Từ nhiều tuần qua, một số nhà kinh tế bi quan dự báo khu vực đồng euro đến ngày tận thế, tức là phải trục xuất một số thành viên không đủ khả năng thực hiện quy định ràng buộc của Hiệp ước Maastricht bảo đảm sự ổn định của đồng euro.
![]() Hy lạp đang lâm vào cảnh hỗn loạn. |
- Khủng hoảng nợ ở châu Âu đã khiến thị trường mất niềm tin chưa từng có vào đồng tiền chung của châu lục này. Tỷ giá Euro/USD ngày 5/5 đã sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng trở lại đây, với 1 euro tương đương chưa đầy 1,28 USD. Từ đầu năm tới nay, euro đã mất giá 7,4% so với USD. - Các chuyên gia đã đặt ra nhiều kịch bản để cứu Hy Lạp, trong đó có cả khả năng nước này tạm thời rút khỏi khu vực tiền tệ euro, trở về dùng đồng drachma cho tới khi nào kinh tế phục hồi. - Giáo sư kinh tế học đoạt giải Nobel, ông Paul Krugman, nhận định rằng, đồng euro chính là một trở ngại đối với sự tăng trưởng của kinh tế Hy Lạp, vì việc sử dụng đồng tiền chung không cho phép Athens phá giá đồng tiền để nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. |
Sau khi quyết định tài trợ 110 tỷ euro cho Hy Lạp trong vòng 3 năm, lãnh đạo khối đồng euro nghĩ rằng mọi việc sẽ từng bước ổn thỏa. Thế nhưng, thị trường tài chính không yên tâm chút nào, thậm chí, hiện nay còn có tin đồn là ngoài Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thì có thể cả Italy và Pháp cũng gặp khó khăn. Dựa theo tính toán của ngân hàng Natixis, báo Le Monde nêu ra những con số chóng mặt : từ nay đến 2012, Bồ Đào Nha sẽ cần 65 tỷ euro, Tây Ban Nha 410 tỷ. Vậy, nước nào có thể giúp và chấp nhận rủi ro. Kịch bản phá sản dây chuyền là nỗi ám ảnh các ngân hàng hiện đang cầm giữ một khối lượng khổng lồ công trái của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Các ngân hàng Pháp nắm giữ tới 170 tỷ euro công trái của Tây Ban Nha. Các ngân hàng Đức còn nhiều hơn thế.
Nếu thị trường tấn công vào đồng euro, thì đó chính là do châu Âu đã không có khả năng tổ chức. Tạo dựng lại lòng tin vào châu Âu đang là yêu cầu khẩn thiết. Cuối cùng đúng vào lúc châu Âu chịu bắt tay vào cứu Hy Lạp thì những sự cố đáng tiếc đã xảy ra. Sự chậm chạp của các nước và các định chế châu Âu chỉ khuyến khích nạn đầu cơ, làm tăng nguy cơ lây lan khủng hoảng, và hậu quả là cái giá phải trả tăng lên. Nhật báo công giáo La Croix cho rằng đồng euro đã trở thành gót chân Achilles của châu Âu và cần thiết có một châu Âu vững mạnh, để ứng phó với quyền năng và sự biến hóa của các thị trường.
Ông Mike Jones, chuyên gia tiền tệ tại ngân hàng Bank of New Zealand ở Wellington, nhận xét: "Tâm lý bi quan đang tràn ngập thị trường. Những mối lo mới về khả năng khủng hoảng tài khóa Hy Lạp đang khiến tâm lý tránh rủi ro tăng cao. Nhà đầu tư bán tháo đồng euro để tìm đến các loại tiền tệ cao hơn như đồng yên và đồng USD."
Theo giới phân tích, bi kịch ngày nay của Hy Lạp, ngoài việc bắt nguồn từ thói quen tiêu "hoang" của chính phủ nước này, còn có một phần là do tham vọng nhất thể hóa bằng mọi giá của các nhà lãnh đạo châu Âu - những người bị cho là đặt vấn đề chính trị lên trên thực lực kinh tế. Theo New York Times, về cơ bản, sự ra đời của đồng euro mang nhiều màu sắc chính trị - điều này đồng nghĩa với việc các quy định có thể được "uốn cong" khi quyết định nước nào được gia nhập. Ngay ở thời điểm năm 2000, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình nợ của Hy Lạp và nhấn mạnh rằng, mức nợ này đã vượt xa trần quy định của Eurozone. Tuy nhiên, Hy Lạp vẫn cố gây áp lực và đã được chấp nhận vào khối Eurozone vào tháng 1/2001, sớm hơn một năm so với mục tiêu của Athens. Khi đó, trên giấy tờ, Hy Lạp cho thấy họ đã cắt giảm được thâm hụt ngân sách. Và dù chưa giảm được nợ tới mức chuẩn, Athens đã nhấn mạnh vào tiền lệ là một số quốc gia khác như Italy và Bỉ vẫn được gia nhập Eurozone khi chưa đáp ứng được đỏi hỏi về mức nợ chính phủ. Đòi hỏi chính trị về việc giữ yên đồng euro đã dìm sâu mọi lời chỉ trích về những hành vi "phá trần" này.
Phương Hà