối thoại với nhân vật hơn là những tư liệu chết. Quả là khi tôi đọc câu mở đầu bài viết về nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu - một người đi tiên phong trong khoa học Việt Nam: Khi tôi độ tám chín tuổi, vào những năm 30, cha tôi, một nhà Nho thích chơi cây cảnh, có đôi lần dắt tôi đến Thủy Tiên trang ở Ngọc Hà. Chủ nhân Nguyễn Công Tiễu cho chúng tôi xem những cây hoa thơm cỏ lạ ông đã thuần hóa sau khi mang từ châu Âu, châu Phi, châu Úc về..., tự nhiên tôi (V.L.) cũng có cảm giác đang được cùng tác giả tận mắt đến ngắm khu vườn thí nghiệm của nhà khoa học xuất hiện trước cả GS. Hoàng Xuân Hãn. Tôi như được liên thông với mạch sống từ những năm 20 của thế kỷ trước.
Cuốn Hữu Ngọc - đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam 674 trang, 224 bài. Tôi nhận ra phần lớn bài đều đã in trên báo SK&ĐS. Từ mặt báo đưa vào sách, hầu như cụ không phải dụng công viết lại hay hiệu chỉnh gì thêm. Tôi sơ bộ tính ra trong 18 năm in bài trên SK&ĐS (mỗi tuần một bài) thì cụ đã in báo tới 970 bài, không kể in ở các báo khác. Vậy là cuốn sách này cụ chỉ mới dùng khoảng một phần tư bài đã sử dụng trên báo SK&ĐS, mà nhiều bạn đọc đã cắt riêng loại bài này, đang mong cụ in thành sách để dễ sử dụng. Đó là cách làm việc rất hiệu quả của nhà văn hóa hàng đầu của chúng ta! Mỗi bài báo đã chứa đủ lượng thông tin cần thiết, lại được viết gọn gàng, thêm lần rà soát của người biên tập báo, việc gì phải viết lại!
Ở Đường Lâm, theo tục lệ làng, không ai được xây nhà cao hơn đình. Điều đó thì tôi biết đã lâu, nhưng đọc cụ Hữu Ngọc mới biết thêm: “Lệ ấy đã nhạt đi, có vài ba nhà tầng cao được xây dựng nhưng không đáng kể. Cái chính ít xây là do dân nghèo...” và cụ kết luận: “May quá, cái nghèo đã cứu vớt được di sản văn hóa!”. Cụ tự trào lộng cái nghèo của dân mình! Một nụ cười buồn, an ủi nỗi đau! Điều này đúng như bà Lady Borton đã nhận xét rất hay: “Thị lực của Hữu Ngọc rất yếu, nhưng cái nhìn nội tâm của ông lại rất sâu sắc, đôi lúc hóm hỉnh khi phác họa một chân dung, kể lại một sự việc...”.
Trong khi dựng chân dung các nhân vật, cụ Hữu Ngọc thường lập lại sự công bằng cho một số người thường bị cái nhìn phiến diện của người đời sau đánh giá không đúng về họ. Để đạt được điều đó, cụ đã phải tìm kiếm, phát hiện những tư liệu đã bị thất tán, trong khi những tư liệu ấy nước ngoài còn lưu trữ hoặc ngược lại. Thí dụ cụ Hoàng Xuân Hãn, hầu như ai cũng cho cụ là một “trí thức trùm chăn”, suốt thời kháng chiến gian khổ, cụ sống ở Paris khá thoải mái (!). Hữu Ngọc bình luận: Đó là một nhận định chưa thấu tình đạt lý. Yêu nước có thể muôn màu muôn vẻ, có thể kháng chiến bằng máu hay bằng chất xám, đóng góp phải xét trên tác động cụ thể của hành động. Những gì ông cống hiến cho đất nước, đã được chứng minh nên GS. Hoàng Xuân Hãn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Cụ Hữu Ngọc luôn có tư cách một nhà viết sử, sẵn sàng minh oan cho những nhân vật mang nỗi oan thế kỷ. Như Lê Hoan, chúng ta chỉ biết một Tổng đốc Lê Hoan cầm quân đi đánh dẹp nghĩa quân Đề Thám. Nhưng cụ Hữu Ngọc đã đưa ra những bằng chứng mà Pháp còn lưu trữ để đặt Lê Hoan trong một nghi án: Lê Hoan là sĩ phu hay Việt gian? (Báo cáo của đại tá Pennequin gửi cho Ban chỉ huy tối cao Pháp: bắt được một bức thư của Lê Hoan gửi cho Đề Thám vào năm 1892, khuyên ông này nên kiên trì chờ đợi, cứ trá hàng chờ một thời cơ thuận lợi để đánh Pháp. Một thông tin khác do viên toàn quyền Picguier nhận được, có viết: “Nếu thông tin chúng tôi chính xác thì Khâm sai đã liên minh với Đề Thám: đã chia cho Đề Thám tiền để nuôi quân sĩ...”. Nhà báo Pháp H.de Rauville cũng cho biết: Cuộc nổi dậy thế nào cũng sớm nổ ra, rất có thể Lê Hoan và Đề Thám đã liên kết trong tình huynh đệ.
