Tâm trạng chán nản kéo dài nhiều ngày có thể gây ra một giai đoạn trầm cảm nặng, có thể có khuynh hướng gắn liền ý nghĩ tự tử và mất khả năng nhận thức.
1. Biểu hiện cơ bản của trầm cảm
Trầm cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn là sau tuổi dậy thì.
Biểu hiện của trầm cảm:
- Cảm thấy buồn hoặc khó chịu.
- Chán nản không quan tâm hoặc không thích thú trong hầu hết các hoạt động; giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn;
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ;
- Đau nửa đầu;
- Mệt mỏi hoặc mất năng lượng;
- Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung và lựa chọn;
- Cảm giác vô dụng (tức là cảm thấy bị từ chối và không được yêu thương) hoặc tội lỗi quá mức.
- Suy nghĩ tiêu cực…
Vị thuốc phật thủ.
2. Nguyên nhân gây trầm cảm
Nguyên nhân gây trầm cảm chưa được rõ. Nó được cho là kết quả từ các yếu tố di truyền và các yếu tố bên ngoài như lối sống, môi trường… Khi có dấu hiệu bất thường cần được khám và tư vấn sớm. Thầy thuốc sẽ kết hợp liệu pháp tâm lý và dùng thuốc trong kế hoạch điều trị.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới trạng thái trầm cảm là do chức năng "sơ tiết" của tạng can (điều hòa can tỳ) bị uất kết. Vì vậy, có thể sử dụng những vị thuốc điều vị, giải uất, sơ can lý khí có tác dụng cải thiện trạng thái tinh thần để hỗ trợ điều trị.
3. Thảo dược điều trị trầm cảm
3.1 Phật thủ
Theo Đông y, phật thủ vị cay, chua và đắng, tính ấm, vào can vị phế, có tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống.
Liều dùng: 2-10 g quả khô, dưới dạng nấu, hãm uống, dùng cho các trường hợp rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm, ức chế...), đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho hen phế quản nhiều đờm, khó thở.
Cách dùng: Phật thủ 15 g rửa sạch thái nhỏ, đường trắng lượng thích hợp cho vào trong bình trà, đổ nước sôi hãm uống thay trà.
Hoặc dùng bài: Phật thủ 15 g, gạo tẻ 80g. Nấu phật thủ lấy nước bỏ bã, cho gạo tẻ vào nấu cháo. Có thể cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi, chia ăn trong ngày.
Vị thuốc trần bì.
3.2 Trần bì và hương phụ
Trần bì là vỏ quýt để lâu năm. Hương phụ là rễ củ của cây cỏ gấu, là những vị thuốc có tác dụng "lý khí", điều tiết khí trong cơ thể và cải thiện tinh thần, giải trừ trạng thái u uất.
Theo đông y, nguyên nhân sinh bệnh đều do tâm thần u uất, dương khí không được thông ra ngoài mà gây nên bệnh. Có thể sử dụng trần bì hoặc hương phụ - mỗi vị 15g, sắc nước uống.
4. Bài thuốc điều trị trầm cảm
4.1 Trầm cảm, suy nhược tâm thần với biểu hiện tim đập nhanh khó thở
Thành phần: Đương quy, thục địa, toan táo nhân, ngũ vị tử, thiên môn đông, mạch môn, mỗi vị 156g. Hoàng liên, thủy xương bồ, nhân sâm, huyền sâm, phục linh, đan sâm, cát cánh, viễn chí, cam thảo, mỗi vị 78g.
Cách dùng: Tán bột và làm thành viên 9g. Mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần với nước ấm.
4.2 Suy nhược tâm thần, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ
Thành phần: Câu kỷ tử, bạch chỉ, toan táo nhân, mỗi vị 9g; đương quy, nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, viễn chí, xà sàng tử, mỗi vị 6g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 phần uống trong ngày.
4.3 Trầm cảm với các triệu chứng mất ngủ, giảm trí nhớ, đau đầu
Thành phần: Toan táo nhân 25g, đương quy, phục linh, thục địa, câu kỷ tử, cúc hoa, mỗi vị 20g; viễn chí, mạch môn, bạch truật, mỗi vị 15g; xuyên khung, nhân sâm, hoàng bá, mỗi vị 10g.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 phần uống trong ngày.
Hoặc dùng bài: Toan táo nhân 100g, đương quy, mạch môn, câu kỷ tử, thục địa, mỗi vị 50g. Phục linh, hạt sen, huyền sâm, ngũ vị tử, mỗi vị 25g. Viễn chí, nhân sâm, địa liền, mỗi vị 20g.
Cách dùng: Tán bột, trộn với mật ong làm thành viên hoàn, mỗi viên 15g. Mỗi lần uống 1 viên, ngày 2 lần, với nước ấm.
Bệnh nhân trầm cảm được coi là khỏi bệnh khi người bệnh hồi phục tình trạng trở lại bình thường, ăn ngủ bình thường, giao tiếp tích cực.
Mời bạn xem thêm video:
Cháo trai- món ăn bổ dưỡng