Cuốn Hữu Ngọc - đồng hành cùng thế kỷ - văn hóa, lịch sử Việt Nam phần lớn là những chân dung nhân vật. Tác giả chia ra nhiều chương mục: Những nhân vật trước năm 1945 thời Pháp thuộc, Những người mở đường (như Nguyễn An Ninh, Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng...). Mục Trí thức mới: Nhớ các thầy Trường Bưởi “thời Tây”, Nho sĩ hiện đại yêu nước, các thầy Trường tư thục Huế trước cách mạng 1945: Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Tôn Quang Phiệt, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Lân; về văn học có: những tài năng lỗi lạc: Chế Lan Viên, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh... Cụ Hữu Ngọc có rất nhiều bạn thân người nước ngoài, nguyên do: cụ được cử làm Trưởng ban Giáo dục tù hàng binh Âu Phi gồm đủ các sắc tộc: Đức, Anh, Áo, Hung, Tiệp... Nhiều người trong số họ giác ngộ, trở thành quân nhân hay cán bộ của Cụ Hồ... Sau chiến tranh, họ về đất nước họ nhưng vẫn thỉnh thoảng trở lại Việt Nam - nơi nhiều kỷ niệm với những người hiền như cụ Hữu Ngọc. Lớp bạn sau là các nhà báo, nhà văn luôn cộng tác với nhà xuất bản Ngoại văn, viết báo, lấy tài liệu đều ghé thăm cụ Hữu Ngọc. Nên cuốn sách có hẳn một chương: Lịch sử, văn hóa Việt Nam qua chân dung những nhân vật nước ngoài cùng thời. Có nhà văn nổi tiếng như Sara Lidman (Thụy Điển), hầu như bà sinh ra để lên án những bất công trong xã hội, không ngoại trừ cả xã hội Thụy Điển, một xứ sở lý tưởng với người Việt chúng ta. Rồi nhà Việt Nam học G.Boudarel (Pháp) gắn bó với dân tộc Việt Nam từ thời kháng chiến chống Pháp đến hơi thở cuối cùng. Ông để lại một tập bản thảo dở dang, trong đó có bài Nàng Kiều - những nỗi gian truân của đức hạnh Việt Nam. Một nhà văn nữ phương Tây là Yveline Fẻray đã bỏ ra 7 năm trời nghiên cứu, nhập vai, nhập cảnh để viết pho tiểu thuyết Vạn xuân (Dix milles printemps) dày hơn 800 trang về Việt Nam, tiểu thuyết hóa thời “Ức Trai”... Người công dân toàn cầu Hữu Ngọc cũng chỉ lẩy ra trong số bạn người nước ngoài đông đảo đó 11 nhà văn, 4 nhà thơ, 3 nhà báo, 8 nhà sử học, 12 nhà hoạt động tôn giáo - chính trị - xã hội...
Chân dung các nhân vật chiếm tới già nửa cuốn sách, tôi đã giới thiệu qua, phần còn lại, tác giả có nhiều bài bàn về cội gốc, các đặc tính của dân tộc như: Tính cộng đồng của người Việt, Từ gia đình đến gia tộc, Nõ Nường, Đồng bào gốc Hổ, Vang bóng tranh Hàng Trống...chiếm khoảng non nửa cuốn sách. Những bài trên không thể gói gọn trong một bài báo. Mong các bạn tự tìm đọc!
Vân Long